Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước
Trong những năm qua, doanh nghiệp nhà nước đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vai trò là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, một trong các giải pháp quan trọng đang được các cấp, ngành tích cực triển khai là nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp nhà nước. Bài viết này phân tích một số bất cập hiện nay và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.
Tình hình doanh nghiệp nhà nước hiện nay
Tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương cho thấy, tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 827 doanh nghiệp (DN) có vốn góp của Nhà nước, trong đó có 478 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 198 DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 151 DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống. Các ngành nghề hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bao gồm: Quốc phòng an ninh, viễn thông, hàng không, xây lắp, viễn thông, khai khoáng, nông lâm nghiệp và công trình thủy lợi, hoạt động công ích như đô thị, cấp thoát nước…
Hoạt động của các DNNN trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng sau:
Thứ nhất, DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, có doanh thu và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước (NSNN). Đáng chú ý, riêng 478 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (0,08%) trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn, khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ DN trong nền kinh tế. Quy mô tài sản bình quân của DN có vốn nhà nước là 4.700 tỷ đồng/DN, lãi phát sinh trước thuế bình quân tăng 23%, tạo động lực đáng kể để phát triển kinh tế, đóng góp nguồn thu vào NSNN, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Thứ hai, DNNN đóng vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như: Hàng không, viễn thông, dầu khí, tài chính ngân hàng, hạ tầng giao thông… Hiện nay có tới hơn 96% khách hàng sử dụng mạng điện thoại di động của Viettel, Vinaphone và Mobifone. Các ngân hàng thương mại Nhà nước như BIDV, Vietcombank, Agribank… chiếm hơn 50% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành.
Thứ ba, DNNN có vai trò lớn trong sản xuất, cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích, nhiều tập đoàn, tổng công ty tham gia cùng Nhà nước trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, thực hiện các chính sách an xinh xã hội, kết hợp phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng, đảm bảo an ninh và chủ quyền quốc gia. Một số DNNN cung cấp các sản phẩm thiết yếu như điện, nước, thủy lợi, thủy nông, vệ sinh môi trường.
Có thể thấy, DNNN có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong nền kinh tế. Hoạt động của các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty có ảnh hưởng đến nhiều ngành của nền kinh tế, góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN vẫn chưa thực sự cao và chưa tương xứng với nguồn lực.
Ở Việt Nam hiện nay, quản trị DNNN chưa tốt, thậm chí yếu kém đã gây ra nhiều thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước tại một số tập đoàn kinh tế nhà nước. Điều này đã ảnh hưởng không tốt đến quá trình tái cơ cấu, cải cách DNNN cũng như vai trò và hình ảnh của kinh tế nhà nước trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Trong đó nguyên nhân quan trọng xuất phát từ việc thực hiện quản trị chưa tốt.
Bất cập trong quản trị doanh nghiệp nhà nước
Một số bất cập trong quản trị DN ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN như:
Một là, công tác đổi mới quản trị DN triển khai chậm, chưa thực sự tiệm cận theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, chưa phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại dẫn đến năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DNNN quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.
Hai là, việc nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực quản trị DNNN theo chuẩn mực quốc tế chưa ghi nhận kết quả đáng kể. Trình độ quản trị DN ở Việt Nam vẫn còn thấp so với chuẩn quốc tế. Các tổng giám đốc của DNNN chủ yếu thông qua cơ chế quy hoạch, mức lương và các đãi ngộ khác chưa gắn với hiệu quả công việc. Chính vì vậy việc tái cơ cấu toàn diện DNNN vẫn mang tính hình thức mà chưa chú trọng thực hiện các định hướng, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và chiến lược kinh doanh có tính khả thi cao.
Ba là, năng lực quản trị DNNN còn hạn chế dẫn đến thiếu tầm nhìn chiến lược để phát triển DN, nhất là tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra quốc tế.
Những hạn chế, yếu kém, bất cập trong quản trị DN ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư đối với DNNN nêu trên xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về nguyên nhân khách quan, tình hình kinh tế chính trị trên thế giới có nhiều biến động, tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, trong đó có DNNN. Các DNNN thực hiện sắp xếp, đổi mới trong giai đoạn này hầu hết là các DN lớn, còn tồn tại nhiều vướng mắc về tài chính, sở hữu nhiều đất đai nên công tác triển khai kéo dài.
Về nguyên nhân chủ quan, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DNNN còn hạn chế. Các DNNN chưa nỗ lực nắm bắt được thời cơ và thu hút nguồn lực của thị trường, chưa tham gia sâu, rộng hội nhập kinh tế quốc tế, chưa tạo được giá trị gia tăng cao...
Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước
Trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm đối với khu vực DNNN là tăng đầu tư, tăng đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động để DNNN thực hiện vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt; cùng với khu vực tư nhân trong nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu tốt, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045 như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề cập.
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, mục tiêu quản trị DNNN thời gian tới là “100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ứng dụng quản trị trên nền tảng số, thực hiện quản trị DN tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của OECD”, đồng thời nâng cao hiệu quả quản trị DN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển để hiện thực hóa vai trò, vị trí của DNNN trong nền kinh tế. Mục tiêu này phù hợp với Nghị quyết số 68/2022/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả quản trị DNNN trong thời gian tới như sau:
Một là, nâng cao tính độc lập của các bên liên quan. Khung pháp luật hiện hành đã xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu; các chức danh quản lý trong hệ thống quản trị của DNNN; bảo đảm trách nhiệm đi đôi với quyền hạn. Để nâng cao hiệu quả quản trị DNNN trong thời gian tới, cơ quan đại diện chủ sở hữu cần thực hiện đầy đủ chức năng theo thẩm quyền, đúng trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại DNNN nhằm đảm bảo Nhà nước thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong DN. Bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động của DNNN theo nguyên tắc thị trường. Tôn trọng tính độc lập trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, ban điều hành DNNN để hoạt động và quản trị của DNNN được thực hiện một cách minh bạch, giải trình, chuyên nghiệp, hiệu quả cao; nhằm cân bằng quyền lực, tăng cường trách nhiệm và nâng cao năng lực ra quyết định độc lập của lãnh đạo tại các DNNN.
Hai là, nghiêm túc thực hiện quy định về minh bạch hóa thông tin và giải trình. Để nâng cao hiệu quả quản trị DNNN, việc công bố thông tin, giải trình cần phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và cần phải có chế tài mạnh xử lý đối với việc công bố thông tin không thường xuyên theo quy định và chưa chính xác. Bên cạnh đó, cần xây dựng các cơ chế giám sát việc minh bạch thông tin và nâng cao hiệu quả giám sát hơn theo các phương thức: Đánh giá hiệu quả hoạt động/đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án/hoạt động cụ thể; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong thực hiện giám sát hoạt động của DNNN để đảm bảo hiệu quả trong việc giảm nguy cơ làm DNNN bị thua lỗ, thâm hụt vốn nhà nước.
Ba là, tăng cường thực hiện đúng vai trò, thẩm quyền của các bên liên quan. Để nâng cao hiệu quả quản trị trong các DNNN, ngoài việc thực hiện đúng vai trò, thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu, hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, ban điều hành, cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan khác cần đặt ra yêu cầu về sự phối hợp của các bên. Cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ động thực hiện đầy đủ và hiệu lực các quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu tại DN theo quy định pháp luật về DN, pháp luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại DN và thông lệ quốc tế; không can thiệp vào quá trình điều hành, quản trị kinh doanh tại DN; phối hợp với các bên liên quan quản trị DN trong công tác bổ nhiệm chức danh lãnh đạo có năng lực và chuyên nghiệp. Ban kiểm soát và hội đồng thành viên, đại diện chủ sở hữu nhà nước cần cộng tác, phối hợp chặt chẽ trên cơ sở thực hiện đầy đủ đúng thẩm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định của pháp luật vì lợi ích tốt nhất của DN; đảm bảo hiệu quả của các bên có quyền lợi liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị.
Bốn là, nghiên cứu cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DN, nhất là đối với quản lý cấp cao của DN. Đổi mới công tác quản lý cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao để tuyển dụng hoặc thuê cán bộ chất lượng cao. Trong đó, cải cách chính sách tiền lương để chính sách tiền lương trong các DN có vốn nhà nước trở thành công cụ quản trị hiệu quả, phù hợp với quá trình đổi mới DNNN theo hướng Nhà nước giảm dần sự can thiệp vào chính sách tiền lương của DNNN.
Chính sách tiền lương trong DN là một chính sách quan trọng trong quản lý và sử dụng lao động, có vai trò chính trong việc thu hút, giữ chân và tạo động lực làm việc cho người lao động. Đối với các DNNN thì chính sách tiền lương còn đóng vai trò quan trọng trong đổi mới công tác quản trị, nâng cao hiệu quả của các DN này, nhất là trong bối cảnh các DNNN chưa thực sự phát huy hết lợi thế và vai trò của mình trong nền kinh tế mà nguyên nhân chủ yếu là sự trì trệ trong quản lý, điều hành DN, chưa đổi mới kịp theo xu hướng phát triển.
Năm là, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị. Ứng dụng chuyển đổi số trong quản trị DNNN nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; chất lượng dịch vụ; năng suất lao động; năng lực quản trị. Việc thay đổi mô hình DN từ truyền thống sang mô hình DN số bằng cách áp dụng công nghệ số như dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây… dẫn đến làm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa DN thông qua không ngừng ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tạo giá trị gia tăng mới nhằm phục vụ tốt nhất cho các hoạt động DNNN, đây là xu hướng tất yếu.
Những lợi ích của việc chuyển đổi số đối với DNNN, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đó là: Cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên… Điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, DN được nâng cao.
Tài liệu tham khảo:
- Đặng Minh Châu, Một số thành tựu của chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước hiện nay, https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/27/mot-so-thanh-tuu-cua-chuyen-doi-so-trong-co-quan-nha-nuoc-hien-nay/;
- Phạm Thị Tường Vân, Tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=BTC073546;
- Trâm Anh, Có 21% doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn lỗ luỹ kế gần 70 nghìn tỷ đồng; https://vneconomy.vn/co-21-doanh-nghiep-nha-nuoc-nam-giu-tren-50-von-lo-luy-ke-gan-70-nghin-ty-dong.htm.