9 bước thực hiện xử lý ngân hàng yếu kém

PV.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo báo cáo về dự án luật hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng, trong đó có nội dung về tình huống phải mua lại bắt buộc ngân hàng thương mại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiện tại, việc xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém được thực hiện theo một số quy định tại Luật các TCTD (Chương VIII từ Điều 145 đến Điều 150) về các biện pháp xử lý của NHNN đối với các TCTD yếu kém được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Trong các năm qua, NHNN đã thực hiện việc mua lại bắt buộc đối với 03 ngân hàng thương mại yếu kém.

Trước khi phải dùng đến biện pháp mua lại, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét đưa ngân hàng thương mại đó vào diện bị kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, ngay cả bước này cũng còn những vướng mắc pháp lý.

Cụ thể, theo NHNN, khuôn khổ pháp lý liên quan đến quá trình kiểm soát đặc biệt TCTD vẫn còn nhiều nội dung chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ. Ví dụ như: Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD chủ yếu tập trung ở 03 ngân hàng thương mại mua bắt buộc và các TCTD yếu kém. Quy mô nợ xấu và tài sản không sinh lời của các ngân hàng hiện ở mức cao. Việc xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời rất khó khăn, chưa đạt được kết quả đáng kể.

Tình trạng âm vốn chủ sở hữu của 03 ngân hàng yếu kém được mua lại bắt buộc quá lớn, âm nhiều lần quy mô vốn điều lệ. Các ngân hàng vẫn trong tình trạng mất khả năng thanh toán nghiêm trọng và không đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định.

Luật Các TCTD 2010 quy định 4 trường hợp xem xét đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, gồm: có nguy cơ mất khả năng chi trả; nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ dẫn đến nguy cơ mất khả năng thanh toán; khi số lỗ lũy kế của TCTD lớn hơn 50% vốn điều lệ thực có và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất; hai năm liên tục bị xếp loại yếu kém.

Nhưng trên thực tế thời gian qua, có tình huống ngân hàng thương mại lỗ âm tới gấp 2-3 lần vốn điều lệ còn do nguyên nhân chủ quan khác chứ không phải rủi ro trong kinh doanh đơn thuần. Lỗ lớn như vậy nhưng Ngân hàng Nhà nước cho rằng cơ sở pháp lý hiện chưa quy định rõ việc tiến hành ngay thủ tục phá sản mà không cần thực hiện kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng yếu kém không thể và không cần phục hồi...

Trước tình huống trên, khi cổ đông không thể khắc phục được tình trạng âm vốn, khi chưa tiến hành ngay được việc phá sản, trong khi phải ngăn chặn hiệu ứng đổ vỡ, đặc biệt là với tâm lý người gửi tiền với an toàn hệ thống, cũng như với ổn định vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải mua lại bắt buộc (ba trường hợp thời gian qua có giá 0 đồng).

Về quy trình, thẩm quyền, biện pháp xử lý TCTD yếu kém, hiện nay 
Quy định về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém như hiện tại chưa có quy trình rõ ràng, do đó việc xử lý tổ chức tín dụng yếu kém chưa kịp thời, còn chậm trễ, chưa hiệu quả, gia tăng chi phí xử lý, tăng rủi ro tiềm ẩn cho sự an toàn của hệ thống các TCTD và quyền lợi người gửi tiền.

Do vậy, trong dự thảo báo cáo cũng như trong định hướng xây dựng đề án luật hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng, NHNN muốn đưa vào và nêu rõ quy định chi tiết 9 bước thực hiện xử lý ngân hàng yếu kém.

Cụ thể, 9 bước này bắt đầu từ nhận diện ngân hàng yếu kém, xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt, đặt vào diện kiểm soát đặc biệt và lập ban kiểm soát đặc biệt, tổ chức kiểm toán độc lập đánh giá thực trạng tổng thể, lựa chọn phương án xử lý (củng cố, phục hồi hoặc xử lý pháp nhân...), xây dựng phương án củng cố phục hồi (bao gồm cả phương án tăng vốn, thời hạn thực hiện phương án tăng vốn - nếu có), hoặc xây dựng phương án xử lý pháp nhân theo các biện pháp tự nguyện (sáp nhập, hợp nhất, bán, giải thể...).

Trường hợp không xây dựng, thông qua được phương án xử lý, củng cố, phục hồi… trong thời hạn quy định thì Ngân hàng Nhà nước trình cấp có thẩm quyền quyết định việc Ngân hàng Nhà nước trực tiếp mua bắt buộc hoặc phá sản.

Theo đó, tình huống trên được xác định khi ngân hàng yếu kém đó không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn theo phương án đưa ra; không thực hiện được các phương án xử lý, củng cố… trong thời hạn quy định.

Trong dự thảo trên, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ định hướng: “Việc mua lại chỉ thực hiện với điều kiện: ảnh hưởng an toàn hệ thống; đánh giá có khả năng phục hồi khi được áp dụng các biện pháp hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước”.