Giải pháp hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra Dự thảo Thông tư Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Thông tư 15/2012/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư sửa đổi) ngày 4/5/2012 quy định về việc NHNN tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD).
Có thêm kênh tiếp cận nguồn vốn rẻ
Nội dung đáng chú ý trong Thông tư sửa đổi là bổ sung phạm vi điều chỉnh về việc NHNN tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng đối với TCTD hỗ trợ cơ cấu lại TCTD bị kiểm soát đặc biệt thực hiện theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây được xem là để mở đường các giải pháp hỗ trợ tái cơ cấu lại các TCTD yếu kém.
Theo như Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu được đưa ra lấy ý kiến vào tháng 3 vừa qua thì có ba phương án xử lý TCTD yếu kém: cho TCTD tự phục hồi, xử lý pháp nhân (hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản) hoặc mua bắt buộc, theo đó NHNN có thể tự mua hoặc chỉ định một TCTD khác đáp ứng đủ điều kiện mua bắt buộc TCTD yếu kém.
Bên cạnh một số biện pháp hỗ trợ hoạt động như TCTD yếu kém không phải tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, thì NHNN cũng đưa ra một số biện pháp tài chính hỗ trợ TCTD yếu kém được mua bắt buộc, như bán nợ xấu không đủ điều kiện hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên theo quy định pháp luật cho VAMC, được Chính phủ cấp bổ sung vốn điều lệ, được Chính phủ cho vay dài hạn với lãi suất 0%, vay tái cấp vốn và vay đặc biệt của NHNN với lãi suất 0% trong thời gian theo phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt và có thể được miễn giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Đặc biệt, TCTD yếu kém cũng có thể nhận tiền gửi hoặc vay của TCTD hỗ trợ với mức lãi suất ưu đãi trong thời gian theo phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt.
Tuy nhiên, nếu mức lãi suất ưu đãi này thấp hơn chi phí huy động đầu vào của các TCTD hỗ trợ thì sẽ gây thiệt hại cho các tổ chức này, nên dĩ nhiên không ngân hàng nào muốn. Chính vì vậy, NHNN mới bổ sung thêm quy định có thể cho các TCTD hỗ trợ cơ cấu lại TCTD đang bị kiểm soát đặc biệt vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi trong Thông tư sửa đổi.
Như vậy, thay vì cho TCTD yếu kém vay trực tiếp với lãi suất ưu đãi thì NHNN có thêm giải pháp rót vốn cũng với mức lãi suất ưu đãi thông qua một trung gian là TCTD có trách nhiệm hỗ trợ, khi đó trách nhiệm giám sát, theo dõi các khoản vay tái cấp vốn này sẽ do chính các TCTD hỗ trợ thực hiện, do các tổ chức này đang trực tiếp hỗ trợ điều hành TCTD yếu kém nên sẽ đảm bảo bám sát hoạt động của TCTD yếu kém và quản lý các khoản vay được ưu đãi chặt chẽ hơn.
Lãi suất ưu đãi có thể ở mức nào?
Hiện tại, lãi suất cho vay tái cấp vốn đang nằm ở mức 6,25% sau đợt điều chỉnh hồi tháng 7 vừa qua của NHNN, khi trước đó đã duy trì ở mức 6,5% suốt từ tháng 3/2014. Do đó, lãi suất ưu đãi ở đây chắc chắn phải thấp hơn nhiều mức 6,25% như hiện nay, thậm chí có thể ở mức 0% theo như Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đề xuất.
Thông tư sửa đổi cũng cho phép các TCTD có tối đa ba lần gia hạn khoản vay tái cấp vốn nếu như không có khả năng trả nợ đúng hạn, đồng thời có thể được miễn giảm lãi tái cấp vốn đối với TCTD đang trong quá trình cơ cấu lại theo phương án cơ cấu lại TCTD đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quy định thay đổi này cũng nhằm để tương thích với Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Cần biết rằng, theo quy định tại Điều 10 của Thông tư 15/TT-NHNN về điều kiện tái cấp vốn, thì các TCTD gặp khó khăn về khả năng thanh toán nhưng chưa đến mức bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt mới được tiếp cận các khoản vay tái cấp vốn.
Thông tư sửa đổi cũng sửa đổi quy định về thẩm quyền ký văn bản đề nghị vay tái cấp vốn, cụ thể theo quy định cũ là chủ tịch hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc của TCTD, còn quy định mới dự kiến sửa đổi là người đại diện hợp pháp của TCTD. Việc sửa đổi này để phù hợp hơn với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cũng như Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Tuy nhiên, thời hạn tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng vẫn được giữ nguyên dưới 12 tháng. Điều này có thể gây khó khăn cho các TCTD đang trong giai đoạn tái cơ cấu, do lộ trình phục hồi đặt ra có thể sẽ kéo dài, tuy nhiên thời hạn vay tái cấp vốn quá ngắn nên TCTD có thể phải xin gia hạn nhiều lần hoặc làm lại hồ sơ, dẫn đến mất thời gian cũng như gây tốn kém nguồn lực và chi phí. Vì vậy, đối với khoản vay tái cấp vốn dành cho hỗ trợ tái cơ cấu nên được xem xét mở rộng kỳ hạn dài hơn.