Kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, sửa chữa chung cư; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng vừa có Thông báo Kết luận của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Hội nghị triển khai Đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Rào cản trong phát triển nhà ở xã hội
Thông báo nêu rõ, ngày 19/5/2023, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023.
Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và đã được Chính phủ thông qua, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép các chính sách về nhà ở xã hội có hiệu lực sớm sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (dự kiến từ ngày 1/1/2024).
Đồng thời, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BXD ngày 28/4/2023 sửa đổi Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021; chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách xã hội và các bộ, ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã hướng dẫn các ngân hàng, địa phương triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, như: Xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, mặc dù các bộ, ngành đã tập trung triển khai một số nhiệm vụ trên, tuy nhiên việc phát triển nhà ở xã hội còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn như: Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý mua - bán, việc thực hiện các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội phải trải qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư...
Đáng nói là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa được triển khai do các địa phương chưa công bố danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, sửa chữa chung cư theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.
Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm...
Tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển nhà ở xã hội
Nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập và tiếp tục thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, để hoàn thiện, ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), pháp luật về thuế.
Trong đó, tập trung sửa đổi các cơ chế, chính sách nhà ở xã hội về: Đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước...
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tích cực nghiên cứu, tối ưu hóa các thiết kế nhà ở xã hội, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, công nghệ mới..., nhằm giảm giá thành, rút ngắn thời gian thi công, công bố để các chủ đầu tư, doanh nghiệp tham khảo, áp dụng.
Ngoài các nội dung trên, Người đứng đầu ngành Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, sửa chữa chung cư; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục triển khai chương trình cho vay ưu đãi đối với đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội…
Đối với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị UBND cấp tỉnh xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp), cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên Cổng Thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.
Các địa phương khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp để phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Đồng thời, rà soát, bố trí quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.
Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn, trong đó có việc thực hiện bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị; quan tâm quản lý, đảm bảo chất lượng, cơ cấu sản phẩm, giá thành hợp lý của nhà ở xã hội để đáp ứng cho người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội tiếp cận, cải thiện về nhà ở.
Đối với các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp sử dụng nhiều công nhân, người lao động cần quan tâm xây dựng nhà lưu trú hỗ trợ chỗ ở cho công nhân, người lao động của doanh nghiệp thuê.
Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm đầu tư nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị do doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Đồng thời, chủ động rà soát đối tượng, điều kiện, đăng ký với UBND cấp tỉnh để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.