Giải pháp phát triển lĩnh vực kế toán, kiểm toán ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập
Trong điều kiện kinh tế hội nhập quốc tế, việc cung cấp thông tin nhằm minh bạch các thị trường và nền kinh tế qua hoạt động kế toán, kiểm toán ngày càng quan trọng. Thực tiễn nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cũng đang có những đổi mới liên tục. Trong bối cảnh đó, các chuẩn mực kế toán, kiểm toán Việt Nam cũng đang trong quá trình hoàn thiện và có những điều chỉnh tương ứng. Đội ngũ những người hành nghề kế toán, kiểm toán ở Việt Nam ngày càng phát triển về lượng và tiến bộ chất lượng. Tuy nhiên, trước những bối cảnh mới, đặc biệt để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra tại Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 theo Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022, cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong thời gian tới.
Thực trạng hoạt động kế toán, kiểm toán tại Việt Nam
Lĩnh vực kế toán kiểm toán nói chung và thị trường dịch vụ kế toán kiểm toán Việt Nam nói riêng được hình thành từ những năm đầu của thập kỷ 1990 với sự ra đời của công ty kiểm toán độc lập đầu tiên. Sau gần 3 thập kỷ phát triển, lĩnh vực kế toán, kiểm toán Việt Nam đã đạt những thành tựu, bước phát triển quan trọng, đóng góp hiệu quả vào thành công chung của nền kinh tế đất nước.
Theo Vũ Đức Chính (2021), khuôn khổ pháp lý về kế toán kiểm toán được tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở vận dụng thông lệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã ban hành Luật Kế toán sửa đổi 2015, Luật Kiểm toán độc lập, các chuẩn mực kế toán doanh nghiệp (DN) và 5 chuẩn mực kế toán công... Nhờ đó, đã tạo ra môi trường pháp lý về kế toán kiểm toán đầy đủ và phù hợp; tạo điều kiện cho hoạt động kế toán kiểm toán phát triển; phục vụ đắc lực, hiệu quả cho các hoạt động kinh tế - tài chính của các DN, tổ chức, đơn vị kế toán…
Trong hoạt động quản lý nhà nước, vai trò và năng lực quản lý nhà nước về kế toán kiểm toán từng bước được nâng cao; công tác quản lý, giám sát hoạt động kế toán kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh; việc kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật về kế toán kiểm toán được thực hiện với các giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 204 DN kiểm toán, trong đó, có 10 DN kiểm toán có vốn đầu tư nước ngoài và 194 công ty 100% vốn trong nước. Trong 10 DN kiểm toán có vốn đầu tư nước ngoài có 4 DN kiểm toán nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn, 3 DN kiểm toán nhà đầu tư nước ngoài chiếm 70-90% vốn. Trong các DN kiểm toán thuộc nhóm Big 4, 100% người đủ điều kiện ký báo cáo kiểm toán (partner) là người Việt Nam. Các DN kiểm toán thuộc nhóm Big 4 tại Việt Nam hoạt động trên nguyên tắc được nhượng quyền sử dụng thương hiệu, nộp phí và chịu sự kiểm soát chất lượng của Big 4 trên toàn cầu. Trong khi đó, có 135 DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán (tăng 14,4% so với năm 2019) và 386 cá nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán (tăng 19,9% so với năm 2019).
Với sự phát triển của thị trường, nguồn nhân lực thực hiện dịch vụ kế toán, kiểm toán cũng tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Tính đến tháng 12/2020, số lượng người có chứng chỉ kế toán viên cho là 1.091 người, trong đó có 350 người đang làm việc trong các DN dịch vụ kế toán, chiếm 32% số người có chứng chỉ kế toán viên.
Thách thức đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán ở Việt Nam
Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 diễn ra tác động mạnh đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội nói chung và lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói riêng. Những tác động này mang tính tích cực trong dài hạn song cũng tạo ra nhiều thách thức trong trung và ngắn hạn, cụ thể:
Thứ nhất, sự vướng mắc trong việc áp dụng chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tự do thương mại và cạnh tranh bình đẳng, thông tin tài chính đòi hỏi phải minh bạch, tin cậy và được trình bày theo chuẩn mực quốc tế. Hơn nữa, trong giai đoạn khởi phát, với việc tạo ra cấu trúc mới của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới internet, trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, kỹ thuật số… cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động nhất định đến chu trình và phương pháp kế toán, kiểm toán.
Bên cạnh đó, Chuẩn mực Kế toán Việt Nam – VAS (gồm 26 chuẩn mực) mặc dù đã được xây dựng theo các chuẩn mực Kế toán quốc tế - IAS và phù hợp với đặc điểm nền kinh tế cũng như tình hình doanh nghiệp Việt Nam nhưng giữa VAS và IAS/IFRS (chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế) hiện nay vẫn còn một khoảng cách đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hội nhập của kế toán, kiểm toán Việt Nam. Sự khác biệt lớn nhất giữa hai hệ thống này được biểu hiện cụ thể ở nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính lập theo IFRS được đánh giá theo giá trị hợp lý hoặc giá trị có thể thu, nhưng lập theo VAS lại ghi theo giá gốc. Điều này làm cho giá trị tài sản và nợ phải trả của DN chưa phản ánh đúng như diễn biến thực tế của thị trường…
Thứ hai, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán.
Thực tế cho thấy, đội ngũ kế toán và kiểm toán ở Việt Nam còn ít cả về số lượng đồng thời còn yếu về chuyên môn. Để khắc phục tình trạng này thì việc đào tạo kế toán, kiểm toán đã được quan tâm nhưng số lượng kế toán viên, kiểm toán viên đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, có đủ khả năng đáp ứng tiêu chuẩn làm việc trong môi trường cạnh tranh hiện nay vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại. Theo số liệu của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, có tới 2/3 sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán, Kiểm toán chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng trên nhiều khía cạnh.
Thứ ba, các kỹ năng mềm của kế toán viên, kiểm toán viên còn yếu.
Khảo sát của tổ chức tuyển dụng Navigos Search cho thấy, nhu cầu sử dụng ngôn ngữ quốc tế, khả năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp, lối tư duy phản biện – giải quyết vấn đề ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, người lao động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đã qua đào tạo của Việt Nam mặc dù được đánh giá là nhanh nhẹn, đáp ứng được nhu cầu… nhưng lại thiếu và yếu kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, tư duy phản biện, tố chất tư vấn, tham mưu...
Thứ tư, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin bảo mật còn hạn chế.
Khảo sát thực tế cho thấy, kiến thức cũng như sự hiểu biết về trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của các kế toán viên, kiểm toán viên hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều. Công tác đào tạo mới chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức nền, chưa chuyên sâu, nhất là đối với những kiến thức mang tính đặc thù công nghệ thông tin…
Một số giải pháp đề xuất
Ngày 23/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 633/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là hoàn thiện hệ thống quy định về kế toán - kiểm toán bảo đảm chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ hệ thống chuẩn mực kế toán - kiểm toán theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam; nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp, chú trọng phát triển thị trường dịch vụ và nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán ngang tầm với các nước trong khu vực. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin kinh tế - tài chính - ngân sách ngày càng công khai, minh bạch, phản ánh trung thực các thông tin, số liệu kinh tế - tài chính trong nền kinh tế quốc dân, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, điều hành và ra quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các DN, đơn vị và tổ chức khác; tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác với các tổ chức quốc tế về kế toán - kiểm toán, tạo lập mối liên hệ chặt chẽ, thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, trên thế giới.
Để có thể triển khai hiệu quả các mục tiêu mà Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030 đề ra, trong thời gian tới cần quan tâm giải quyết các vấn đề sau:
Về phía cơ quan quản lý
- Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các hành lang pháp lý đối với lĩnh vực kế toán kiểm toán như: Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập; nghiên cứu xây dựng Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập theo hướng bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế cho các Luật hiện hành theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế, gắn với quá trình chuyển đổi số, phù hợp với điều kiện Việt Nam và khắc phục các tồn tại hiện nay, làm cơ sở tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tiếp khung pháp lý về kế toán - kiểm toán...
- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, đáp ứng xu thế phát triển của xu thế chuyển đổi số trên toàn toàn cầu. Trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống an ninh mạng, đảm bảo bảo mật cao thông tin dữ liệu kế toán, kiểm toán. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và vận dụng một cách hiệu quả, phù hợp các phương pháp kiểm toán, kể cả phương pháp cơ bản và phương pháp kỹ thuật, nhất là các phương pháp thu thập, đánh giá bằng chứng kiểm toán, các phương pháp phân tích kỹ thuật trong bối cảnh nghề kế toán sử dụng chứng từ điện tử, công nghệ blockchain, điện toán đám mây...
- Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, không ngừng phát triển các thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán lành mạnh, bền vững. Đồng thời, phát triển các hoạt động dịch vụ này theo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế. Tăng cường tạo dựng, củng cố và mở rộng giao lưu nghề nghiệp trong các tổ chức nghề nghiệp, các DN kế toán kiểm toán hàng đầu thế giới...
Về phía các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán
- Áp dụng và thực hiện các chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước về kế toán kiểm toán; Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu cũng như các kết luận về thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý.
- Đầu tư phát triển đội ngũ nhân viên hành nghề, am hiểu về chuyên môn và có khả năng hội nhập.
- Tăng cường đào tạo phát triển các kỹ năng mềm hiệu quả, hoạt động nhóm tích cực và sử dụng thành thạo công nghệ theo nhu cầu thị trường…
Về phía các cơ sở đào tạo
- Cần thay đổi trong quan điểm đào tạo. Đào tạo không xuất phát từ những gì mình có mà phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu của thời đại công nghệ số.
- Chú trọng chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Các cơ sở đào tạo nên rà soát lại chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán. Chương trình đào tạo phải được xây dựng đảm bảo đáp ứng yêu cầu hội nhập và giao thoa về chất lượng với chương trình của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, phù hợp với chương trình đào tạo của các hội nghề nghiệp nhằm hướng đến sự thừa nhận lẫn nhau giữa các cơ sở đào tạo về chuyên môn và bằng cấp, chứng chỉ.
- Chuyển từ phương pháp giảng dạy truyền thống sang ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực. Phát triển việc dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm. Ngoài giảng dạy kiến thức chuyên môn, tổ chức đào tạo cần tập trung đào tạo các kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng giao tiếp hiệu quả, làm việc ở nhiều nhóm khác nhau, kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề trên cơ sở tôn trọng đạo đức nghề nghiệp.
- Thiết lập mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trong và ngoài nước giúp cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu được gắn kết, phù hợp với thời đại cuộc CMCN 4.0.
Về phía kế toán và kiểm toán viên
- Thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật các kiến thức, các chuẩn mực kế toán để phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp của mình.
- Trong cuộc CMCN 4.0, mỗi cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cần ý thức được tầm quan trọng của công nghệ để ứng dụng nó cho phù hợp với xu thế, tiết kiệm nguồn nhân lực và đạt được hiệu quả trong công việc.
Tài liệu tham khảo:
- Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030;
- Vũ Đức Chính (2021), Nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán, Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 02/2021;
- Nguyễn Ly (2017), Cách mạng công nghiệp 4.0: Kiểm toán Nhà nước cần sẵn sang trước những cơ hội và thách thức, Báo Kiểm toán;
- Nguyễn Văn Bảo (2020), Cơ hội và thách thức đối với kế toán, kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh mới, Tạp chí Tài chính;
- Mai Ngọc Anh (2020), Phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán: Những vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính.
* ThS. Lê Kim Anh - Trường Đại học Công đoàn
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 6/2022