Giải pháp tài chính thúc đẩy xuất khẩu gạo vùng đồng bằng Sông Cửu Long

ThS. Nguyễn Thị Trúc Phương - Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh

Trong các vùng kinh tế nông nghiệp – nông thôn của cả nước, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cung cấp sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm lớn nhất. Để thúc đẩy xuất khẩu gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khá hiệu quả như: hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thu mua lúa gạo, hỗ trợ về vốn cho thu mua tạm trữ để bình ổn giá đảm bảo cho người nông dân có lãi, cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch... Trong thời gian tới, những chính sách hỗ trợ này cần được tiếp tục triển khai một cách hiệu quả.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục giữ vững trong tốp đầu về các quốc gia xuất khẩu gạo. Nguồn: Internet.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục giữ vững trong tốp đầu về các quốc gia xuất khẩu gạo. Nguồn: Internet.

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích trên 40.000 km2 với dân số khoảng 18 triệu người. ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi và có nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt là các lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, trái cây. Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ĐBSCL đã chiếm trên 50% sản lượng và trên 70% giá trị xuất khẩu của cả nước về sản lượng và giá trị của lương thực.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục giữ vững trong tốp đầu về các quốc gia xuất khẩu gạo, trong đó sản lượng xuất khẩu của khu vực ĐBSCL chiếm đến hơn 90%. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016, vùng ĐBSCL xuất khẩu gạo đạt 2,732 triệu tấn và dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2016 xuất khẩu thêm 2,97 triệu tấn, cả năm sẽ đạt gần 6,0 triệu tấn.

Để thúc đẩy xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tài chính như: hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thu mua lúa gạo, hỗ trợ về vốn cho thu mua tạm trữ để bình ổn giá đảm bảo cho người nông dân có lãi, cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch... Tuy nhiên, các giải pháp này vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại…

Chính sách thu mua lúa gạo tạm trữ chưa đảm bảo lợi ích đến được trực tiếp với người sản xuất lúa. Chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu ĐBSCL chưa phát triển được. Sản xuất lúa gạo xuất khẩu và xuất khẩu gạo của khu vực ĐBSCL vẫn thiếu sự ổn định, sản lượng xuất khẩu nhiều nhưng hiệu quả chưa cao, thị phần xuất khẩu gạo có chất lượng chưa có tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Sự phối hợp triển khai các giải pháp tài chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu gạo ĐBSCL chưa đồng bộ ở cả Trung ương và các địa phương. Các giải pháp tài chính như bảo hiểm, tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, thuế... ít tác động đến chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu.

Vì vậy, hoàn thiện các giải pháp tài chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu gạo của khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung phát triển ổn định đang đặt ra có tính cấp bách hiện nay cũng như trong nhiều năm tới, có tính trước mắt và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững, lâu dài.

Nghiên cứu áp dụng một số chính sách hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu gạo

Xuất phát từ những đặc điểm của sản xuất lúa gạo cũng như thị trường gạo xuất khẩu của ĐBSCL, việc triển khai chiến lược đa dạng thị trường, trong đó có những thị trường dễ tính, thị trường lợi thế của Việt Nam, đó là châu Phi và một số nước khác là định hướng đúng đắn. Song trong thực tiễn, vai trò của Chính phủ, thông qua các chính sách cụ thể của mình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh xuất khẩu gạo đối với các thị trường mới, thông qua đó tạo dựng được thương hiệu gạo Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn khá mờ nhạt. Do vậy, trước mắt cần tập trung giải quyết những vấn đề sau:

Một là, Chính phủ xem xét bố trí ngân sách tăng thêm hàng năm để đưa “thương hiệu gạo ĐBSCL” vào Chương trình thương hiệu quốc gia. Bên cạnh đó, để tiếp cận thị trường thế giới, cần tăng tính liên kết vùng. Vùng lúa chất lượng cao với quy mô khoảng 200.000 ha ở các tỉnh, thành ĐBSCL cần được đầu tư xây dựng tốt là những bước đi đầu tiên trong hành trình xây dựng thương hiệu gạo ĐBSCL.

Đồng thời, Chính phủ cần có cơ chế điều hành linh hoạt, kịp thời hơn, áp dụng cho từng thị trường theo nguyên tắc: Một số thị trường nên mở rộng cho tư nhân tiếp thị như châu Phi, Iraq, Bangladesh; Một số thị trường không để cho DN giao dịch tự do mà phải để đầu mối từ cấp Chính phủ chỉ định. Đồng thời, các DN cũng cần khẩn trương nghiên cứu những điều kiện cần thiết cho việc tham gia vào thị trường Mỹ và Nhật Bản khi kết thúc đàm phán TPP.

Xuất khẩu gạo còn nhiều khó khăn mà vẫn chưa có sự thay đổi về chất trong thị trường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Trước đây khi tham gia thị trường xuất khẩu gạo, Việt Nam chỉ đi vào thị trường cấp thấp nhưng chưa có sự điều chỉnh kịp thời phân khúc cấp cao nên khách hàng nhìn gạo Việt Nam thuộc dạng cấp thấp.

Nay thị trường biến động cần phải có chính sách linh hoạt, xây dựng thương hiệu gạo không phải chỉ là gạo đặc sản như của Thái Lan, Ấn Độ mà phải có thương hiệu riêng cho từng DN để khách hàng yên tâm khi mua.

Nếu bán cho châu Phi chỉ gạo thơm và nếp cũng không phải là phương án hiệu quả, còn cạnh tranh với các nước như: Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan cũng phải có cách đi riêng. Với giá bán gạo của Thái Lan khá rẻ như hiện nay thì gạo Việt Nam không thể bán giá cao được.

Thị trường châu Phi chiếm tới 26-27% sản lượng gạo xuất khẩu gạo của Việt Nam. Do đó, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho các DN khảo sát, nghiên cứu, thâm nhập thị trường; tạo điều kiện cung cấp vốn mua gạo của Việt Nam cho một số nước châu Phi, thậm chí cả Triều Tiên và Cu Ba trong những trường hợp cần thiết.

Hai là, tài trợ cho các chương trình nghiên cứu giống lúa mới phù hợp với nhu cầu thị trường xuất khẩu gạo quốc tế.

Việt Nam sản xuất qua nhiều loại giống lúa, kể cả lúa thơm, chất lượng cao cũng bị lai tạp. Những bộ giống trên không còn phù hợp mà phải nhanh chóng có bộ giống mới phù hợp cho từng khu vực thị trường. Được biết nếu có bộ giống mới chất lượng cao sẽ bán được với giá từ 600-800 USD/tấn gạo.

Do đó, đây là lĩnh vực cần có sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ kết hợp với giải pháp tín dụng của ngân hàng thương mại để đầu tư cho khâu giống, cho xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến các khu vực tiềm năng.

Thực hiện có hiệu quả giải pháp nói trên sẽ tác động đa chiều, đến cả người sản xuất lúa gạo, DN xuất khẩu gạo, ngân hàng thương mại (NHTM) tài trợ vốn, đồng thời đem lại lợi ích chung cho nền kinh tế, cho thương hiệu gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Ba là, Chính phủ có thể hướng nguồn ODA của Chính phủ nhiều nước như Nhật Bản, châu Âu... của một số tổ chức quốc tế, kết hợp với vốn đối ứng của ngân sách nhà nước vào hoạt động đầu tư cho cải tạo giống lúa, nhập khẩu và sử dụng giống lúa mới, nhập khẩu và sử dụng dây chuyền công nghệ hiện đại chế biến gạo xuất khẩu, đào tạo chuyên gia lúa gạo trong nước... để mở rộng xuất khẩu gạo có chất lượng sang các thị trường khó tính.

Bốn là, Chính phủ tăng cường đầu tư và đảm bảo hiệu quả đầu tư cho ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo xuất khẩu ở khu vực ĐBSCL, kết hợp với phát triển nền sản xuất nông nghiệp sạch, ít sử dụng hóa chất. Theo đó, thông qua các hoạt động tín dụng chính sách, tín dụng NHTM, nhà nước có cơ chế cho vay ưu đãi đối với các hộ nông dân ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, tham gia các chuỗi sản xuất lúa gạo...

Nâng cao vai trò của Quỹ đầu tư phát triển địa phương

Trong thực tiễn hiện nay, hoạt động của các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương cho thúc đẩy sản xuất, thu mua, chế biến lúa gạo xuất khẩu ở vùng ĐBSCL còn rất mờ nhạt. Các nhu cầu đầu tư cho giống lúa mới có chất lượng cao, đầu tư cho kho hàng, đầu tư cho cơ sở chế biến gạo… của các địa phương chưa được đáp ứng.

Trong khi đó, xuất khẩu gạo là lĩnh vực hoạt động trọng điểm của vùng ĐBSCL. Vì vậy, vấn đề đặt ra mang tính cấp bách là phải triển khai áp dụng có hiệu quả hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương trực tiếp hỗ trợ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh lúa gạo xuất khẩu của địa phương.

Để triển khai có hiệu quả đối với hoạt động đầu tư cho lĩnh vực lúa gạo xuất khẩu, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương cần quan tâm xem xét hoàn thiện một số vấn đề chính sau đây:

- Vận dụng cơ chế lãi suất linh hoạt hơn, phù hợp với đặc thù, tình hình tài chính của DN, trong đó có các DN hoạt động liên quan trực tiếp đến sản xuất lúa và kinh doanh gạo xuất khẩu vùng ĐBSCL, bao gồm cả DN cung ứng đầu vào, cả DN thực hiện các khâu đầu ra của sản xuất lúa gạo… như: đối tượng dự án đầu tư và thực trạng quản trị rủi ro đối với từng dự án (hiện nay lãi suất của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương tham chiếu theo lãi suất của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thiếu linh hoạt, thiếu phù hợp).

- Điều chỉnh danh mục cho vay theo hướng hỗ trợ nhiều hơn đối với lĩnh vực đầu tư cho cải tạo giống lúa, cho triển khai gieo trồng các giống lúa mới cho năng suất và chất lượng cao cho xuất khẩu gạo, cho các DN đầu tư cơ sở xay sát, chế biến, xây dựng kho tàng cho hoạt động xuất khẩu gạo.

- Quan tâm tới danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của địa phương do UBND cấp tỉnh ban hành sau khi có ý kiến chấp thuận của HĐND tỉnh như: giao thông nông thôn ở các vùng trồng lúa tập trung, bến cảng trong vùng...

Thực hiện tốt giải pháp này cho phép phát huy vai trò hoạt động của Quỹ Đầu tư địa phương; đa dạng giải pháp tài chính góp phần thúc đẩy sản xuất và kinh doanh gạo xuất khẩu, môi trường tín dụng ngân hàng cho xuất khẩu gạo thuận lợi hơn, thúc đẩy sự phát triển mô hình liên kết giữa các nhà trong lĩnh vực lúa gạo xuất khẩu.

Giải pháp phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương

Trong thời gian qua, hàng loạt các chính sách khác hỗ trợ sản xuất lúa như: Hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch; hỗ trợ bao tiêu sản phẩm; miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; chính sách phí, thuế; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn... đã góp phần tạo nên những bước tiến quan trọng trong sự nghiệp đổi mới nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho người nông dân cả nước nói chung, người nông dân vùng ĐBSCL nói riêng có lãi từ trồng lúa.

Để đảm bảo lợi ích cho người sản xuất lúa, Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho người sản xuất lúa, bố trí kinh phí ngân sách hàng năm để thực hiện mục tiêu này; Chỉ đạo Sở Tài chính các địa phương thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ; Đề nghị UBND Tỉnh đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sản xuất sản phẩm theo nhu cầu thị trường, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm giá thành lúa...

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có thể phối hợp nghiên cứu đề xuất Chính phủ chính sách mới theo hướng hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người nông dân trồng lúa, thay cho chính sách hỗ trợ lãi suất cho các DN vay vốn NHTM tạm trữ lúa gạo hiện nay. Như vậy, việc hỗ trợ sẽ hiệu quả, thiết thực hơn.

Các Hiệp hội ngành hàng như Hiệp hội Lương thực Việt Nam... và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) bố trí kinh phí từ nguồn lực tài chính của mình hỗ trợ DN và cùng phối hợp chặt chẽ với các DN tìm kiếm thêm thị trường mới trong xuất khẩu gạo, nhất là các thị trường khó tính, thị trường châu Phi, rút kinh nghiệm về đàm phán ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo trong thời gian qua với các đối tác truyền thống nhằm tránh thua thiệt về giá, bị ép giá khi xuất khẩu gạo.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có các cơ chế, chính sách cần tiếp tục hướng vào việc khuyến khích các tổ chức tín dụng cạnh tranh mạnh mẽ ở khu vực nông nghiệp – nông thôn. Các biện pháp điều hành cụ thể của Ngân hàng Nhà nước về cấp giấy phép mở Phòng giao dịch, mở chi nhánh tổ chức tín dụng, cũng như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cho vay lãi cấp vốn, lãi suất… cũng cần tiếp tục được linh hoạt hơn nữa theo mục tiêu nói trên, trong đó có vùng ĐBSCL.

Các NHTM nâng cao vai trò tư vấn, phòng ngừa rủi ro cho các nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam thông qua nghiệp vụ ngân hàng đại lý, ngân hàng bảo lãnh ở quốc gia nhập khẩu gạo… nhất là các thị trường mới mua nông sản của Việt Nam. Các NHTM cần giảm phí thanh toán quốc tế, phí bảo lãnh cho các DN xuất khẩu gạo vào các thị trường mới.

UBND các tỉnh vùng ĐBSCL, các DN và các NHTM phối hợp mở rộng mô hình liên kết trong lĩnh vực cung ứng đầu vào, sản xuất lúa, thu mua và chế biến lúa gạo xuất khẩu, đảm bảo tính bền vững cho các bên, NHTM thực hiện cho vay vốn xuất khẩu gạo theo một đầu mối duy nhất.

Thời gian qua, việc triển khai các chính sách tín dụng cho các chương trình lớn về phát triển nông nghiệp – nông thôn được ngành ngân hàng thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ. Song, sự phối hợp đồng bộ, việc tháo gỡ vướng mắc khó khăn… của các bộ ngành có liên quan, của các địa phương còn chậm, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu thụ nông sản, khuyến nông và khuyến ngư, đào tạo nghề cho người nông dân… Do đó, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ của các các bộ ngành, các địa phương trong nhận thức cũng như trong triển khai thực tế.

Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong triển khai Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng ngân hàng đối với nông nghiệp – nông thôn; đồng thời, mở rộng các vùng trồng lúa có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính, thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng gạo.

Chính sách bảo hiểm có vai trò quan trọng để các tổ chức tín dụng mở rộng vốn tín dụng an toàn, hiệu quả cho phát triển nông nghiệp – nông thôn theo xu hướng hội nhập nhưng trong triển khai vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Do đó, trong năm 2016 cần có sơ kết, tổng kết, đánh giá sát quá trình triển khai thời gian qua để thực hiện có hiệu quả Nghị định 55/2015 của Chính phủ trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

1. Nâng cao sức cạnh tranh và giá trị xuất khẩu gạo của các tỉnh ĐBSCL, Tạp chí Phát triển và Hội nhập (tháng 7-8/2014);

2. ĐBSCL: Nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, http://baocongthuong.com.vn/dong-bang-song-cuu-long-nang-cao-gia-tri-san-pham-xuat-khau.html;

3. www.vietfood.org.vn;

4. www.sbv.gov.vn.