Giải pháp đột phá, khơi thông nguồn lực cho cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội
Cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội là nhu cầu cấp bách nhưng để thực hiện được cải cách phải có những nguồn lực nhất định và muốn đạt hiệu quả cao cần phải gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Lộ trình cải cách cũng phải gắn với khả năng của nền kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.
Lộ trình cải cách gắn với khả năng của nền kinh tế và ngân sách nhà nước
Giải quyết vấn đề lao động, việc làm, thu nhập và mở rộng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người dân là trụ cột cơ bản nhất của chính sách an sinh xã hội. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Tạo cơ hội để mọi người có việc làm và cải thiện thu nhập. Bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động... Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về tiền lương, tiền công, khắc phục cơ bản những bất hợp lý... Phát triển và thực hiện tốt các chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động...”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trước những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương và BHXH, tháng 01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công để thực hiện xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương và Đề án cải cách chính sách BHXH.
Nguồn nào để thực hiện cải cách chính sách tiền lương và BHXH là nhu cầu cấp bách, nhưng để thực hiện được cải cách phải có những nguồn lực nhất định và muốn đạt hiệu quả cao cần phải gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Lộ trình cải cách phải gắn với khả năng của nền kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công, sau khi đề án được thông qua tại Hội nghị Trung ương 7, cả nước mới bắt đầu thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ năm 2021.
Để có nguồn lực cải cách tiền lương, lãnh đạo Chính phủ cho biết, bắt đầu từ năm 2018, hàng năm, ưu tiên dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách tiền lương; Khuyến khích các địa phương tăng thu ngân sách để có nguồn chi trả lương thu hút nhân tài, động viên người lao động giỏi; Nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở hằng năm phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương sau năm 2020; Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Đề án cải cách chính sách BHXH đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu để bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHXH, tập trung theo phương án điều chỉnh tăng tuổi từ ngày 01/01/2021 theo lộ trình với người lao động bình thường trong điều kiện lao động bình thường tăng thêm mỗi năm 3 tháng, cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Giải pháp mấu chốt cần tập trung thực hiện
Để thực hiện thành công hai đề án cải cách chính sách tiền lương và cải cách chính sách BHXH, theo các chuyên gia, cần phải tập trung thực hiện thành công các giải pháp mấu chốt, đó là:
Thứ nhất, sắp xếp, bố trí lại, tinh giản biên chế bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về tinh giản biên chế, Nghị quyết số 19-NQ/TW về đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Thứ hai, bố trí nguồn lực - tiền để cải cách tiền lương. Đây là hai giải pháp cốt yếu nhất trong các giải pháp về cải cách tiền lương cho cả 2 khu vực công – tư. Theo đó, việc cải cách bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập không phải là cắt giảm lao động mà là giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, trên cơ sở sự tinh gọn của cơ quan hành chính và phát huy sự năng động, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Kể từ khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Chính phủ và các cơ quan đã triển khai được nhiều công việc quan trọng. Cụ thể, các đại biểu Quốc hội đã đồng thuận cao biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), thể chế hóa được yêu cầu của Nghị quyết Trung ương về độ tuổi nghỉ hưu và nhiều nội dung liên quan tới khu vực doanh nghiệp như tiền lương tối thiểu, hội đồng tiền lương, phương pháp trả lương...
Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định về cơ chế tiền lương đặc thù đối với một số cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị như một số đơn vị cấp cục của Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải… Về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công, Chính phủ đang sửa đổi Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 theo hướng áp dụng chung cho các đơn vị trên tinh thần quán triệt cụ thể Nghị quyết số 27 và 19-NQ/TW. Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ sửa đổi Nghị định số 55/2012/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập và sửa đổi Nghị định số 41/2012/NĐ-CP về biên chế, vị trí việc làm. Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định mới về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần.
Theo các chuyên gia, các bộ, ngành cần khẩn trương hoàn thành xây dựng vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tinh gọn bộ máy và đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập. Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, doanh nghiệp, BHXH và pháp luật có liên quan đến chính sách tiền lương; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hoàn thiện cơ chế thỏa thuận về tiền lương trong doanh nghiệp thông qua việc thiết lập cơ chế đối thoại, thương lượng và thỏa thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông để chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ được tính cấp bách của vấn đề cải cách tiền lương, BHXH.