Giải pháp tài chính phát triển thị trường nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc

Trần Minh Ngọc - Học viện Chính trị Công an nhân dân

Vĩnh Phúc là tỉnh có ngành Công nghiệp phát triển và đông công nhân, lao động làm việc nên nhu cầu về nhà ở để an cư lạc nghiệp đang là vấn đề bức thiết. Tuy nhiên, khó khăn trong phát triển nhà ở công nhân các khu công nghiệp của Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay là nhu cầu quá lớn, thu nhập của người công nhân không cao. Vì vậy, để phát triển thị trường nhà ở, giải quyết vấn đề nhà ở cho người công nhân làm việc trong các khu công nghiệp đòi hỏi phải có nhiều giải pháp tổng thể.

Thực trạng thị trường nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Cầu về nhà ở

Trong chiến lược phát triển công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là đầu tư, phát triển mở rộng các khu công nghiệp (KCN), coi đó như một giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh công nghiệp hoá địa phương. Từ chỗ chỉ có 1 KCN với quy mô 50 ha (KCN Kim Hoa) được Chính phủ cho phép thành lập vào năm 1998, sau hơn 20 năm Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch 19 KCN với tổng diện tích là 5.487,31 ha.

Đến nay, đã có 16 KCN được thành lập (quyết định chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 17.536,4 tỷ đồng và 246,82 triệu USD, trong đó, có 9 KCN đã đi vào hoạt động. Hiện có 458 dự án đầu tư vào các KCN Vĩnh Phúc, gồm 102 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 31.200,51 tỷ đồng và 356 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6.073,34 triệu USD. Tính đến quý I/2023, các khu công nghiệp giải quyết việc làm cho hơn 130.000 lao động trong đó có gần 74.000 người là lao động địa phương chiếm 56,1%, lao động ngoại tỉnh gần 58.000 người chiếm 43,9% tổng số lao động. Dự báo giai đoạn từ 2020 đến 2025 số lao động làm việc trong các khu công nghiệp sẽ đột biến tăng do hàng loạt các dự án lớn đầu tư trên địa bàn tỉnh, trung bình mỗi năm thu hút từ 16.000 đến 20.000 lao động, dự kiến đến năm 2030 khoảng 450.000 công nhân lao động.

Khi quy mô sản xuất của các KCN tập trung của Vĩnh Phúc ngày càng mở rộng thì số lượng công nhân ngày càng tăng lên đó là một tất yếu và việc tăng lên của lao động tại các KCN sẽ kéo theo nhu cầu về nhà ở của công nhân cũng ngày càng tăng. Theo báo cáo của Ban quản lý KCN tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2013, có gần 16.600 công nhân lao động có nhu cầu về nhà ở, chiếm 36% số lao động trong KCN; năm 2014 số công nhân lao động có nhu cầu nhà ở tăng lên gần 18.000 người.

Năm 2022, số công nhân làm việc trong các KCN trên địa bàn Tỉnh là hơn 130.000 lao động, trong đó, số công nhân có nhà ở riêng với gia đình là hơn 66%, số lượng công nhân thuê nhà trọ là 33.14%, tương ứng với khoảng 43.744 công nhân có nhu cầu về nhà ở. Như vậy, so với năm 2013 thì nhu cầu về nhà ở của người công nhân tăng gấp 2,6 lần, tương ứng với là 27.144 người, trung bình mỗi năm có thêm gần 3.000 công nhân có nhu cầu về nhà ở.

Theo số liệu khảo sát 5.000 công nhân trong 29 doanh nghiệp của Liên đoàn lao động tỉnh Vĩnh Phúc vào tháng 6/2019, công nhân có nhu cầu mua nhà xã hội là 2.730/5.000, đạt 54.60%. Chỉ có 5,70% công nhân có nhu cầu ở nhà trọ do người dân tự xây và có 24,62% công nhân lựa chọn mô hình di cư con lắc nông thôn - đô thị (sáng đi tối về) (Bảng 1).

Bảng 1: Nhu cầu về Mô hình nhà ở của công nhân lao động tại các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc

Nhu cầu về nhà ở

Số lượng

Tỷ lệ %

1.Muốn được mua nhà ở xã hội riêng cho gia đình

2.730

54,60

2.Muốn được ở nhà trọ do người dân tự xây

285

5,70

3.Muốn ở nhà ở quê (đi - về từ quê - công ty)

1.231

24,62

Nguồn: Liên đoàn lao động tỉnh Vĩnh Phúc (2019)

Về diện tích phòng ở, theo các công nhân tham gia khảo sát, nhu cầu loại phòng có diện tích ở từ 20m2 trở lên được công nhân lựa chọn nhiều nhất (41,9%), tiếp theo là phòng ở 10 – 15m2 (23,9%). Loại phòng ở có diện tích dưới 10m2 và loại 16-20 m2 có tỷ lệ được chọn giống nhau (17,1%).

Cung về nhà ở

Từ năm 2014 đến nay, HĐND, UBND Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định quản lý và phát triển nhà ở, nhất là nhà ở cho đối tượng công nhân. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý, thu hút đầu tư các dự án phát triển nhà ở.

Theo thống kê của UBND Tỉnh, đến nay, toàn Tỉnh có 13 dự án nhà ở xã hội, tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn và các huyện có nhiều KCN như: TP. Vĩnh Yên, Phúc Yên và huyện Bình Xuyên. Tổng diện tích đất của các dự án này là 65,4 ha. Tổng diện tích sàn nhà ở trên 961.000 m2, tổng số căn nhà là 10.143 căn, trong đó 732 căn nhà thấp tầng, 9.411 căn nhà chung cư.

Trong đó có 5 dự án đã đưa vào sử dụng với 1.623 căn, gồm: Dự án khu nhà ở công nhân và người thu nhập thấp KCN Khai Quang; Dự án khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai; dự án khu nhà ở Công ty Honda Việt Nam; Dự án khu nhà ở phường Liên Bảo và dự án khu nhà ở thu nhập thấp phường Phúc Thắng. Trong số 5 dự án nêu trên, có 2 dự án nhà ở công nhân đã đưa vào khai thác sử dụng là dự án nhà ở công nhân của Công ty Honda, thuộc dự án Khu đô thị Đồng Sơn và dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Bảo Quân với tổng 800 căn hộ.

Như vậy, có thể thấy mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách ưu đãi, nhưng trên thực tế việc xây dựng nhà ở cho công nhân chưa thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng thời gian thu hồi vốn chậm và tỷ suất sinh lời thấp là nguyên nhân chính yếu khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà với việc xây dựng nhà ở cho công nhân.

Nguồn cung nhà ở do các doanh nghiệp trong KCN và các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở rất hạn chế chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ nhu cầu nhà ở của công nhân. Để đáp ứng yêu cầu ăn ở rất lớn của bộ phận người lao động này trong khi hầu hết các doanh nghiệp không có điều kiện xây dựng nhà ở cho công nhân, trên địa bàn các phường, xã gần KCN đã hình thành các khu nhà trọ cho công nhân thuê, chủ yếu là các hộ tư nhân với quy mô và khả năng đầu tư khác nhau.

Theo số liệu khảo sát của Liên đoàn lao động thị xã Phúc Yên, TP. Vĩnh Yên và huyện Bình Xuyên (nơi có nhiều khu công nghiệp tập trung) cho thấy, có từ 30 - 35% công nhân lao động làm việc tập trung trong các KCN là lao động nhập cư, phải thuê trọ. Trên 3 địa bàn khảo sát, tổng số có 1.900 hộ gia đình có phòng trọ cho thuê, với tổng số phòng 19.200 phòng, với khoảng 20.000 công nhân thuê trọ.

Tuy nhiên, những nhà trọ do người dân xung quanh các KCN tự phát xây dựng nên không theo một quy hoạch nào, hầu hết các nhà trọ do người dân cải tạo lại từ những ngôi nhà cấp 4 cũ lát hoặc xây dựng tạm bợ. Chất lượng cơ sở hạ tầng không đảm bảo, các nhà trọ rất chật chội, ẩm thấp khi trời mưa, nóng bức khi nắng, điện nước thiếu thốn, môi trường vệ sinh không đảm bảo, thời gian thuê nhà không ổn định... Từ đó, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tinh thần của công nhân.

Giá nhà ở cho công nhân

Giá cả nhà ở với vấn đề thu nhập là vấn đề khó khăn đối với người công nhân. Theo khảo sát của Liên đoàn lao động tỉnh Vĩnh Phúc với trên 5.000 công nhân tại các KCN cho thấy, 2.730/5.000 công nhân có mong muốn được mua nhà xã hội. Tuy nhiên, giá nhà ở xã hội cao hơn so với thu nhập của người công nhân. Nhà ở xã hội hiện đang có mức giá khoảng 12 - 15 triệu đồng/m2, 1 căn hộ 60 m2 cũng có giá 700 – 800 triệu đồng (Bảng 2).

Mức thu nhập bình quân người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN Vĩnh Phúc vào năm 2021 là 6.024.605 đồng/người/tháng, muốn mua được nhà sẽ phải vay mượn, sau đó trả nợ trong vòng nhiều năm. Vì vậy, đối với công nhân làm việc trong các KCN việc tiếp cận mua nhà ở xã hội còn hết sức khó khăn, đa số công nhân có nhu cầu thuê nhà.

Bảng 2: Giá thuê nhà của công nhân các Khu công nghiệp

Năm

2018

2019

2020

2021

2022

Giá nhà

600.000

700.000

750.000

850.000

850.000

Thu nhập

4.883.799

5.257.050

5.394.032

5.716.331

6.002.148

Tỷ lệ (%)

12

13

14

15

14

Nguồn: Liên đoàn lao động tỉnh Vĩnh Phúc

Do cung không đủ cầu, lạm phát nên giá nhà cho công nhân thuê liên tục tăng lên. Năm 2018, giá cho thuê trung bình là 600.000/phòng/tháng thì đến 2022 giá cho thuê trung bình là 850.000/phòng/tháng, tăng 1,4 lần. Tiền thuê nhà thường chiếm từ 12 - 15% trong tổng thu nhập của công nhân.

Với mức thu nhập hiện tại cùng tốc độ gia tăng giá nhà ở khu vực xung quanh KCN thì chỉ có người lao động địa phương mới có thể đảm bảo các nhu cầu sống tối thiểu cho bản thân còn những người lao động nhập cư thì rất khó khăn. Khảo sát của Liên đoàn lao động Tỉnh cũng cho thấy, mức thu nhập đó mới đáp ứng được 80% nhu cầu thiết yếu của cuộc sống công nhân lao động. Do đó chất lượng cuộc sống của công nhân lao động đa phần đạt mức trung bình (72,3%), mức tốt rất ít (1,1%), mức rất khó khăn còn một tỷ lệ không nhỏ (5,6%). Chính vì vậy, dành một phần tiền để lo “an cư” luôn là một gánh nặng, một nỗi lo đối với lao động ngoại tỉnh.

Bên cạnh, những kết quả bước đầu đạt được thị trường nhà ở cho công nhân các KCN tỉnh Vĩnh Phúc còn nhiều vấn đề tồn tại và hạn chế như:

Một là, cung không đáp ứng đủ cầu, số lượng nhà hiện nay thì chỉ như “muối bỏ bể” so với nhu cầu ngày càng tăng cao của công nhân.

Hai là, hầu hết công nhân hiện nay đang sống ở những nhà cho thuê do dân xây dựng nên tình trạng chung là chất lượng nhà ở rất yếu kém cả hình thức lẫn cơ sở hạ tầng cơ bản.

Ba là, giá nhà và giá thuê nhà ngày càng tăng trong khi đó lương của người công nhân thì vẫn giữ nguyên hoặc rất chậm thay đổi.

Bốn là, sự phân bố nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp cũng lộn xộn, tự phát, khó quản lý…

Giải pháp tài chính nhằm phát triển thị trường nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc

Để phát triển thị trường nhà ở, giải quyết vấn đề nhà ở cho người công nhân làm việc trong các KCN, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như sau:

Thứ nhất, có các chính sách nhằm hạ giá nhà ở cho công nhân với các biện pháp cụ thể như: tăng nguồn cung nhà, giảm chi phí liên quan đến đất xây dựng nhà ở công nhân, chi phí liên quan đến xây dựng, chi phí về vốn của doanh nghiệp và giảm các chi phí trung gian.

Thứ hai, cải thiện cơ chế hỗ trợ tài chính, tăng khả năng thanh toán của công nhân. Theo đó, cần quy định việc nghiên cứu điều chỉnh mức lương tối thiểu trong hệ thống lương để người công nhân lao động có khả năng thanh toán tiền thuê nhà ở và phần tích luỹ để đảm bảo cuộc sống ổn định.

Đồng thời, người công nhân được phép vay vốn từ các quỹ tài chính như quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển của địa phương với lãi suất thấp để họ mua được nhà trả góp.

Ngoài ra, để phân bổ hợp lý nhà ở cho đối tượng công nhân khu công nghiệp, Nhà nước phát triển một cơ chế lựa chọn người thuê mua riêng biệt khi có sự cạnh tranh trong việc lựa chọn người thuê mua.

Thứ ba, phát triển các công cụ bổ sung nguồn vốn. Để tạo nguồn tài chính phục vụ cho phát triển nhà ở, Nhà nước thiết lập cơ chế mua trái phiếu được phát hành với lãi suất thấp hơn thị trường khi cấp phép cho các lĩnh vực khác nhau, có yêu cầu bắt buộc tham gia theo tỷ lệ hợp lý từ những tổ chức phát triển hạ tầng KCN, tổ chức sử dụng lao động trong KCN.

Nhà nước tạo thêm quỹ phát triển nhà ở thông qua các dự án phụ như dự án xổ số. Nhà nước áp dụng cơ chế Quỹ tín thác bất động sản (REITs) để phát triển nhà ở bằng cách thu hút vốn tư nhân và nước ngoài trong thời gian dài, sử dụng cơ chế này để phát triển các loại nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban quản lý khu công nghiệp Vĩnh Phúc (2022), Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ và phương hướng thực hiện nhiệm vụ từ năm 2012 đến năm 2022;
  2. Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc (2019), Báo cáo kết quả khảo sát nhu cầu nhà ở của công nhân lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Vĩnh Phúc;
  3. Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc (2022), Đề án nâng cao đời sống công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2026, Vĩnh Phúc;
  4. Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc (2013), Báo cáo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, Vĩnh Phúc.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kfy 2 tháng 6/2023