Giải pháp đẩy nhanh tiến độ đào tạo nhân lực điện hạt nhân
(Tài chính) Dự kiến đến năm 2020, nhu cầu nhân lực của nước ta trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cần khoảng 4.355 người, riêng lĩnh vực hạt nhân cần 2.850 người, trong đó, cán bộ chuyên môn về công nghệ, an toàn lò phản ứng và nhà máy điện hạt nhân vào khoảng 1.600 người. Giải pháp nào để đào tạo kịp và đủ nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuẩn bị, triển khai và vận hành nhà máy khi mà thời gian không còn nhiều?
Thiếu và yếu về cả số lượng lẫn chuyên môn
Thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, tháng 11/2009, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, và Chính phủ đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm hai Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, mỗi nhà máy gồm hai lò phản ứng với công suất điện khoảng 1000MW/mỗi lò. Ước tính, mỗi nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận cần tới 1.100 người với cơ cấu trình độ đại học (442 người), cao đẳng nghề (461 người) và lao động phổ thông (197 người)…
Nhu cầu là vậy nhưng tính từ Sau 40 năm phát triển, đến nay, ngành năng lượng nguyên tử của Việt Nam mới có khoảng 800 cán bộ khoa học tập trung ở 3 đơn vị năng lượng nguyên tử của Bộ Khoa học và Công nghệ, gồm: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục Năng lượng nguyên tử.
Ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), số lượng cán bộ chuyên ngành về hạt nhân và liên quan chỉ khoảng 100 người. Hiện Việt Nam cũng mới chỉ có 5 trường đại học và một viện nghiên cứu chuyên ngành được phép đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân là Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên TP. HCM, Đại học Đà Lạt, Đại học Điện lực, Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Được biết, để chủ động về nguồn nhân lực cho vận hành các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, Ban quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã cử nhiều cán bộ, chuyên gia đi học các khoá đào tạo ngắn hạn về chuyên ngành điện hạt nhân ở Nga và Nhật Bản để phục vụ cho nhà máy sau này.
Cụ thể, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (hợp tác với Nga) đã gửi đào tạo nước ngoài 282 người, trong đó chủ yếu được đào tạo tại Nga. Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (hợp tác với Nhật Bản) gửi đào tạo 100 người… Phối hợp cùng Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, từ năm 2010 - 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa 258 em vào học ngành điện hạt nhân và đã có 161 em ký cam kết làm việc với Ban quản lý cũng như làm việc trong nhà máy… Như vậy so với yêu cầu thực tế, nhân lực ngành năng lượng nguyên tử nói chung và lĩnh vực điện hạt nhân nói riêng thiếu cả về số lượng, cơ cấu chuyên môn và trình độ.
Trước đòi hỏi về nhu cầu nhân lực lớn như vậy, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, bao gồm nhiều ngành đào tạo, đặc biệt là đào tạo nhân lực về quản lý và vận hành các nhà máy. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu vào ngành học này.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định ưu đãi đối với sinh viên các chuyên ngành năng lượng nguyên tử như: Được miễn hoàn toàn học phí và phí ký túc xá, sinh viên loại giỏi trở lên được học bổng gấp15 lần học phí/tháng, sinh viên loại khá được học bổng gấp 8 lần học phí/tháng.
Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên được chuyển thẳng hệ cao học và làm nghiên cứu sinh ở trong nước và nước ngoài, được ưu tiên tuyển vào làm việc tại các cơ quan năng lượng nguyên tử mà không phải thử việc. Với trình độ sau đại học, học viên cao học, học viên nghiên cứu sinh được giữ nguyên lương trong thời gian đào tạo và được cấp sinh hoạt phí hàng tháng bằng 3,5 lần mức lương cơ sở. Sinh hoạt phí được cấp hàng tháng theo số tháng học thực tế của người học. Đồng thời, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh còn được cấp lệ phí làm hộ chiếu, visa; Giữ nguyên lương đối với học viên cao học, nghiên cứu sinh trong thời gian học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Đối với những người tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành năng lượng nguyên tử có nhiều ưu đãi đặc biệt, được hỗ trợ kinh phí bằng 30 lần mức lương tối thiểu của cán bộ công chức nếu có công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI…
Đề xuất, khuyến nghị
Sau khi nghiên cứu về Chương trình đào tạo tiến sĩ điện hạt nhân - NEST, GS. Jan Blomgren, Chủ tịch Viện các doanh nghiệp Hạt nhân, INBEx (Thụy Điển) đã đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị nhằm giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến trình đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân. Cụ thể:
Thứ nhất, đào tạo phải gắn với năng lực công nghiệp. Chương trình NEST là một chương trình tập trung chính vào đào tạo tiến sĩ, với các ứng viên còn khá trẻ. Việt Nam nên có những chương trình tương tự nhằm xây dựng năng lực phù hợp với trình độ ngành công nghiệp. Điều này sẽ giúp Việt Nam đạt được kết quả tốt hơn với cùng mức chi phí…
Thứ hai, cần cả đội ngũ chuyên gia phi hạt nhân. Đối với các nhà lãnh đạo của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và các trường đại học, việc hoàn thành học vị tiến sĩ tại một trường đại học danh tiếng ở nước ngoài là bước khởi đầu quan trọng trong sự nghiệp. Trong tương lai, khi các trường đại học của Việt Nam đạt tới chất lượng quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân, thì nên tính đến phương án hoàn thành học vị tiến sĩ tại Việt Nam.
Với Việt Nam số lượng từ 100-200 thạc sỹ kỹ thuật hạt nhân là cần thiết, nhưng đó là một thách thức không hề nhỏ. Tuy nhiên còn cần gấp 5 lần số lượng thạc sỹ trong các lĩnh vực khác (kỹ thuật điện, kỹ thuật cơ khí, vật lý kỹ thuật, hóa học, khoa học máy tính, khoa học hành vi…). Do đó, vận hành điện hạt nhân chất lượng cao đòi hỏi cả số lượng lớn chuyên gia trong các lĩnh vực phi hạt nhân.
Thứ ba, huấn luyện nhanh hơn đào tạo từ đầu. Huấn luyện lại cán bộ đã được đào tạo thường là một lựa chọn có chi phí cạnh tranh trong thời gian dài, mặc dù không cạnh tranh ở góc độ thời gian ngắn hơn. Quan điểm quan trọng trong đào tạo nhân lực là cần nhìn vào chất lượng hơn là quan tâm đến chi phí khi xây dựng các chương trình phát triển nguồn nhân lực. Trong điện hạt nhân, năng lực luôn luôn là lợi nhuận. Đầu tư cũng như chi tiêu vào phát triển năng lực bây giờ chắc chắn sẽ tạo ra nguồn lợi lớn trong một vài năm.
Thứ tư, đừng bỏ qua khía cạnh địa lý. Với Việt Nam, tất cả các kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đều được tập trung vào miền Nam. Vì vậy, Việt Nam cần phải tập trung đào tạo về năng lượng hạt nhân cho các vùng lân cận của TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt và các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Nếu cần thiết, cần tính đến khả năng di chuyển trụ sở của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Cục an toàn bức xạ hạt nhân vào Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này có thể không được thuận lợi với các nhân viên hiện tại, nhưng về lâu dài sự di dời địa lý như vậy sẽ cải thiện tình hình tuyển dụng cho các cơ quan chức năng cũng như các trường đại học theo định hướng hạt nhân ở miền Nam.
Thứ năm, xem xét lại việc xây dựng cơ sở nghiên cứu cho riêng mình. Rõ ràng các nguồn lực sẽ được sử dụng hiệu quả hơn nếu Việt Nam tham gia vào trung tâm nghiên cứu gia tốc trên toàn thế giới và tham gia vào các hợp tác quốc tế thay vì xây dựng trung tâm riêng cho mình. Việt Nam không có đủ khả năng xây dựng và duy trì các cơ sở trong khung nghiên cứu quốc tế. Được tham gia vào các trung tâm hàng đầu và xác định các nhiệm vụ khác nhau, Việt Nam có thể được công nhận trong một lĩnh vực lớn hơn…
Thứ sáu, nên tuyển dụng giáo viên liên ngành. Hiện Việt Nam đã có một vài giáo viên kỹ thuật hạt nhân. Để tăng số lượng, việc tuyển dụng liên ngành là điều cần thiết. Điều này sẽ hiệu quả hơn cả về thời gian và tài chính. Bởi khi tái đào tạo một giáo viên đang giảng dạy một ngành công nghệ khác thành một giáo viên hạt nhân hơn là bắt đầu từ đầu. Một chương trình hợp tác chung nhằm phát triển năng lực cho các giáo viên học thuật và công nghiệp, trong đó việc cùng sử dụng thiết bị là một phần không thể thiếu. Việt Nam cần khuyến khích điều này. Với một chương trình chung như đã nêu ở trên, Việt Nam có thể có được một bước khởi động, trong đó giáo viên tại các trường đại học và ngành công nghiệp hiểu biết nhau và hợp tác với nhau bằng cách sử dụng cùng một thiết bị. Nếu thành công, Việt Nam có thể trở thành một mô hình tiêu biểu trong quản lý năng lực hạt nhân.
Tóm lại, theo GS. Jan Blomgren, Chương trình NEST là một chương trình có triển vọng. Đây mới chỉ là một phần của giải pháp, chứ chưa phải là tất cả giải pháp. NEST là một cách tiếp cận hiệu suất cao, nhằm đạt tới trình độ xuất sắc cho một số chuyên gia. NEST cần được bổ sung với các chương trình tương tự để giải quyết các thách thức trong việc phát triển năng lực khác. Điện hạt nhân có nhu cầu về phát triển năng lực vô cùng đặc thù. Một nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi số lượng nhân viên hơn ba lần so với một nhà máy nhiệt điện sử dụng than với cùng công suất. Điện hạt nhân có hiệu suất cao nhất khi vận hành đúng cách, nhu cầu về xây dựng năng lực lớn nhất và tiềm tàng nguy cơ tạo ra thảm họa lớn nhất nếu không xử lý đúng cách. “Nhân lực là vấn đề lâu dài và quan trọng nhất trong ngành công nghiệp hạt nhân, để có một chuyên gia hàng đầu cần đến hơn 20 năm. Việt Nam nên tiến hành chương trình NEST sớm nhất có thể”, GS. Jan Blomgren nhấn mạnh.