Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam

Nguyễn Tuấn Trung

Trong những năm qua, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam luôn ở mức cao, đóng góp một phần không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và GDP của Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng nhanh và tương đối ổn định, nông sản của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường tiêu thụ quốc tế. Đặc biệt, việc Việt Nam tham gia hội nhập vào kinh tế thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, đi liền với đó là không ít những thách thức.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng xuất khẩu nông sản của Việt Nam

Từ năm 2009 đến nay, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam luôn ở mức cao, đóng góp một phần không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và GDP của Việt Nam. Năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 12,7 tỷ USD và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định.

Năm 2014 là năm thành công đối với hoạt động xuất khẩu nông sản của nước ta, khi kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt gần 25 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2013. Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh (cà phê tăng 32,2%, hạt điều tăng 21,1%, hồ tiêu tăng 34,1%, rau quả tăng 34,9%...).

Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam - Ảnh 1

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ năm 2009 đến nay cũng có chiều hướng gia tăng tương đối ổn định. Cụ thể, xuất khẩu nông sản sang các nước thuộc TPP đạt 4,9 tỷ USD, chiếm 38,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Với tốc độ tăng trưởng ổn định (khoảng từ 16-19%/năm), kim ngạch xuất khẩu nông sản sang các nước TPP ngày càng tăng (đạt 5,9 tỷ USD vào năm 2010, 6,8 tỷ USD năm 2011, 7,7 tỷ USD năm 2012, 8,8 tỷ USD năm 2013, đạt xấp xỉ 10 tỷ USD năm 2014 và đạt 13,95 tỷ USD năm 2015).

Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang các nước tham gia TPP, hạt điều là mặt hàng có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt 900 triệu USD năm 2015, tiếp đến là cà phê với kim ngạch khoảng 650 triệu USD. Đây là hai mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang TPP. Mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 của nước ta là hạt tiêu (đạt 450 triệu USD).

Mỹ đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam khi nước này nhập khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản lớn như cà phê, hạt tiêu, hạt điều. Chỉ tính riêng hạt tiêu và hạt điều, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước TPP. Các quốc gia khác cũng có lượng nhập khẩu hạt tiêu và hạt điều lớn như Singapore (chiếm 15% sản lượng xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang TPP), Australia và New Zealand (chiếm khoảng 10% sản lượng xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang TPP). Cà phê cũng là một mặt hàng nhập khẩu ưa thích của Hoa Kỳ, chiếm tỷ trọng khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê sang TPP; tiếp đến là Nhật Bản (25%) và Malaysia (10%)…

Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam - Ảnh 2
Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam

Về phía Nhà nước

Một là, tăng cường tính thực thi nội dung cam kết trong TPP liên quan đến xuất khẩu nông sản.

Việt Nam cần sớm nội luật hóa các nội dung của TPP vào trong hệ thống pháp luật như: Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Hải quan, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ và các luật, văn bản dưới luật liên quan. Bên cạnh đó, cũng cần sớm xây dựng các văn bản pháp lý, các quy định liên quan đến việc áp dụng hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT) và kiểm dịch vệ sinh dịch tễ (SPS) đối với hàng nông sản để bảo vệ doanh nghiệp (DN) sản xuất nông sản có khả năng cạnh tranh kém.  
Hai là, chú trọng chất lượng sản phẩm của ngành Nông nghiệp xuất khẩu sang các nước TPP.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong nước, Chính phủ nên đầu tư vào các dự án nghiên cứu và phát triển cải tạo giống, khuyến khích đưa vào thử nghiệm các loại giống tốt, để sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Đồng thời, tăng cường vai trò của Cục Xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ các DN tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường các nước thành viên TPP. Bên cạnh đó, hỗ trợ các DN nhận thức rõ các quy định về nhãn, mác, sở hữu trí tuệ, TBT và SPS đối với từng thị trường của các nước thành viên TPP.

Ba là, thực thi các chính sách bảo hộ nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Trong hoàn cảnh cụ thể của TPP, Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp bảo hộ:

(i) Bằng thuế quan: Đây là biện pháp bảo hộ triệt để nhất, nhằm ngăn chặn sự tràn vào ồ ạt của hàng nông sản nhập khẩu, đồng thời đem lại một khoản thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước;

(ii) Bằng lộ trình thuế quan: Cần tận dụng triệt để cơ chế này cho những mặt hàng nông sản xuất khẩu;

(iii) Bằng hạn ngạch thuế quan: Đây là biện pháp bảo hộ dễ được các nước thành viên TPP chấp nhận ;

(iv) Bằng các biện pháp TBT, SPS: Mặc dù, được thừa nhận trong Tổ chức Thương mại thế giới và được sử dụng phổ biến ở các nước đối tác TPP như Mỹ, Australia, New Zealand nhưng lại rất khó thực hiện trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam.

Bốn là, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu đặt ra của TPP.

Nhà nước cần đảm bảo ưu tiên vốn đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, để có thể đưa các công nghệ mới, công nghệ sạch ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông sản. Đồng thời, tiếp tục đổi mới chính sách phát triển khoa học công nghệ, tăng cường xã hội hóa nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; đổi mới chính sách đãi ngộ theo hướng khuyến khích và phát huy tốt các nguồn lực khoa học công nghệ, thu hút các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới để có thể thừa hưởng và tiếp thu những biện pháp khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, phòng chống dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông sản.

Chính phủ cũng cần nâng cao năng lực cán bộ kỹ thuật, quản lý, thực hiện xã hội hóa đào tạo nghề đảm bảo cho nông dân tiếp cận được các công nghệ mới đưa vào áp dụng trong hoạt động sản xuất.
Năm là, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân.

Bên cạnh việc áp dụng hình thức trợ giá, thu mua tạm trữ nông sản, Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho nông dân để sản xuất ra nông sản phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trước hết, cần có những biện pháp tuyên truyền để người nông dân hiểu rộng hơn về Hiệp định TPP và những tác động của hiệp định này đến thị trường xuất khẩu nông sản thế giới.

Sáu là, xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản.

Trong số các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam, cần xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất xuất khẩu, nhằm giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Cụ thể:

- Tiếp tục khuyến khích đầu tư vào các cơ sở chế biến và bảo quản nông sản tại các chợ đầu mối nông sản bảo đảm tiêu chuẩn Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn hay Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội Bán lẻ Anh quốc thiết lập.

- Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hệ thống này cho biết nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, cách thức sản phẩm được sản xuất ra cũng như đường đi của sản phẩm từ đồng ruộng đến bàn ăn của người tiêu dùng, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua sắm sản phẩm.  

- Tiếp cận và mở rộng hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Các DN cần tích cực thâm nhập, tiếp cận, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm; tìm người đại diện bán hàng tốt vào thị trường xuất khẩu; tổ chức tốt hệ thống phân phối sản phẩm, đặc biệt là hệ thống bán lẻ; tăng cường thiết lập quan hệ đối tác trực tiếp với các nhà nhập khẩu, giảm bớt việc xuất khẩu qua trung gian…

- Phát triển các dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp như: Dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ đầu vào sản xuất, dịch vụ về vốn sản xuất nông nghiệp, dịch vụ đào tạo, tư vấn kỹ thuật phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, dịch vụ bảo hiểm sản xuất nông nghiệp…

- Xây dựng thương hiệu nông sản theo hướng chuyên nghiệp, hỗ trợ về công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin cho các DN chủ lực, các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Về phía doanh nghiệp

- Tích cực đề xuất, tham vấn, phản biện chính sách theo hướng có lợi cho ngành; đồng thời hài hòa với lợi ích quốc gia.

Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang các nước tham gia TPP, hạt điều là mặt hàng có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt 900 triệu USD năm 2015, tiếp đến là cà phê với kim ngạch khoảng 650 triệu USD.

Các DN cần chủ động, nhạy bén tiếp cận và thu nhận những lợi ích mà TPP đem lại. Theo đó, DN tham gia vào quá trình tham vấn cho Chính phủ về vấn đề chính sách, những khó khăn gặp phải trong quá trình xuất khẩu nông sản, để Chính phủ có các biện pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời.

- Chủ động tiếp nhận thông tin về tình hình thực thi Hiệp định TPP và định hướng chỉ đạo từ Chính phủ để có kế hoạch phát triển hiệu quả.
Đối với các mặt hàng được dự báo là sẽ tăng giá trị xuất khẩu như đường, gạo, hoa quả, DN và các hộ sản xuất cần tập trung nội lực để đẩy mạnh phát triển sản xuất các mặt hàng này.

Tuy có giá trị xuất khẩu lớn, những sản phẩm này của Việt Nam trên thị trường quốc tế chủ yếu mới chỉ mạnh về lượng, chưa thực sự có thương hiệu về chất. Đứng trước sự cạnh tranh gay gắt của các nước xuất khẩu mạnh trong TPP, mỗi ngành cần có sự nhìn nhận, đánh giá, phát hiện và khắc phục các vấn đề nội tại để có thể phát huy thế mạnh trên thị trường quốc tế.

Chẳng hạn như ngành Mía đường, theo dự báo sẽ tăng xuất khẩu đến trên 90% so với giá trị hiện tại, đặc biệt lượng tăng này gần như vẫn giữ nguyên trong trường hợp dự báo Hoa Kỳ thực hiện bảo hộ thuế quan ngành Mía đường. Tuy nhiên, hiện tại, ngành Mía đường Việt Nam có chi phí sản xuất khá cao so với các quốc gia đứng đầu thế giới như Brazil, Ấn Độ, Thái Lan… và chất lượng nguyên liệu là cây mía còn thấp.

Theo khảo sát của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, nếu như ở các nước (Brazil, Ấn Độ, Thái Lan) giá mía mua vào dao động từ 30 - 35 USD/tấn mía chất lượng cao, thì ở Việt Nam, giá mía mua vào là 45-50 USD/tấn với chất lượng thấp hơn. Để giải quyết thực trạng này, DN và nông dân cần phối hợp đầu tư máy móc, tư vấn cải thiện kỹ thuật sản xuất, giải quyết vấn đề thủy lợi, đường giao thông, cải thiện giống.

- DN cần chủ động tái cấu trúc lại sản xuất để thích ứng với TPP
Để mở rộng hoạt động xuất khẩu, các DN cần tích cực tái cấu trúc lại sản xuất thông qua xác định lại mục tiêu liên quan đến sản phẩm chiến lược trong giai đoạn tới, hiện đại hóa công nghệ theo hướng an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Đồng thời, tiếp cận phương pháp quản lý mới cũng như mô hình sản xuất chuỗi khép kín nhằm tạo được sự ổn định về nguyên liệu và hạ thấp chi phí.

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Hồng Hiệp (2015), “The TPP’s impactss on Vietnam: A Preliminary Assessment”;

2. Thepangroup.vn (2015), “Opportunity and challenges for agriculture export”;

3. Ms. Nguyen Thi Thanh (2015),“Key Challenges To Vietnam’s Agricultural Sector Under The TPP”;

4. Shawn S. Arita and John Dyck, United States Department of Agriculture (2014), “Vietnam’s Agri-Food Sector and the Trans-Pacific Partnership”;

5. Báo cáo Hội thảo “Việt Nam gia nhập TPP: Triển vọng và giải pháp cho ngành nông nghiệp năm” của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, 2015;

6. Đại học Ngoại thương (2014), “Tác động của cam kết gỡ bỏ hàng rào thuế quan của Hiệp định TPP tới nông nghiệp Việt Nam”;

7. Hà Văn Hội (2015), “Tham gia TPP: Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam”;

8. Đào Thị Ngát (2014), “Thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”.