Giải pháp phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trong tình hình mới
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách bảo hiểm của Đảng và Nhà nước mà người tham gia được lựa chọn mức đong, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để khi hết tuổi lao động được hưởng lương hưu. Thời gian qua, việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đa đạt được kết quả tích cực, nhưng so với tiềm năng vẫn chưa đạt như kỳ vọng cần có giải pháp đồng bộ để phát triển loại hình bảo hiểm này nhằm hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân.
Thực trạng phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện thời gian qua
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là loại hình bảo hiểm của Đảng và Nhà nước, vì quyền lợi của người lao động và nhân dân, được Nhà nước bảo hộ, do cơ quan BHXH thực hiện. Với ý nghĩa nhân văn này, mọi người dân tham gia BHXH tự nguyện đều được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
Nếu như trước đây, chỉ có cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước hoặc người lao động có hợp đồng lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mới được tham gia đóng BHXH để được hưởng lương hưu, thì nhờ có chính sách BHXH tự nguyện, tất cả mọi đối tượng trong xã hội từ đủ 15 tuổi trở lên đều có quyền tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện.
Theo Luật BHXH năm 2014, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng. Trong đó, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo đối với khu vực nông thôn (mức chuẩn hộ nghèo hiện hành là 1.500.000 đồng/người/tháng) và tối đa bằng 20 lần lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng).
Kể từ ngày 01/01/2022, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng (22% x 1.500.000 đồng); mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là 6.556.000 đồng/tháng (22% x 29.800.000 đồng).
Người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng, mức đóng theo tỷ lệ 30% đối với người thuộc hộ nghèo, 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.
Đặc biệt, phương thức đóng loại hình BHXH tự nguyện cũng rất linh hoạt với mức phí phù hợp với khả năng đóng góp và nguyện vọng thụ hưởng sau này. Người tham gia có thể lựa chọn đóng định kỳ: hàng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần hoặc nhiều năm một lần (không quá 5 năm/lần).
Hay người lao động, có thể chọn phương án đóng 1 lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Việc tham gia loại hình bảo hiểm này cũng rất dễ dàng thuận lợi.
Theo đó, để tham gia BHXH tự nguyện, người lao động tự do có thể thực hiện các thủ tục đăng ký tại cơ quan BHXH nơi mình cư trú (có thể ở nơi tạm trú hoặc thường trú) hoặc các đại lý thu (UBND các xã, phường, thị trấn, bưu điện, hội đoàn thể…).
Trong trường hợp rủi ro, bị giảm thu nhập thì người tham gia có thể tạm ngừng đóng và được bảo lưu thời gian đóng để làm cơ sở cộng nối thời gian đóng sau đó. Sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện cho phép người lao động trước đây tham gia BHXH bắt buộc, vì lý do nào đó phải nghỉ việc, nếu sau đó chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện, hoặc đối với trường hợp chuyển từ BHXH tự nguyện sang BHXH bắt buộc thì được bảo lưu thời gian đã đóng để làm cơ sở tính hưởng chế độ BHXH.
Ngoài chế độ hưu trí, người tham gia còn được cấp thẻ BHYT miễn phí cho đến khi qua đời; người thân của người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ tử tuất như với người tham gia BHXH bắt buộc.
Thực tiễn triển khai chính sách BHXH tự nguyện cho thấy, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng lên nhanh chóng.
Cụ thể, năm 2018, toàn quốc có trên 277.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 23,6% so với năm 2017. Năm 2019, con số này đạt gần 574.000 người, tăng 107,1% so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Đặc biệt, trong hai năm qua (2020 và 2021), mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng việc phát triển BHXH tự nguyện đã đạt kết quả ấn tượng.
Số liệu thống kê cho thấy, đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện trên cả nước đạt 1,068 triệu người, tăng 494 nghìn người so với năm 2019. Số người tham gia BHXH tự nguyện đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, vượt chỉ tiêu Đảng và Chính phủ giao (Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến hết năm 2021 đạt 1%).
Năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 1,4 triệu người, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2022, tính đến hết quý I/2022, số người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 1,28 triệu người, tăng 16,09% so với cùng kỳ năm 2021. Thành quả này đạt được là nhờ ngành BHXH Việt Nam đã triển khai linh hoạt, sáng tạo các giải pháp phát triển, mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian qua cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện của người dân còn thấp, chưa bền vững, nhất là người tham gia hộ nghèo, hộ gia đình cận nghèo;
Hầu hết đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đều là những người lao động đã từng tham gia BHXH bắt buộc, chưa đủ tuổi nhận lương hưu nên họ trực tiếp tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu, còn lại số lao động tự do, người nông dân tham gia mới rất ít, hằng năm phát triển khá chậm.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do mức hỗ trợ tiền đóng, giảm trừ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, đa số các địa phương chỉ hỗ trợ kinh phí theo mức quy định của Luật BHXH. Mức hỗ trợ kinh phí BHXH tự nguyện của Nhà nước từ ngày 01/01/2018 theo mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn còn thấp (hộ nghèo được hỗ trợ 30% mức đóng, tương ứng 46.200 đồng/tháng; hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, tương ứng 38.500 đồng/tháng; các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%, tương ứng 15.400 đồng/tháng).
Điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu còn dài, một bộ phận người dân ở tuổi trung niên không đủ khả năng để đáp ứng. Chính quyền một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến việc triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện...
Giải pháp phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trong tình hình mới
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cũng như phát triển diện bao phủ BHXH tự nguyện theo hướng bền vững trong thời gian tới cần triển khai các giải pháp sau:
Một là, tăng mức hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng không thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo; có chính sách linh hoạt hơn về mức hỗ trợ, quy định mức hỗ trợ tối thiểu để địa phương nào có điều kiện, kinh tế phát triển thì có cơ chế để hỗ trợ thêm một phần mức đóng BHXH tự nguyện.
Hai là, các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của cơ quan BHXH thông qua việc tăng cường phối hợp chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện.
Bốn là, tăng cường đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho mạng lưới đại lý để nắm bắt được nội dung của chính sách BHXH tự nguyện. Đồng thời, trang bị kỹ năng khai thác, phát triển người tham gia, nhất là triển khai các hoạt động tuyên truyền linh hoạt phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch bệnh.
Năm là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHXH tự nguyện phù hợp với thực tế của mỗi vùng, miền, địa phương để mỗi người dân hiểu rõ được những lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện.
*Theo ThS. Nguyễn Hương Liên - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp.
** Bài đăng lại trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2022.