Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, là một bộ phận quan trọng của kinh tế nhà nước, hiện diện ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Trong những năm qua, mặc dù đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, nhưng hoạt động và đóng góp của khối DNNN vào nền kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Bài viết đánh giá thực trạng hiệu quả hoạt động của DNNN, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN t

Tại Đại hội Đảng khóa XIII, Đảng đưa ra quan điểm về vị trí, vai trò của DNNN trong nền kinh tế có sứ mệnh quan trọng trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, cuốn hút, thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác cùng phát triển; thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng; thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, trực tiếp bảo toàn và phát triển các nguồn lực quan trọng của đất nước; giữ vị trí chi phối trong nhiều ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Vị trí, vai trò quan trọng của DNNN được khẳng định cả về lý luận và thực tiễn, tuy nhiên để phát triển nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế, việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của DNNN đã trở nên đặc biệt cấp thiết.

Thực trạng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

Những kết quả đạt được

Tính đến năm 2023, cả nước có khoảng 680 DNNN. Trong đó, có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số doanh nghiệp cả nước và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4%. Tổng doanh thu năm 2023 của các DNNN đạt 1,65 triệu tỷ đồng, đạt 104% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế của DNNN khoảng 125,8 nghìn tỷ đồng, đạt 108% so với kế hoạch; đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 166 nghìn tỷ đồng, đạt 108% so với kế hoạch. Ngoài ra, nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận sau thuế phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước năm 2023 là hơn 60 nghìn tỷ đồng, đạt 110% so với kế hoạch phê duyệt (TTXVN, 2024).

Năm 2023, nhiều DNNN đạt kết quả tích cực, đem lại nhiều kết quả khả quan và nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Riêng đối với 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thời gian qua, mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng các tập đoàn, tổng công ty trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận: tổng doanh thu đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng, đạt hơn 105% kế hoạch năm 2023 và hơn 96,5% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế của 19 tập đoàn, tổng công ty nếu không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ước đạt 53.256 tỷ đồng, bằng 166% kế hoạch đặt ra năm 2023 và hơn 110% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả EVN, lợi nhuận trước thuế chỉ còn đạt 28.661 tỷ đồng, bằng 89,39% kế hoạch năm 2023. Nộp về ngân sách nhà nước đạt 79.252 tỷ đồng, bằng 199% kế hoạch năm 2023 và bằng 120% so với cùng kỳ năm 2022. Có 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước (Minh Ngọc, 2023).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024), năm 2022, DNNN đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh đã thu hút nguồn vốn 12,1 triệu tỷ đồng, chiếm 20,5% vốn toàn doanh nghiệp. Tuy có số lượng doanh nghiệp ít, nhưng khu vực này có quy mô nguồn vốn bình quân lớn nhất, đạt 6,5 nghìn tỷ đồng/doanh nghiệp (doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút nguồn vốn lên tới 35,5 triệu tỷ đồng, chiếm 59,7% vốn toàn bộ khu vực doanh nghiệp, nhưng quy mô nguồn vốn bình quân chỉ đạt 49,7 tỷ đồng/doanh nghiệp; doanh nghiệp FDI thu hút 11,7 triệu tỷ đồng, quy mô nguồn vốn bình quân đạt 509,1 tỷ đồng/doanh nghiệp).

Năm 2022, DNNN đã tạo việc làm cho 1 triệu lao động (chiếm 6,6%). Đây là khu vực có quy mô lao động bình quân doanh nghiệp lớn nhất, đạt 540,5 người/doanh nghiệp (gấp 42,3 lần doanh nghiệp ngoài nhà nước và gấp 2,4 lần doanh nghiệp FDI). Thu nhập bình quân tháng của 1 lao động cao nhất với 16,9 triệu đồng/tháng, trong đó doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đạt 17,7 triệu đồng/tháng (doanh nghiệp ngoài nhà nước là 10,2 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp FDI 12,6 triệu đồng/tháng). Hiệu suất sử dụng lao động cao nhất đạt 21,09 lần, tăng 16,2% so với năm 2021. Trong khi đó, hiệu suất sử dụng lao động của doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 19,27 lần và doanh nghiệp FDI đạt 13,88 lần.

Khó khăn và hạn chế

Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế, nhưng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DNNN chưa tương xứng với tiềm lực, nguồn lực nắm giữ. Khu vực DNNN sử dụng vốn chưa hiệu quả. So với doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI, chất lượng và hiệu quả hoạt động của DNNN còn thấp. Mức nợ của nhiều DNNN và hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, các doanh nghiệp kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính tăng lên. Cụ thể, năm 2022, chỉ số nợ của DNNN cao nhất là 3,69 lần, tức là nợ phải trả của khu vực này lớn gấp 3,69 lần vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước có chỉ số nợ là 2,05, doanh nghiệp FDI là 1,54. Chỉ số nợ của DNNN gấp 1,8 lần doanh nghiệp ngoài nhà nước, gấp 2,4 lần doanh nghiệp FDI. Chỉ số vòng quay vốn là 0,38 lần, thấp hơn so với doanh nghiệp ngoài nhà nước (0,62) và doanh nghiệp FDI (0,97). Hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) của DNNN (3%) cao hơn doanh nghiệp ngoài nhà nước (1,7%), nhưng thấp hơn so với doanh nghiệp FDI (4,9%) (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2024).

Đó là chưa kể, nhiều DNNN lỗ triền miên, âm nặng vốn chủ sở hữu như: Vietnam Airlines thua lỗ 4 năm tiên tiếp đã khiến khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2023 âm 40,957 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 16,945 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Vetvaco kinh doanh thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu bị bào mòn, giảm 35% so với năm 2019 khi được giao dịch trên sàn UPCoM; Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV, đơn vị sở hữu kênh truyền hình K+) lỗ 496 tỷ đồng; Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng - CTCP (COMA) vẫn còn lỗ lũy kế 302 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 97 tỷ đồng (Ánh Tuyết, 2024).

Có thể thấy, DNNN còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp như: công nghệ cao, cơ khí chính xác, sản xuất chế tạo linh kiện, máy móc… DNNN vẫn chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết, hình thành chuỗi giá trị gia tăng còn hạn chế. Phần lớn DNNN quy mô lớn hoạt động trong ngành, lĩnh vực then chốt, mũi nhọn đều vận hành theo cơ chế tương đối khép kín, chưa khuyến khích các doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia vào các khâu, công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh.

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên xuất phát từ hoạt động quản lý tài chính còn tồn tại nhiều bất cập; chậm khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong đội ngũ cán bộ, quản lý; thiếu giám sát, kiểm tra, nhắc nhở kịp thời. Bên cạnh đó, trong tổng thể nền kinh tế, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa hoàn thiện..., nên DNNN khó tránh khỏi những vướng mắc trong việc tổ chức, thực hiện.

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

Để phát nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN, đóng góp tương xứng với tiềm năng của khu vực doanh nghiệp đối với nền kinh tế, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng Nhà nước thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện chủ sở hữu vốn. Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp.

Thứ hai, thống nhất quản lý, theo dõi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Thứ ba, đổi mới cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN theo chỉ tiêu tài chính tổng thể. Đẩy mạnh sắp xếp lại khu vực DNNN, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình cơ cấu lại DNNN, đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN, xử lý dứt điểm những hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức, quản lý, điều hành của một số DNNN đang tạo lỗ hổng cho tham nhũng, chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.

Thứ tư, khuyến khích hợp tác giữa DNNN với nhau và với các doanh nghiệp tư nhân để thực hiện các dự án quy mô lớn, nâng cao hiệu quả tổng thể chuỗi dự án nhằm phát triển chuỗi giá trị của ngành, lĩnh vực, mở rộng không gian kinh doanh trên nguyên tắc các bên cùng đạt hiệu quả. Thu hút các nguồn lực tài chính vào các doanh nghiệp, dự án lớn, quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ năm, áp dụng nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của DNNN; có cơ chế khuyến khích nghiên cứu, phát triển, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý, giám sát doanh nghiệp; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt các lĩnh vực chính cần chọn lựa các doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt trong việc đầu tư phát triển một số ngành, lĩnh vực mới, có tính chất quan trọng của nền kinh tế, tập trung dẫn dắt trong 4 lĩnh vực chính là: công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, tài chính - ngân hàng và kết cấu hạ tầng.

Thứ sáu, đổi mới cơ chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN. Đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa DNNN hiệu quả, công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện. Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn tại DNNN. Tăng cường phân cấp, ủy quyền cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đồng thời tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu để kịp thời phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật.

Theo Tap chí Kinh tế và Dự báo