Một số vấn đề về giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 7/2020

Hội nhập quốc tế đã và đang đem đến những thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu nhân lực và hoạt động sản xuất trong thị trường lao động tương lai. Trong bối cảnh đó, việc đổi mới hoạt động giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng bối cảnh mới là vấn đề bức thiết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bài viết trao đổi một số quan điểm về giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam, những khó khăn, thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, từ đó đưa ra các giải pháp đồng bộ khắc phục những hạn chế này trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Trao đổi về giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói riêng nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Điều này được thể hiện khá rõ với việc ban hành các chính sách nhằm định hướng giáo dục nói chung và GDNN nói riêng sát với tình hình thực tiễn.

Bên cạnh Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020 theo Quyết định số 2448/QĐ-TTg ngày 16/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định: “Đến năm 2020, phát triển một số cơ sở giáo dục đại học và dạy nghề đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và dạy nghề tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước; tiến tới công nhận văn bằng, chuyển đối tín chỉ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam và các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới...”

Luật GDNN cũng xác định mục tiêu hợp tác quốc tế trong GDNN là: “Nâng cao chất lượng GDNN theo hướng hiện đại, tiếp cận nền GDNN tiên tiến trong khu vực và trên thế giới”. Các hình thức hợp tác quốc tế trong GDNN cũng được xác định như: Liên kết đào tạo, thành lập văn phòng đại diện của cơ sở GDNN nước ngoài tại Việt Nam; hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học; bồi dưỡng, trao đổi nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN và người học; trao đổi thông tin phục vụ hoạt động đào tạo, cung ứng chương trình đào tạo, trao đổi các ấn phẩm, tài liệu và kết quả hoạt động đào tạo; tham gia các tổ chức giáo dục, hội nghề nghiệp khu vực và quốc tế; mở văn phòng đại diện cơ sở GDNN của Việt Nam ở nước ngoài.

Với chủ trương, chính sách, thể chế được quy định trong Nghị quyết của Đảng, Luật Giáo dục, Luật GDNN và các nghị định của Chính phủ, hoạt động hợp tác quốc tế trong GDNN của nước ta đã diễn ra sôi nổi thông qua việc triển khai nhiều dự án, chương trình quan trọng như: Dự án kỹ năng nghề Việt Nam của Canada, Chương trình đổi mới đào tạo nghề của Đức (GIZ), Chương trình gắn kết với doanh nghiệp của Đan Mạch, Dự án Aus4skills của Úc, Dự án tăng cường lĩnh vực GDNN tại Việt Nam của JICA…

Đáng chú ý, những chương trình, dự án này đã mang lại những cơ hội cho Việt Nam trong việc tiếp cận và khảo sát kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích trong việc nâng cao và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong GDNN trong tương lai.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thực tế triển khai GDNN thời gian qua cho thấy, hội nhập quốc tế về GDNN của nước ta cũng đã và đang đặt ra những khó khăn, thách thức. Cụ thể:

Thứ nhất, công tác quản lý, quản trị nhà trường, chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ giáo viên... những kỹ năng mới nảy sinh, đòi hỏi người lao động cần được đào tạo kịp thời và đáp ứng phù hợp nhu cầu phát triển.

Thứ hai, những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong Cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi rất nhanh chóng trong khi trang thiết bị dạy nghề tại các cơ sở GDNN hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về chương trình đào tạo, đặc biệt chưa tương thích xu hướng đào tạo của quốc tế.

Thứ ba, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ của các giảng viên, học viên tại các cơ sở GDNN còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp xu hướng phát triển khoa học công nghệ trong bối cảnh mới.

Thứ tư, các cơ sở GDNN chưa gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp (DN); chưa xây dựng các hội đồng kỹ năng ngành với sự tham gia của DN trong việc hoạch định chính sách vĩ mô, dự báo lao động, việc làm, xác định các tiêu chuẩn ngành. Đồng thời, DN chưa tham gia sâu vào việc phát triển chương trình, thực tập, thực hành trong quá trình đào tạo và đào tạo gắn kết chặt chẽ với tạo việc làm…

Giải pháp đổi mới hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới, các cơ sở GDNN cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tăng cường gắn kết với DN, bởi chỉ có DN mới định hướng đúng nhất về công nghệ, yêu cầu ngắn hạn và dài hạn đối với đội ngũ lao động để bảo đảm DN hoạt động có hiệu quả trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Hai là, nâng cao chất lượng kỹ năng nghề cho lao động trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0;  đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội tiếp cận đối với mọi người dân, phục vụ học tập suốt đời.

Ba là, tăng cường tự chủ cho các cơ sở GDNN; chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng; tăng cường kết hợp với DN ở tất cả các cấp độ, mở rộng hợp tác quốc tế để lĩnh hội những kiến thức GDNN tiên tiến trên thế giới.

Bốn là, từng bước xây dựng GDNN mở trên cơ sở áp dụng mạnh tiến bộ của công nghệ thông tin trong dạy và học, triển khai đào tạo trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động cập nhật, nâng cao kỹ năng suốt cuộc đời.

Năm là, sớm hoàn thiện và tổ chức thực hiện khung trình độ quốc gia với các chuẩn đầu ra được cụ thể hóa cho từng trình độ và từng ngành nghề trên cơ sở đồng thuận của các cơ quan quản lý, các cơ sở GDNN, các cơ sở giáo dục đại học, các doanh nghiệp và các hội nghề nghiệp.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2014), Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 ngày 27/11/2014 ;
2. Chính phủ (2012), Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục;
3. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 2448/QĐ-TTg ngày 16/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ;
4. Phạm Đỗ Nhật Tiến (2020), Giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0;
5. Đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, http://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/doi-moi-giao-duc-nghe-nghiep-trong-cuoccach-mang-cong-nghiep-4-0.