Giải pháp nào chống nhập lậu đường?
(Tài chính) Mỗi năm có từ 400 đến 500 nghìn tấn đường nhập lậu qua biên giới tây nam trung chuyển đi các nơi, làm lũng loạn thị trường đường trong nước, gây khó khăn cho ngành đường nhiều năm qua... Trước tình hình nói trên, rất cần các ngành chức năng vào cuộc một cách quyết liệt, ngăn chặn kịp thời từ gốc.
Hành trình của đường lậu
Ðêm 5/12, bắt đầu từ một giờ sáng, khi người dân chìm trong giấc ngủ, các con phố vắng người, xe qua lại, chính là lúc hoạt động đường lậu "tung hoành" từ phía tỉnh Long An đổ về địa bàn quận 6, TP Hồ Chí Minh. Những địa điểm tập kết lớn, nằm trên các đường: Bãi Sậy, Gò Công, Ngô Nhân Tịnh, Mai Xuân Thưởng... có sẵn các cửa hàng, kho chứa lớn để trung chuyển đường lậu.
Tại đường Bãi Sậy, chúng tôi phát hiện một xe tải chở khoảng 30 tấn đường lậu vừa đỗ, ngay lập tức có đội khuân vác chuyên nghiệp bốc dỡ đưa vào kho, chỉ trong vòng 10 phút. Xe đi, kho đóng cửa và con phố lại im lìm trong khuya vắng. Hoạt động đường lậu bên trong kho là công đoạn gắn mác công ty cho hợp pháp, rồi công khai bán ra thị trường.
1 giờ 29 phút tại góc phố Gia Phú - Gò Công, chiếc ô-tô tải lớn vừa dỡ bạt phủ, đã có ngay các xe nhỏ khoảng 2,5 tấn "ăn đường" tại chỗ, rồi trung chuyển đi các nơi khác trong đêm. Cứ như thế, hằng đêm, những kẻ buôn lậu đường vẫn tự do hoạt động.
Ðiều ngạc nhiên là, suốt cả đêm, các xe tải "nhả đường" như vậy mà không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng. Theo quan sát, các kho này chứa nhiều mặt hàng nông sản như gạo, đỗ... nhưng chủ yếu vẫn là đường lậu, các mặt hàng khác chỉ để ngụy trang. Tất cả kho chứa đều nằm gần khu vực đại lộ Võ Văn Kiệt (cửa ngõ của miền tây về TP Hồ Chí Minh), rất thuận tiện cho các xe tải lớn tạt vào "nhả đường".
9 giờ sáng hôm sau, trong vai khách hàng, chúng tôi đến các cửa hàng để mua đường, tại những nơi đó, đường đã được gắn mác các công ty, cơ sở sản xuất một cách hợp pháp. Song, chúng tôi phát hiện, đường bên trong bao tải là đường nhập lậu từ Thái-lan. Ðược biết, tất cả số lượng đường nhập lậu đều bán giá thấp hơn đường trong nước, khiến đường trong nước không thể tiêu thụ, và tồn kho lớn.
Buông lỏng việc kiểm soát
Thực tế, đường lậu tràn vào nước ta chủ yếu qua các cửa khẩu biên giới tây nam (trên địa bàn tỉnh An Giang), rồi từ đó tỏa đi các địa phương khác. Theo thống kê, năm 2013, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã bắt giữ hơn 170 tấn đường nhập lậu, trong đó, lực lượng hải quan bắt giữ gần 70 tấn, công an bắt giữ hơn 51 tấn, Bộ đội Biên phòng bắt hơn tám tấn, quản lý thị trường (QLTT) bắt gần 20 tấn...
Từ đầu năm 2014 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng bắt giữ hàng chục vụ đường lậu chuyển từ biên giới Cam-pu-chia về Việt Nam. Ðiển hình, vụ ngày 15/1, hải quan tỉnh bắt giữ hơn 11 tấn; ngày 7/4, đội kiểm soát liên ngành cơ động bắt giữ 12,5 tấn đường lậu, tại khu vực xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn...
Cục Hải quan tỉnh An Giang cho biết, việc bắt giữ và xử lý các vụ nhập lậu đường rất khó khăn, nhất là khu vực kho đường tại biên giới huyện An Phú (An Giang) có dòng sông chung Việt Nam - Cam-pu-chia và xa trụ sở cơ quan chức năng.
Ngoài ra, các chủ hàng luôn dùng nhiều biện pháp đối phó, như thay đổi bao bì ngay từ bên kia sông, lén lút vận chuyển vào các kho, hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ, sổ sách sau khi đã thay đổi bao bì thành đường nội địa. Khi bị lực lượng chức năng bắt, các đối tượng đều khai là vận chuyển thuê...
Tại tỉnh Vĩnh Long, năm 2013, lực lượng QLTT đã kiểm tra phát hiện 17 vụ vận chuyển, kinh doanh đường cát nhập lậu, xử phạt hành chính 190 triệu đồng, tịch thu 327 tấn. Năm 2014, kiểm tra phát hiện sáu vụ vi phạm, đã xử phạt hành chính 100 triệu đồng, tịch thu 33,5 tấn, tạm giữ chờ xử lý 15 tấn... Cũng do bị xử lý quyết liệt, năm 2014 đường lậu không đi theo đường bộ như trước mà chuyển sang đường thủy. Ðiều này đã gây thêm khó khăn cho lực lượng chức năng tại địa phương.
Theo điều tra của phóng viên Báo Nhân Dân, đường nhập lậu vẫn đang ồ ạt "tuồn" vào trong nước qua cửa khẩu biên giới. Một số công ty mang danh nghĩa chế biến, sản xuất, kinh doanh đường được thành lập tại các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, Cần Thơ, nhưng không có nguyên liệu, không có nhà máy, không chế biến... vẫn được cấp phép hoạt động, như: Cơ sở sản xuất đường cát Minh Long, Thuận Thảo, Quốc Ðại, Hữu Ðức... tại quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ); cơ sở Minh Trí tại ấp An Khánh, xã Khánh An (huyện An Phú, An Giang); các cơ sở: Ngọc Bích, Kim Hiền ở xã Mỹ An Hưng (huyện Lấp Vò, Ðồng Tháp); Giang Húa tại ấp Bình Tiền (xã Ðức Hòa Hạ, huyện Ðức Hòa, Long An)...
Những công ty này chỉ hoạt động với chức năng là in bao đóng gói "đường lậu", rồi đưa ra thị trường bán giá cạnh tranh với đường trong nước. Như vậy cho thấy, việc cấp phép dễ dãi của các cơ quan quản lý, cũng như việc cấp "Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm" của các sở y tế, thậm chí cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm" của các trung tâm y tế huyện, đã tiếp tay cho nạn buôn lậu đường.
Chặn đứng từ gốc
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, mỗi năm có từ 400 đến 500 nghìn tấn đường nhập lậu tràn vào nước ta, chiếm khoảng 30% lượng đường sản xuất trong nước. Ðến nay, tình trạng này vẫn chưa thể kiểm soát. Mặc dù tháng 3/2014, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389), song cũng chỉ hoạt động quyết liệt trong thời gian đầu.
Thiết nghĩ, đường không phải là mặt hàng nhỏ, nhẹ mà thường phải chuyên chở bằng ô-tô, bằng thuyền hoặc xà-lan lớn, lưu thông trên đường thì không thể nói là khó kiểm soát. Vậy mà, cứ bàn về giải pháp chống đường nhập lậu thì dư luận luôn nhận được các câu trả lời từ lực lượng chức năng là: hoạt động của buôn lậu rất tinh vi, khó kiểm soát, trong khi lại thiếu nhân lực và thiếu công cụ... Phải chăng các lực lượng chức năng vẫn đang buông lỏng quản lý hoặc "cố tình làm ngơ" để đường lậu hoạt động ngang nhiên như vậy?
Hành trình của đường nhập lậu đã rõ, nguyên nhân đã được xác định, để kiểm soát, ngăn chặn đường lậu chính là giải pháp chặn đứng từ gốc. Không dễ dãi cấp phép cho các công ty mang danh nghĩa sản xuất, chế biến đường thành lập, nếu công ty đó không có nguyên liệu, không có nhà máy sản xuất. Và công ty nào đã thành lập nhưng không có đầy đủ các yếu tố nêu trên, cần thu hồi giấy phép kinh doanh. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, QLTT, Bộ đội Biên phòng cần phối hợp đồng bộ một cách thật sự, chứ không chỉ "đánh trống bỏ dùi", rồi đâu lại vào đó.
Có như vậy, ngành đường mới ổn định và phát triển bền vững, người nông dân mới bớt thiệt thòi khi bỏ công sức một nắng, hai sương trồng ra cây mía, lại phải ngậm ngùi đốt bỏ vì giá quá rẻ hoặc không tiêu thụ được.