Đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hội nhập và Cách mạng công nghiệp 4.0
Hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều cơ hội và thách thức đối với hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kế toán và nhân lực kế toán. Bối cảnh đó đòi hỏi nhân lực kế toán cần hội tụ được nhiều yếu tố từ tư duy, sáng tạo, có kỹ năng phân tích, tổng hợp, ngoại ngữ, tin học…
Đây cũng là vấn đề đặt ra với các cơ sở đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán phải thay đổi để thích ứng với nhu cầu và đòi hỏi mới. Bài viết này phân tích thực trạng cơ hội, thách thức của hội nhập và Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra đối với đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán tại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp cho vấn đề này.
Thực trạng đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán
Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, mở ra nhiều cơ hội về việc làm, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho Việt Nam nói chung và lĩnh vực kế toán, kiếm nói riêng.
Cùng với đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã tạo ra những nền tảng mới hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho các công việc của kế toán, kiểm toán; Cung cấp cho doanh nghiệp (DN) giải pháp quản trị tài chính thông minh, các phần mềm tích hợp dịch vụ hóa đơn điện tử, kết nối ngân hàng điện tử, kê khai thuế qua mạng… công nghệ mới được đưa vào sản phẩm giúp công việc kế toán trở nên thông minh, nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh hội nhập và CMCN 4.0, tại Việt Nam, thời gian qua, công tác đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của DN; đồng thời, thường xuyên cập nhật theo sự thay đổi của chuẩn mực, chế độ kế toán Việt Nam phù hợp với Chuẩn mực kế toán quốc tế.
Hiện nay, khung chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán tại các trường đại học có sự khác biệt nhất định, một số cơ sở giáo dục đã nắm bắt được xu hướng hội nhập, tham khảo các chương trình đào tạo ngành Kế toán, kiểm toán của các trường đại học tiên tiến trên thế giới; ứng dụng các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết quốc tế; đưa vào chương trình giảng dạy một số môn học của các tổ chức nghề nghiệp kế toán quốc tế.
Tuy nhiên, sinh viên ít được tiếp xúc với thực tế tại DN mà chỉ được tham gia ở góc độ kiến tập, việc đánh giá mức độ hiểu biết, tiếp cận thực tiễn công tác kế toán ở đơn vị thực tập của sinh viên còn nhiều hạn chế.
Đội ngũ giảng viên và quản lý đã từng bước được nâng cao cả về chất lượng và số lượng, 100% giảng viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo từ thạc sỹ trở lên đối với giảng dạy đại học. Mặc dù, đào tạo kế toán tại Việt Nam chủ yếu vẫn sử dụng các phương pháp truyền thống như thuyết trình, diễn giảng, ít có sự tương tác.
Trên thực tế, phương pháp này không còn phù hợp, hiệu quả giảng dạy đem lại là không cao. Nhiều giảng viên đã ứng dụng các phương pháp hiện đại vào giảng dạy, tuy nhiên, đi cùng với các phương pháp hiện đại thì cũng đòi hỏi phải đầu tư công nghệ, thời gian xây dựng bài giảng… do vậy, việc đổi mới phương pháp giảng dạy vẫn chưa toàn diện.
Bên cạnh đó, các học liệu phục vụ cho việc giảng dạy và học tập chuyên ngành chủ yếu được xây dựng dựa trên chuẩn mực, chế độ kế toán Việt Nam, do Bộ Tài chính ban hành tập trung nhiều vào kỹ thuật nghiệp vụ, ít được cập nhật, chuẩn hóa theo các tài liệu, chuẩn mực kế toán quốc tế. Các tài liệu còn ít các tình huống thực tiễn tại DN hạn chế khả năng tư duy, suy luận logic của sinh viên...
Cơ hội và thách thức đối với đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán
Xu thế hội nhập và toàn cầu hóa thúc đẩy sự lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động giữa các quốc gia, tăng cường đầu tư trực tiếp tạo thêm nhiều việc làm và nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam có nhiều cơ hội di chuyển trong thị trường lao động khối ASEAN.
Các cơ sở giáo dục đào tạo kế toán, kiểm toán cũng có nhiều cơ hội tiếp xúc, mở rộng hợp tác với các chương trình đào tạo tiên tiến nước ngoài.
Cùng với đó, CMCN 4.0 đã làm thay đổi tư duy, phương thức làm việc của công tác kế toán, cũng như công tác đào tạo nhân lực kế toán. Các hình thức đào tạo mới ra đời như: E-learning, mobile-learning, đào tạo từ xa… đã xuất hiện và từng bước khẳng định được vai trò của nó so với phương thức đào tạo truyền thống.
Nhờ các ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo giúp các sinh viên kế toán, kiểm toán có thể tiếp xúc nhiều hơn với giảng viên, với các học liệu điện tử như sách điện tử ebook, bài giảng điện tử, ngân hàng câu hỏi ôn tập và đánh giá kết quả quá trình tự học của sinh viên… do giảng viên xây dựng đựợc tích hợp trên môi trường công nghệ, đáp ứng được các yêu cầu đa dạng của người học mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội thì cũng có nhiều thách thức đặt ra đối với công tác đào tạo kế toán, kiểm toán ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy, hiện nay, tình trạng đào tạo tràn lan, rất nhiều cơ sở đào tạo mở thêm ngành kế toán, kiểm toán để thu hút người học, trong khi chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Số lượng sinh viên ra trường có tỷ lệ thất nghiệp, làm không đúng chuyên ngành đào tạo cao, dù nhiều DN luôn có nhu cầu tuyển dụng vị trí kế toán, kiểm toán. Điều này đặt ra không ít thách thức cho các cơ sở giáo dục.
Hội nhập quốc tế đã tạo ra “làn sóng” dịch chuyển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán trong khu vực; đồng thời, tạo ra một môi trường hợp tác, cạnh tranh lành mạnh và gay gắt trên thị trường lao động đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao.
Đây là thách thức cho các cơ sở giáo dục cần thay đổi chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo kế toán theo hướng tiếp cận chuẩn đầu ra của khu vực và thế giới; từ đó, tăng số cơ sở đào tạo được chấp nhận văn bằng chứng chỉ tại nước ngoài.
Mặt khác, CMCN 4.0 đòi hỏi nhân lực có trình độ cao, những lao động trình độ thấp sẽ bị đào thảo và thay thế bởi máy móc thiết bị. Ứng dụng công nghệ cao khiến lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đối mặt với thách thức dư thừa nguồn lao động kế toán trình độ thấp, người máy, trí thông minh nhân tạo sẽ thay thế người lao động, tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Theo các chuyên gia kinh tế dự báo, đào tạo kế toán, kiểm toán đang đứng trước thách thức rất lớn khi ước tính trong khoảng 10 năm tới khoảng 70% kỹ năng lao động hiện nay sẽ biến mất và 80% kỹ năng mới sẽ xuất hiện.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kế toán 4.0 yêu cầu các cơ sở đào tạo cần trang bị cho sinh viên các kỹ năng mà người máy, trí tuệ nhân tạo chưa thể đáp ứng được như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, khả năng tự nghiên cứu, tự học…
Như vậy, hội nhập quốc tế và CMCN 4.0 đã tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đem đến các thách thức cho công tác đào tạo nhân lực kế toán-kiểm toán tại Việt Nam để có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán
Để khắc phục những khó khăn, thách thức trên, thời gian tới cần tập trung triển khai các nhóm giải pháp sau:
Về phía Nhà nước
Rà soát và kiểm tra chất lượng của các cơ sở có đào tạo ngành kế toán, kiểm toán một cách hợp lý, khoa học, tập trung hỗ trợ phát triển các cơ sở có thế mạnh về các ngành, giải thể các cơ sở đào tạo không đảm bảo chất lượng.
Đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành lĩnh vực giáo dục đào tạo; xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến; khuyến khích các cơ sở đào tạo ngành kế toán, kiểm toán thiết lập các phòng kế toán ảo, đa phương tiện, thiết bị thực tế ảo, tạo điều kiện cho sinh viên được đến gần với thực tiễn công tác kế toán tại DN…
Tăng cường hoạt động dự báo nhu cầu nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán đáp ứng nhu cầu xã hội, từ đó xác định hướng đi cho công tác đào tạo kế toán, kiểm toán. Mở rộng hợp tác song phương, đa phương trong đào tạo như: Nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; tạo điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý và xã hội để thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán nước ngoài.
Về phía cơ sở đào tạo
Các cơ sở đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán cần xây dựng chương trình theo hướng có các ứng dụng và đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin, đầu tư công nghệ để tạo điều kiện cho sinh viên được thực hành nhiều hơn nhằm tăng kinh nghiệm thực tế cho người học trong bối cảnh CMCN 4.0.
Đồng thời, đổi mới chương trình đào tạo và phát triển đào tạo trực tuyến, xây dựng hệ thống học liệu mở, thư viện điện tử, các chương trình đào tạo e-learning, mobile-learning, phòng kế toán ảo, đào tạo kế toán công nghệ thực tế ảo… tạo điều kiện cho sinh viên học tập và tăng tính tương tác giữa sinh viên và giảng viên.
Cùng với đó, tăng cường thời gian đi thực tế tại DN, thời lượng đào tạo các kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, tin học cho sinh viên. Thay đổi phương pháp đào tạo trên cơ sở lấy sinh viên làm trung tâm, ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng và truyền đạt bài giảng, giảng dạy qua hình ảnh, video, bài học online, case study, bài tập nhóm…
Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu công nghệ, phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý đào tạo. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo kế toán-kiểm toán, gắn nghiên cứu với các hoạt động chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán.
Về phía người học
Bản thân người học phải nỗ lực không ngừng, rèn luyện kỹ năng tự học, chủ động nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, tin học; rèn luyện các kỹ năng mềm như giao tiếp, lập kế hoạch, làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện.
Tìm hiểu, thực hành các phần mềm kế toán để tự trang bị cho mình kỹ năng làm việc trên các phần mềm kế toán hiện đại. Kỹ năng ngoại ngữ sẽ giúp học viên có khả năng tiếp cận với những tài liệu mới nhất về nghề kế toán kiểm toán quốc tế.
Về phía các doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán
Các công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán, tài chính, các DN quan tâm hỗ trợ đào tạo về kế toán, kiểm toán trong nền tảng CMCN 4.0 bằng việc tạo ra các áp lực để các trường đại học, cơ sở giáo dục bổ sung thêm các nội dung về những điểm mới khi áp dụng công nghệ số vào công tác kế toán, kiểm toán vào chương trình học giúp sinh viên sắp tốt nghiệp có những kết nối thông tin và kỹ năng về kỹ thuật số.
Tham gia đóng góp ý kiến về nhu cầu, định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán trong quá trình hội nhập kinh tế. Cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động. Tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập, bồi dưỡng nâng cao kiến thức thực tiễn, đánh giá kết quả sinh viên tại cơ sở đào tạo.
Bối cảnh hội nhập quốc tế và CMCN 4.0 đã đưa đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho đào tạo nhân lực kế toán-kiểm toán Việt Nam. Trước đòi hỏi ngày càng cao về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục cần tận dụng những cơ hội và có các giải pháp ứng phó vượt qua thách thức để đào tạo ra thế hệ nhân lực kế toán, kiểm toán số phù hợp với yêu cầu của thời đại mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Đại học Công nghiệp Hà Nội (2018), Báo cáo Hội nghị sơ kết triển khai đề án CDI giai đoạn 2016-2018;
2. Luật Giáo dục đại học (2012) số 08/2012/QH13;
3. Nguyễn Thị Thanh Thắm (2018), Kế toán, kiểm toán và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính;
4. Trần Ngọc Thúy (2017), Thực trạng nguồn nhân lực ngành kế toán nước ta hiện nay và đề xuất một số giải pháp cho thời gian tới, Tạp chí Công thương.
(*) Lê Thị Thanh Hải - Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2021.