Nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng cùng với ảnh hưởng do Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, ngành kế toán, kiểm toán Việt Nam cần phải có những đổi mới nhất định để đáp ứng với yêu cầu mới đặt ra. Trong đó, chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán cần phải được chú trọng hàng đầu. Chỉ khi chất lượng đào tạo được nâng cao thì các kế toán, kiểm toán viên mới có thể thích ứng tốt nhất với những yêu cầu của bối cảnh mới.
Đặt vấn đề
Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng cùng với những tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế Việt Nam. Bối cảnh mới mang đến cho ngành kế toán, kiểm toán nhiều cơ hội, thời cơ thuận lợi cho sự phát triển và đổi mới nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.
Trong kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, kế toán và kiểm toán không chỉ là công cụ quản lý kinh tế - tài chính và cung cấp thông tin hữu ích, tin cậy phục vụ các quyết định quản lý và kinh doanh, mà hỗ trợ quản lý kinh doanh, quan trọng trong phạm vi từng quốc gia, trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, hiện nay công tác đào tạo kế toán, kiểm toán ở hầu hết cơ sở đào tạo mới chỉ dừng lại ở việc đào tạo chuyên sâu về nội dung lý thuyết các chuẩn mực, các nguyên tắc cơ bản về kế toán, kiểm toán, chưa có nhiều chương trình về thực hành cũng như chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa trường học và các doanh nghiệp, các công ty kiểm toán. Điều đó khiến cho các sinh viên thiếu môi trường thực tế và khả năng thích ứng nhanh với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Sinh viên kế toán, kiểm toán khi mới ra trường gặp không ít khó khăn, trở ngại để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán theo hướng đáp ứng với những yêu cầu của bối cảnh mới là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn cao
Thực trạng đào tạo sinh viên chuyên ngành kế toán, kiểm toán hiện nay
Thực tế hiện nay, phần lớn sinh viên khi mới ra trường gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia tuyển dụng và hầu hết không đáp ứng được các yêu cầu của công việc. Các sinh viên mới ra trường thiếu nhiều kỹ năng cần thiết cho công việc; khả năng thích ứng với những yêu cầu của môi trường làm việc chuyên nghiệp là không cao.
Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo đã áp dụng nhiều phương pháp đổi mới, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán theo hướng tiếp cận với các yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Các hoạt động trao đổi, kết nối với doanh nghiệp, với các nhà tuyển dụng được các trường học quan tâm hơn. Nhiều trường đã tổ chức các hội thảo, các buổi chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng làm việc thực tế cho doanh nghiệp, thành lập các câu lạc bộ kế toán, kiểm toán, tổ chức cho sinh viên thực tế tại các doanh nghiệp… Nhiều cơ sở đào tạo đã tiến hành mời đại diện từ các doanh nghiệp, công ty kiểm toán về giảng dạy, trao đổi với sinh viên. Tổ chức phòng thực hành kế toán, kiểm toán mô phỏng thực tế cho sinh viên được làm quen và bổ trợ cho công việc trong tương lai.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán. Phần lớn các môn học thiên về lý thuyết, hạn chế về thực hành và tiếp cận thực tế. Các hoạt động kết nối với doanh nghiệp còn hạn chế, chưa phát triển đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.
Chương trình đào tạo hầu hết mới chỉ tập trung đến kiến thức về kế toán, kiểm toán trong khi thực tế yêu cầu người làm kế toán, kiểm toán phải biết kết hợp nhiều kỹ năng cần thiết như khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc. Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ hiện nay, các công việc kế toán, kiểm toán ngày càng đổi mới dựa trên những thành tựu của nhân loại. Khai báo thuế điện tử, sử dụng chữ ký số, sử dụng các phần mềm kế toán… đều đặt ra yêu cầu sinh viên cần phải có kỹ năng tin học, ngoại ngữ nhất định. Trong khi đó, các kỹ năng cần thiết cho công việc như khả năng ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm… của sinh viên kế toán, kiểm toán hiện nay vẫn còn rất nhiều hạn chế. Chính vì thế, khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc thực tế đối với các sinh viên ra trường không cao và cơ hội nghề nghiệp chưa được mở rộng.
Hiện nay công tác đào tạo kế toán, kiểm toán ở hầu hết cơ sở đào tạo mới chỉ dừng lại ở việc đào tạo chuyên sâu về nội dung lý thuyết các chuẩn mực, các nguyên tắc cơ bản về kế toán, kiểm toán, chưa có nhiều chương trình về thực hành cũng như chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa trường học và các doanh nghiệp, các công ty kiểm toán.
Một số giảng viên đào tạo kế toán, kiểm toán tại các cơ sở đào tạo còn thiếu kinh nghiệm và hiểu biết thực tế nên chỉ tập trung giảng dạy thiên về mặt lý thuyết mà không giải đáp được chi tiết các vấn đề thường phát sinh trong các doanh nghiệp, công ty kiểm toán… Vì vậy, sinh viên thiếu nhìn nhận đa chiều và thực tế.
Theo hình thức học tín chỉ hiện nay, mỗi lớp có thể bao gồm một số lượng lớn sinh viên mà chỉ có một giáo viên đảm nhiệm. Trong khi đó, kiến thức mỗi môn học lại khá nhiều và nặng về mặt lý thuyết. Giảng viên chủ yếu tập trung giảng dạy để đi hết chương trình học, thời gian để cho sinh viên thực hành và giải đáp các thắc mắc bị hạn chế.
Chương trình đào tạo của nhiều trường học chưa đáp ứng được hết các yêu cầu mà ngành nghề thực tế đặt ra. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên chưa tích cực, chủ động trong quá trình học tập và rèn luyện. Điều đó khiến cho họ thiếu cả kiến thức lẫn kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp. Nhiều sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường chưa chú trọng đến học tập, rèn luyện, trau dồi các kỹ năng cần thiết cho công việc vì vậy khi tốt nghiệp ra trường bỗng cảm thấy lo lắng, tự ti trước các cơ hội làm việc thực tế.
Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới
Thực trạng chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán hiện nay còn nhiều hạn chế trong khi đó bối cảnh mới đặt ra cho ngành kế toán, kiểm toán không ít khó khăn và thách thức. Vì vậy, việc áp dụng đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán là rất cần thiết.
Thứ nhất, các trường học, cơ sở giáo dục nghiên cứu đổi mới chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán theo hướng đáp ứng yêu cầu của thực tế hiện nay.
Chương trình đào tạo góp phần quyết định lớn đến chất lượng đầu ra của sinh viên. Các trường học, cơ sở giáo dục cần tích cực nghiên cứu, tham khảo và đưa ra những thay đổi phù hợp trong chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng theo hướng gắn liền với các yêu cầu của thực tế. Chương trình đào tạo nên xác định rõ chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và thái độ cho sinh viên. Chương trình được xây dựng trên cơ sở có tham khảo và lấy ý kiến đóng góp phản hồi từ các bên liên quan như nhà tuyển dụng, chuyên gia, cựu sinh viên và người học…
Định kỳ, các cơ sở giáo dục đào tạo tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu mới nhất của thực tiễn; Chú trọng đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiệm cận với chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế. Đồng thời, tăng cường giảng dạy ngoại ngữ và ngoại ngữ chuyên ngành để sinh viên có thể dễ dàng hơn tham gia thi các chứng chỉ hành nghề quốc tế. Sinh viên được đào tạo theo các chương trình chuẩn, trong đó chú trọng đến việc đào tạo các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với từng chuyên ngành sẽ góp phần tăng cường khả năng cạnh tranh, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp và đáp ứng tốt yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Thứ hai, tăng cường hoạt động thực hành kế toán, kiểm toán.
Việc thành lập và phát triển phòng thực hành kế toán, kiểm toán ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có đào tạo chuyên ngành kế toán là một xu thế tất yếu khách quan, xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội cũng như phương châm đào tạo của nhà trường. Mục tiêu chủ yếu là giúp cho sinh viên có đủ kỹ năng và kiến thức nền tảng để có thể làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp; tự tin và bản lĩnh để có thể hòa nhập nhanh với môi trường làm việc tại các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp; có thể thực hiện thành thạo kỹ năng nghề nghiệp kế toán, kiểm toán và có khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ cho nghề nghiệp của mình.
Phòng thực hành kế toán, kiểm toán được thành lập sẽ góp phần phục vụ giảng dạy các môn chuyên ngành kế toán - kiểm toán theo hướng tiếp cận thực tế. Phòng thực hành cũng là nơi trao đổi thông tin, kinh nghiệm làm việc giữa giảng viên, sinh viên và các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán; tạo ra sức mạnh tổng hợp trong hoạt động đào tạo và chuyển giao, góp phần phát triển giáo dục đào tạo theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Thứ ba, tích hợp chứng chỉ hành nghề trong chương trình đào tạo ngành kế toán, kiểm toán. Để tăng cường khả năng tiếp cận với yêu cầu và xu thế phát triển mới của kế toán, kiểm toán cho sinh viên tốt nghiệp ra tường và tăng khả năng cạnh tranh cũng như lợi thế khi đi xin việc thì các cơ sở đào tạo nên nghiên cứu tích hợp chứng chỉ hành nghề trong chương trình đào tạo, kế toán. Điều này vừa nâng cao chất lượng giáo dục gắn liền với yêu cầu thực tế, vừa giúp sinh viên trang bị được hành trang vững chắc để bắt đầu công việc sau khi ra trường.
Thứ tư, nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy chuyên ngành kế toán, kiểm toán.
Các giảng viên cần tăng cường trau dồi kiến thức, giao lưu với các doanh nghiệp, các công ty kiểm toán… để nắm bắt được tình hình thực tế và các yêu cầu cụ thể của các đơn vị nghề nghiệp, từ đó có những định hướng cũng như phương pháp giảng dạy tích cực và phù hợp hơn cho sinh viên.
Thứ năm, đẩy mạnh các hoạt động kết nối với doanh nghiệp.
Nhà trường nên thiết lập, xây dựng và phát triển các mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó với các doanh nghiệp, cơ quan hay các công ty kiểm toán…; Phối hợp với các đơn vị trong quá trình đào tạo, thực tế, thực tập cho sinh viên; Mời đại diện từ các cơ quan, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm.
Thứ sáu, tăng cường giáo dục thái độ và ý thức cho sinh viên kế toán, kiểm toán.
Cùng với kiến thức, kỹ năng thì một yếu tố có vai trò vô cùng quan trọng đó là thái độ của người học.
Bản thân mỗi sinh viên phải tự ý thức, cố gắng và nỗ lực trong học tập, rèn luyện, trau dồi những kiến thức và kỹ năng cần thiết từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều này giúp tăng khả năng thích ứng với các yêu cầu thực tế và mở rộng cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường.
Tựu chung, trước những yêu cầu mới mà bối cảnh hiện tại đặt ra, cần phải chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên chuyên ngành kế toán, kiểm toán. Để các kế toán, kiểm toán viên Việt Nam tận dụng được các cơ hội, vượt qua được các thách thức trong quá trình hội nhập và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại đã và đang diễn ra ngày càng sâu rộng, cần sự phối kết hợp của các cơ sở đào tạo, các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, các doanh nghiệp, cơ quan, công ty kiểm toán… sự nỗ lực từ chính bản thân người học.
Tài liệu tham khảo:
1. Mai Thanh Hằng (2020), Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân kế toán trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, Tạp chí Công thương;
2. Thị Đức Loan, Huỳnh Văn Huy (2017), Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực bậc đại học ngành Kế toán, Kiểm toán tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm đáp ứng bối cảnh hiện nay, Kỷ yếu Hội thảo Nâng cao chất lượng giáo dục đại học;
3. Lê Đức Thắng (2019), Nâng cao chất lượng đào tạo kế toán đáp ứng nhu cầu hội nhập hiện nay, Tạp chí Tài chính;
4. Lương Thị Yến (2019), Nâng cao chất lượng đào tạo ngành kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Tạp chí Tài chính.