Giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Thái Nguyên


Đầu tư công đóng vai trò tạo những nền tảng cơ sở, vật chất, hạ tầng kỹ thuật quan trọng cho các địa phương trên cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Đầu tư công không chỉ là “cú huých” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn thúc đẩy các địa phương thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Khắc phục những tồn tại, khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Nguồn; Internet
Khắc phục những tồn tại, khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Nguồn; Internet

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên là một tỉnh miền núi, thuộc vùng trung miền núi phía Bắc, nằm ở cửa ngõ phía Nam nối vùng Việt Bắc với Thủ đô Hà Nội, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có tiềm năng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vốn đầu tư xã hội trên địa bàn Tỉnh chủ yếu lệ thuộc vào nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách và vốn bổ sung từ nguồn trái phiếu chính phủ. Nguồn lực tài chính còn rất hạn chế, ngân sách của Tỉnh không đảm bảo cân đối thu – chi và phụ thuộc nhiều vào cơ chế, chính sách điều tiết của Trung ương… Chính vì vậy, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công luôn được Tỉnh đặt lên hàng đầu trong quá trình xây dựng, điều chỉnh, ban hành chính sách phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong thời gian qua, để đảm bảo sử dụng hiệu quả, hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có công văn yêu cầu các huyện, các ngành, các chủ đầu tư tăng cường phối hợp với nhà thầu và cơ quan thanh toán vốn để tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng giải ngân các dự án theo kế hoạch. Điển hình như, ngày 23/3/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, các ngành, các chủ đầu tư tăng cường phối hợp với nhà thầu và cơ quan thanh toán vốn để tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng giải ngân các dự án theo kế hoạch năm 2017. Theo đó, chủ đầu tư có dự án đạt tỷ lệ giải ngân thấp và không thanh toán hết số vốn thuộc kế hoạch năm 2016 phải chuyển nguồn sang năm 2017 và báo cáo UBND Tỉnh bằng văn bản (trước ngày 31/3/2017) để giải trình, kiểm điểm trách nhiệm, nêu rõ giải pháp cụ thể nhằm thực hiện giải ngân kịp tiến độ, đúng quy định.

Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, UBND Tỉnh yêu cầu chủ đầu tư tích cực phối hợp với các nhà thầu và các đơn vị liên quan thực hiện việc quyết toán dự án theo đúng thời gian quy định. Đối với các dự án, công trình đã có khối lượng nợ xây dựng cơ bản nhưng đến thời điểm 30/6/2017 chưa giải ngân kế hoạch năm 2017; các dự án khởi công mới năm 2017 đến 30/6/2017 chưa tổ chức đấu thầu, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo điều chuyển vốn đã giao năm 2017 sang dự án, công trình khác đã có khối lượng, có tỷ lệ giải ngân cao đủ điều kiện để giải ngân hết kế hoạch vốn được bổ sung.

Giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Thái Nguyên - Ảnh 1

Bên cạnh đó, UBND Tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các ngành liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia của Tỉnh thống nhất giao kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia; hướng dẫn các sở, ngành, địa phương hoàn thiện các thủ tục thẩm định và phê duyệt danh mục đầu tư theo quy định để triển khai thực hiện. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư và tiến độ giải ngân; tổng hợp báo cáo UBND Tỉnh phương án điều chuyển kế hoạch vốn đối với các dự án chậm triển khai thực hiện và giải ngân.

Cùng với các nội dung trên, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư tăng cường đẩy mạnh công tác giám sát, đánh giá đầu tư, thực hiện đầy đủ các báo cáo để việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được kịp thời, đúng quy định. Nhờ đó, hoạt động quản lý và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, qua kết quả sơ bộ phân tích số liệu của 2 năm (2016 và 2017) cho thấy, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thái Nguyên còn nhiều bất cập, còn có một số dự án chưa thực hiện giải ngân hoặc giải ngân đạt tỷ lệ thấp (trong đó hầu hết là các dự án chuyển tiếp và khởi công mới). Theo thống kê, đến hết ngày 31/8/2018, vẫn còn một số dự án có tỷ lệ giải ngân thấp như vốn xổ số kiến thiết (đạt 40,2%), vốn trái phiếu chính phủ (đạt 10,2 %).

Nguyên nhân khiến hoạt động giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên diễn ra chậm là do một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, về nguyên nhân khách quan: Trung ương chưa ban hành đầy đủ các quy định, hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư công, chưa phê duyệt hai chương trình mục tiêu Quốc gia. Việc phân cấp, phân quyền về vốn đầu tư đối với cấp huyện theo Luật Đầu tư công vẫn chưa được triển khai kịp thời. Việc ban hành kế hoạch giao vốn chi tiết để các đơn vị thực hiện của cấp thẩm quyền cũng còn triển khai chậm, do đó các chủ đầu tư, ban quản lý dự án triển khai các bước thực hiện đầu tư còn chậm dẫn đến chưa gửi hồ sơ đến Kho bạc Nhà nước. Cụ thể, nguồn vốn trái phiếu chính phủ theo Quyết định số 1215/QĐ-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 1/9/2017 về việc giao chi tiết kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ năm 2017 (đợt 2), UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao cho dự án: Đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội (Đoạn tuyến đi trùng Đại lộ Đông-Tây khu Tổ hợp Yên Bình và cầu vượt sông Cầu), kế hoạch giao 79 tỷ đồng. Nguồn vốn vay tín dụng đã được thông báo vốn và giao kế hoạch vào cuối năm 2016 với mức vốn 102,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình giải ngân vốn  dự án này còn gặp khá nhiều vướng mắc, bởi do nguồn vốn trên được giao kế hoạch năm 2016 nhưng cân đối nguồn năm 2017, mức vốn cân đối chưa được đưa vào kế hoạch bội chi ngân sách để Quốc hội thông qua.

Việc hướng dẫn giải ngân vốn đầu tư tại các địa phương hiện nay cũng còn chưa thống nhất. Việc chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư theo quy định của một số ngành, địa phương còn chưa đầy đủ, đúng thời gian dẫn đến chưa kịp thời tổng hợp đề xuất xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch…

Phân tích sơ bộ số liệu năm 2016 - 2017 cho thấy, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thái Nguyên còn bất cập, có một số dự án chưa thực hiện giải ngân hoặc giải ngân đạt tỷ lệ thấp, hầu hết là các dự án chuyển tiếp và khởi công mới. Thống kê, đến hết ngày 31/8/2018, vẫn còn một số dự án trên địa bàn Tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp như: vốn xổ số kiến thiết (đạt 40,2%), vốn trái phiếu chính phủ (đạt 10,2 %)…

Thứ hai, về nguyên nhân chủ quan: Các chủ đầu tư, các ngành, địa phương vẫn còn lúng túng, chậm triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định; chưa có sự phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng còn chưa đáp ứng yêu cầu. Số vốn được giải ngân chủ yếu tập trung ở các dự án hoàn thành đã phê duyệt quyết toán được bố trí kế hoạch để trả nợ tồn đọng; dự án chuyển tiếp. Các dự án khởi công mới phần lớn đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, một số dự án thuộc nguồn ngân sách địa phương cân đối, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được giao kế hoạch chi tiết, hoặc chưa được phê duyệt dự án. Ngoài ra, một số chủ đầu tư, đơn vị chưa thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư các dự án có khối lượng nợ đọng đã được ghi kế hoạch để thanh toán từ đầu năm; năng lực một số chủ đầu tư còn hạn chế, dẫn đến chậm hoàn thiện các thủ tục đầu tư…

Nhìn chung, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm ở một số dự án đã có những tác động nhất định làm ảnh hưởng đến đà phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên. Việc các dự án giải ngân không hoàn thành, phải chuyển nguồn từ năm trước sang năm sau đã ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư của các năm tiếp theo. Việc triển khai vốn đầu tư phát triển chậm kéo theo nhiều dự án chậm tiến độ không chỉ làm giảm hiệu quả khai thác của dự án mà quyền lợi của người dân cũng bị ảnh hưởng không nhỏ…

Giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thời gian tới UBND tỉnh Thái Nguyên cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục phê duyệt danh mục dự án thuộc nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, phê duyệt dự án để triển khai thực hiện; Chỉ đạo các địa phương khẩn trương phân bổ hết các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia đã được giao kế hoạch và phân cấp tổ chức thực hiện; Xây dựng, tổng hợp kế hoạch đầu tư công để báo cáo bộ, ngành Trung ương và trình HĐND Tỉnh thông qua; Kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc, đề xuất hướng xử lý, tháo gỡ và báo cáo Chủ tịch UBND Tỉnh xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan chỉ đạo hoàn thành việc phân giao hết số vốn kế hoạch đã được Tỉnh giao; Yêu cầu chủ đầu tư, chủ dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán các dự án phải thu hồi vốn ứng trước trong năm... Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật đối với các cá nhân gây chậm trễ trong việc giao vốn, thanh toán vốn; các chủ đầu tư không thực hiện rà soát, điều chỉnh, không báo cáo tiến độ giải ngân dự án sẽ không được bố trí vốn đầu tư công trong kế hoạch năm tiếp theo…

Đề xuất, kiến nghị

Nhằm khắc phục những tồn tại, khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, thời gian tới cần triển khai một số nội dung sau:

Thứ nhất, các sở, ngành và các chủ đầu tư cần tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư thường xuyên, thực hiện đầy đủ các báo cáo để việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được kịp thời, đúng quy định.

Thứ hai, tăng cường đôn đốc việc quyết toán dự án theo tiến độ đối với các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Muốn vậy, các Ban quản lý dự án cần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để sớm đưa vào sử dụng. Đối với những dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, yêu cầu chủ đầu tư tích cực phối hợp với nhà thầu và đơn vị liên quan thực hiện quyết toán dự án theo đúng thời gian quy định.

Thứ tư, cần có chế tài "xử lý mạnh tay" đối với các công trình, dự án có khối lượng lớn song không giải ngân, có thể điều chuyển nguồn vốn đó sang dự án, công trình khác đã có khối lượng, tỷ lệ giải ngân cao, đủ điều kiện để giải ngân hết kế hoạch vốn được bổ sung. Đối với một số dự án chậm giải ngân, cần tiếp tục tham mưu các phương án, biện pháp, đảm bảo công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hoàn thành trong năm kế hoạch.

Thứ năm, để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Thái Nguyên cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục phê duyệt danh mục dự án thuộc nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, phê duyệt dự án để triển khai thực hiện.

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật Đầu tư công năm 2014;
  2. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 của tỉnh Thái Nguyên;
  3. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017 của tỉnh Thái Nguyên;
  4. Vũ Thành Tự Anh (2012), Bài giảng về quản lý và phân cấp quản lý đầu tư công;
  5. Tô Ánh Dương (2010), Phân tích những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản: Đề xuất các biện pháp khắc phục, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Hà Nội;
  6. Sử Đình Thành (2010), Giáo trình đầu tư công, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.