Giải pháp nào chống lách thuế thu nhập cá nhân hoạt động chuyển nhượng bất động sản?

ThS. Lê Hà Diễm Chi Đại học Tôn Đức Thắng

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 đã mở rộng thêm nhiều loại thu nhập, như thu nhập từ hoạt động kinh doanh, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản… Thực tế hơn một năm thực hiện cho thấy vẫn còn hiện tượng lách thuế TNCN nói chung và thuế TNCN trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) nói riêng. Bài viết "điểm mặt" các cách lách thuế, gian lận thuế TNCN trong hoạt động chuyển nhượng BĐS thời gian qua và đề xuất giải pháp chống hiện tượng "lách thuế" này.

Lách thuế dựa vào phương pháp tính thuế

Theo qui định của Luật thuế TNCN hiệu lực từ 1/1/2009, thuế TNCN cho hoạt động chuyển nhượng bất động sản được tính theo hai cách:

Cách 1: Đóng theo thuế suất 25%, nếu xác định được giá vốn BĐS;

Thuế TNCN = [(Giá chuyển nhượng – Giá vốn (bao gồm giá mua và chi phí liên quan)] x thuế suất 25% = Lãi hoạt động chuyển nhượng x thuế suất 25%

Cách 2: Đóng theo thuế suất 2%, nếu không xác định được giá vốn BĐS;

Thuế TNCN  = Giá chuyển nhượng x Thuế suất 2%.

Như vậy, nếu tính theo cách 2, thì việc đóng thuế TNCN có lợi hơn cho người nộp thuế so với thuế chuyển quyền sử dụng đất ở phải nộp trước đây 4% giá chuyển nhượng. Nhưng sau hơn một năm triển khai thuế TNCN hoạt động chuyển nhượng BĐS, vẫn còn nhiều trường hợp tìm cách lách thuế, mà nguyên nhân là qui định nộp thuế còn nhiều kẽ hở mà cá nhân nộp thuế đã “phát hiện ra”.

Để thấy rõ cách lách thuế TNCN hoạt động chuyển nhượng BĐS, chúng ta sẽ xét một quá trình kinh doanh BĐS diễn ra. Thông thường việc mua BĐS thường từ người sở hữu là người được thừa kế, cho, tặng hoặc có nguồn gốc sở hữu rất lâu rồi nên việc xác định giá vốn là không thể. Vì vậy, thuế TNCN sẽ được xác định theo cách 2, lấy giá chuyển nhượng x thuế suất 2%. Theo thông lệ mua bán BĐS, người bán sẽ chịu thuế TNCN 2%, người mua chịu lệ phí trước bạ 0,5% và cả hai mức nộp trong trường hợp này đều dựa trên giá chuyển nhượng, giá này không được thấp hơn giá đất do UBND tỉnh quy định áp dụng tại thời điểm trước bạ. Nếu giá chuyển nhượng trên thực tế thấp hơn giá đất do UBND tỉnh, thành phố ban hành thì mức giá để tính lệ phí trước bạ sẽ là giá do UBND tỉnh, thành phố ban hành.

Như vậy, nếu giá chuyển nhượng thấp hơn thực tế, người bán và người mua đều có lợi. Chính vì thế, việc thỏa thuận một giá mua bán thấp hơn thực tế là việc làm rất dễ được thực hiện. Thấp đến mức nào để có lợi nhất cho cá nhân, chúng ta hãy xem qua bảng qui định về giá đất của UBND TP.HCM qui định và giá thị trường:

BẢNG 1: SO SÁNH GIÁ ĐẤT QUI ĐỊNH VÀ GIÁ ĐẤT THỊ TRƯỜNG

TÊN ĐƯỜNG

ĐOẠN ĐƯỜNG

GIÁ UBNDTP (1/1/2010) Triệu đ/m2

GIÁ THỊ TRƯỜNG

Triệu đ/m2

TỪ

ĐẾN

Bến Chương Dương, Quận 1

Hồ Tùng Mậu

Nguyễn Thái Học

30,8

140

Bến Chương Dương, Quận 1

Nguyễn Thái Học

Nguyễn Văn Cừ

29,7

135

Trần Văn Kiểu, Quận 6

Ngô Nhân Tịnh

Cầu Lò Gốm

16

72,7

Nguyễn Thị Thập, Quận 7

Trọn đường

 

9,9

65

Hoàng Đạo Túy, Quận 8

Trọn đường

 

3,1

14

Lê Thị Riêng, Quận 12

Trọn đường

 

2,4

10,92

Nguồn: Thống kê từ các website địa ốc

Qua Bảng 1, cá nhân sẽ lựa chọn giá mua bán thỏa thuận tốt nhất là bằng với giá của UBND TP quy định. Giả sử, mua một miếng đất 80m2 ở đường Nguyễn Thị Thập, Quận 7, số tiền nộp cho Nhà nước mà người bán và người mua được lợi cho thấy ở Bảng 2.

 

BẢNG 2: BẢNG TÍNH CHÊNH LỆCH THUẾ TNCN VÀ LỆ PHÍ TRƯỚC BẠ

Giá thực tế : 5.200 triệu đ

Giá thỏa thuận: 792 triệu đ

Chênh lệch

Thuế TNCN

Lệ phí  trước bạ

Thuế TNCN

Lệ phí    trước bạ

Thuế TNCN

Lệ phí  trước bạ

104 triệu đ

26 triệu đ

15,84 triệu đ

3,96 triệu đ

88,16 triệu đ

22,04 triệu đ

Số tiền chênh lệch cho 2 khoản nộp Nhà nước 110,2 triệu đồng chính là khoản thất thu ngân sách cho một giao dịch BĐS và hãy tính toán số giao dịch loại này ở mức 100 giao dịch, 1.000 giao dịch một năm, thì khoản thất thu ngân sách không phải là nhỏ.

Hãy tiếp tục xem xét quá trình mua bán tiếp theo của miếng đất này. Cá nhân sau khi mua miếng đất khi có nhu cầu bán lại, lúc này họ sẽ không chọn cách tính thuế 2% trên giá chuyển nhượng mà sẽ luôn chọn cách 25% trên tiền lãi và đương nhiên giá thỏa thuận cũng thấp hơn giá thực tế mua bán. Việc mua bán sẽ khó thành công nếu bên mua yêu cầu ghi đúng giá thị trường vì sẽ điều này khiến người bán phải đóng số thuế TNCN lớn dù cho chọn cách tính nào. Phổ biến thì giá mua bán lần này cũng là giá không thật và cũng “đáp ứng” tiêu chí cao hơn giá đất quy định của UBND cấp tỉnh. Giả sử rằng, miếng đất đó 6 tháng sau được bán lại với giá 5,6 tỷ đồng, lãi cho hoạt động chuyển nhượng thực tế là 400 triệu đồng và giá thỏa thuận là 795 triệu đồng, lãi theo giá thỏa thuận là 3 triệu đồng. Bảng 3 cho thấy chênh lệch thuế TNCN thất thu NSNN cho giao dịch chuyển nhượng miếng đất lần 2.

BẢNG 3: BẢNG TÍNH CHÊNH LỆCH THUẾ TNCN CHO GIAO DỊCH CHUYỂN NHƯỢNG LẦN 2

Giá thỏa thuận: 795 triệu đ

Thuế TNCN trên số tiền lãi 400 triệu đồng

Chênh lệch thuế TNCN

Thuế TNCN  theo thuế suất 25%

Thuế TNCN  theo thuế suất 2%

750.000 đồng

15.900.000 đồng

100.000.000 đồng

99.250.000 đồng

Theo cách tính toán như bảng 3, từ lần chuyển nhượng miếng đất lần 2 trở đi thì số thuế TNCN nộp cho ngân sách rất nhỏ, chỉ là 25% trên tiền lãi. Lãi “khai báo” là bao nhiêu cơ quan thuế không thể nào xác định được. Số nộp nhỏ đồng nghĩa với số thất thu lớn.

Lách thuế dựa vào các trường hợp miễn thuế

Căn cứ quy định tại Điều 4 của Luật Thuế TNCN, Điều 4 của Nghị định số 100/2008/NĐ-CP và hướng dẫn của Thông tư 84/TT-BTC, thì: “Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng, giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; giữa mẹ chồng, cha chồng với con dâu; giữa bố vợ, mẹ vợ với con rể; giữa ông nội, bà nội với cháu nội; giữa ông bà ngoại với cháu ngoại; giữa anh chị em ruột với nhau” là thu nhập được miễn đóng thuế TNCN

Dựa vào hai khoản thu nhập miễn thuế này, nhiều cá nhân sẵn sàng “đi đường vòng” để lách thuế. Chẳng hạn, hai anh em rể chuyển nhượng BĐS cho nhau là đối tượng phải nộp thuế. Nhưng để lách luật, người anh rể có BĐS muốn bán, sẽ làm thủ tục chuyển nhượng cho bố vợ trước, sau đó bố vợ mới đem BĐS đó chuyển nhượng cho người con rể có nhu cầu mua thực sự. Cả hai lần chuyển nhượng này đều thuộc đối tượng được miễn thuế. Thế là từ việc phải nộp thuế, hai anh em rể chịu khó đi vòng, dựa vào quy định miễn thuế để tránh phải nộp thuế TNCN một cách hợp pháp.

Thu nhập miễn thuế hiện tại đang được “áp dụng” nhiều nhất đó là: “Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam”. Tìm hiểu nhiều trường hợp bán nhà ở, đất ở có rất nhiều trường hợp người bán vô tư nói rằng chỉ cần cam kết “tài sản duy nhất” là được miễn thuế TNCN, mà không cần quan tâm trách nhiệm pháp lý về điều mình cam kết nếu không đúng sự thật và cũng có nhiều trường hợp cố tình kê khai đó là nhà ở, đất ở duy nhất để được miễn thuế. Điều này xuất phát sự hiểu biết về pháp luật của người dân chưa cao và các chế tài cho việc cam kết không đúng sự thật không được nêu cụ thể trong bản cam kết. Từ thực tế đó, người này chỉ người khác cách trốn thuế theo kiểu “sai thấy rõ”.

Làm thế nào chống lách thuế?

Thời gian một năm thực hiện luật thuế TNCN không phải là dài để phát hiện hết tất cả các kẽ hở và hoàn thiện một luật thuế, nhưng sau một năm, một số thủ đoạn lách thuế đã thấy rõ như trình bày trên. Vậy làm sao để chống hiện tượng này?

Lách thuế TNCN chuyển nhượng BĐS dựa vào phương pháp tính thuế, nguyên nhân là do giá đất quy định của UBND cấp tỉnh không sát giá thị trường. Thực tế này không phải thuế TNCN chuyển nhượng BĐS mới bị ảnh hưởng mà từ thuế chuyển nhượng quyền sử dụng trước đây đã bị ảnh hưởng rồi. Nghĩa là sự bất cập giá chênh lệch là vấn đề đã phát hiện rất lâu, nhưng tại sao bảng giá đất thay đổi mỗi năm nhưng cuối cùng sự chênh lệch giá giữa quy định và thị trường vẫn xảy ra? Có lẽ có nhiều nguyên nhân mà phía Nhà nước đang cân nhắc cho việc thay đổi. Riêng tác giả, đứng trên góc độ nội dung của bài viết mà nói, giải pháp cho việc lách thuế TNCN chuyển nhượng BĐS dựa vào phương pháp tính thuế là khung giá đất quy định phải sát với giá thị trường hoặc ít nhất sự chênh lệch giá không quá xa. Hay là giải pháp có khung giá đất quy định riêng cho hoạt động chuyển nhượng BĐS trên thị trường tự do.

Lách thuế dựa vào các thu nhập miễn thuế chủ yếu là do hiểu biết pháp luật của người dân chưa cao, vì thế theo tác giả, trong các bản cam kết chịu trách nhiệm pháp lý về tính trung thực về việc đây là tài sản duy nhất, nên có phần ghi chú các chế tài cụ thể mà cá nhân phải chịu nếu cam kết không đúng sự thật, ghi rõ mức truy thu bằng tiền hay mức phạt hình sự… một cách cụ thể, không ghi chung chung và ghi rõ thời gian có hiệu lực truy cứu trách nhiệm. Điều này sẽ khiến người cam kết suy nghĩ kỹ hơn trước khi ký.

Riêng ngành Thuế, nên nhanh chóng đầu tư công nghệ kỹ thuật cho phần xác nhận thông tin nhà ở, đất ở duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Không thể ban hành quy định miễn thuế cho thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, đất ở duy nhất trên lãnh thổ Việt nam, nhưng thực hiện lại không có cách xác nhận sự duy nhất này và chỉ trông chờ vào ý thức tự giác của cả một cộng đồng.

Còn hiện tượng lách thuế bằng cách kê khai lãi chuyển nhượng thấp hoặc lách bằng cách đi đường vòng như nêu trên, do tính chất khó xác minh sự thật và ý thức nộp thuế của người dân nên cần có công tác tuyên truyền của Nhà nước. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và ý thức nộp thuế của người dân là công việc lâu dài và thất thu do lách thuế theo cách trên không đáng kể lắm nên trong ngắn hạn, chúng ta có thể “chấp nhận”, còn các giải pháp còn lại là những giải pháp có thể làm ngay nên tập trung làm tốt, nhằm giảm bớt thất thu cho ngân sách và hoàn thiện hơn nữa luật thuế TNCN.