Giải pháp tăng cường thu hút FDI chất lượng cao từ Liên minh châu Âu
Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại hàng đầu và cũng là nguồn cung cấp nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn đối với Việt Nam.
Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do song phương (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) được ký kết giữa Việt Nam và EU mở ra nhiều kỳ vọng trong thời gian tới dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU sẽ tăng trưởng đột phá cả về lượng và chất. Tuy nhiên, đòi hỏi đặt ra là Việt Nam cần có chiến lược và giải pháp thích hợp và hiệu quả…
Thực trạng và triển vọng thu hút FDI từ EU vào Việt Nam
Đến năm 1998, sau 10 năm kể từ năm 1988 Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam có hiệu lực, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam đã tăng 12 lần, từ 186,959 triệu USD lên 2,24 tỷ USD năm 1997, chiếm 13,8% tổng số vốn đăng ký FDI vào Việt Nam năm 1997. Riêng FDI từ Anh tăng mạnh, lần lượt từ 0,99% và 0,11% năm 1995-1997 lên mức 8,43% và 19,06% tổng số vốn đăng ký từ EU năm 1998-1999.
Những năm 2000 – 2001, FDI từ EU trở thành nguồn đầu tư quan trọng của Việt Nam, chiếm khoảng 38% tổng giá trị vốn FDI đăng ký. Đặc biệt, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vốn FDI đăng ký từ EU vào Việt Nam đã tăng mạnh từ mức 5,41 tỷ USD vào năm 2007, lên 10,49 tỷ USD vào năm 2008, tức tăng 93,89% và chiếm 16,4% trên 64 tỷ USD tổng vốn FDI đăng ký kỷ lục của cả năm 2008.
Đến năm 2018, tổng cộng EU có gần 25 tỷ USD của hơn 2000 dự án FDI còn hiệu lực ở Việt Nam. Hà Lan, Pháp, Luxembourg, Đức… là nhóm các nhà đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam trong số các nước thành viên EU. Điểm nhấn FDI từ EU tại Việt Nam là đa số có chất lượng cao, tiêu biểu trong đó có những dự án đầu tư vào công nghệ cao từ các tập đoàn Ericsson, ABB, Bosch. Các nhà đầu tư châu Âu được đánh giá là mạnh về dịch vụ hơn sản xuất hàng hóa.
Quá trình thu hút FDI nói chung và từ EU nói riêng đã góp phần bổ sung động lực tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình phát triển dựa trên công nghệ hiện đại, hàm lượng công nghệ cao, giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho hàng triệu lao động… Tuy nhiên, nguồn vốn FDI từ EU vẫn chưa được khai thác như mong đợi. Doanh nghiệp (DN) EU thường khó đầu tư vào các lĩnh vực mà mình có thế mạnh, do gặp không ít hạn chế về sự minh bạch và thuận lợi trong thủ tục nói riêng và quản lý nhà nước nói chung về FDI, cũng như yêu cầu về chất lượng lao động đào tạo và các điều kiện về cơ sở hạ tầng... Bên cạnh đó, các nhà đầu tư châu Âu nói chung còn thiếu thông tin về thị trường Việt Nam, từ những vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, quyền lao động và trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến việc công nhận trong ngành ô tô và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm như bia, rượu. Đây là vấn đề không chỉ về quảng bá thông tin, mà còn do những khác biệt về cơ chế quản lý, chính sách đã phần nào làm chùn bước các nhà đầu tư.
Có thể nói, cộng đồng DN EU từ lâu đã quan tâm và ngày càng coi Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên trong khu vực. Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA. Các hiệp định toàn diện và có chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, phù hợp với các quy định của WTO đã được ký kết.
Nội dung của Hiệp định EVIPA bao gồm cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư ở cả 2 bên. Các cam kết đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng... đã cơ bản bảo vệ được lợi ích của các nhà đầu tư. Nếu tuân thủ tốt và đáp ứng được các điều kiện của EVIPA, Việt Nam sẽ không chỉ thu hút thuận lợi dòng vốn FDI từ châu Âu, mà còn từ nhiều đối tác khác ngoài EU. Nói cách khác, EVIPA và EVFTA được kỳ vọng đang và sẽ tiếp tục tạo xung lực tích cực cho cả tăng cường thương mại Việt Nam-EU, cũng như thu hút FDI chất lượng cao từ EU vào Việt Nam.
Triển khai đồng bộ, tích cực các giải pháp thu hút FDI từ EU
Thu hút FDI chất lượng cao trong các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và các ngành dịch vụ chất lượng cao… là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong thời gian tới. Đây là nội dung tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chể, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Theo đó, việc thu hút FDI vào Việt Nam sẽ được chọn lọc hơn, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường, gắn chặt với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu… Cả nước phấn đấu thu hút FDI giai đoạn 2021 – 2025 với tổng vốn đăng ký khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm) và vốn thực hiện khoảng 100 - 150 tỷ USD (20 - 30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 – 2030, tương ứng khoảng 200 - 300 tỷ USD (40 - 50 tỷ USD/năm) và khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm). Tỷ lệ DN sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018. Tỷ lệ nội địa hóa tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.
Với tinh thần và mục tiêu đó, Việt Nam cần chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp, với các trọng tâm nổi bật sau:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng môi trường thể chế, quy hoạch, quảng bá và xúc tiến đầu tư FDI. Dòng vốn FDI từ EU là động lực lớn thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam. Điều này xuất phát từ việc DN EU nói chung rất coi trọng pháp quyền và có yêu cầu về chất lượng thể chế rất mạnh mẽ. Vì vậy, theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW, Nhà nước không chỉ tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong DN, mà còn cần thúc đẩy quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao; Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030. Đặc biệt, nền tảng pháp lý ưu việt sẽ truyền cảm hứng cho nhà đầu tư tin trưởng và cam kết đầu tư lâu dài. Đây cũng là yếu tố giúp nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế và môi trường kinh doanh của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các nhà đầu tư quốc tế đang liên tục tìm kiếm các thị trường mới ngoài Trung Quốc.
Đến năm 1998, sau 10 năm kể từ năm 1988 Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam có hiệu lực, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam đã tăng 12 lần, từ 186,959 triệu USD lên 2,24 tỷ USD năm 1997, chiếm 13,8% tổng số vốn đăng ký FDI vào Việt Nam năm 1997. Đặc biệt, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, vốn FDI đăng ký từ EU vào Việt Nam tăng mạnh từ mức 5,41 tỷ USD vào năm 2007, lên 10,49 tỷ USD năm 2008, tăng 93,89% và chiếm 16,4% trên 64 tỷ USD tổng vốn FDI đăng ký kỷ lục của cả năm 2008.
Việt Nam cần khẩn trương rà soát và hoàn thiện quy hoạch quốc gia về thu hút FDI, với định hướng ưu tiên thu hút các dự án FDI có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa; gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Đây là nội dung trọng tâm, cần được phổ biến và quảng bá rộng rãi đến cộng đồng DN không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả EU. Cơ quan xúc tiến đầu tư FDI cần được chuyên trách hóa và đưa ra được danh mục dự án thu hút đầu tư phù hợp với nhu cầu của các DN EU, nhất là trong các lĩnh vực sở trường của họ là công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính, ngân hàng và viễn thông, vận tải, phân phối…
Để giảm sự phân bố không đồng đều của các dự án FDI về mặt địa lý, trong chính sách ưu đãi đầu tư cần tránh tạo khoảng cách quá lớn giữa các trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài với các tỉnh thành đang khó khăn. Cần có chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho lao động Việt Nam; sử dụng người lao động Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở các quốc gia tiên tiến; Nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp và người lao động từ những tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên tiếp cận được các chương trình, nguồn lực hỗ trợ từ EU do bản thân các nhà đầu tư EU cũng luôn quan tâm đến vấn đề xóa bỏ bất bình đẳng xã hội và đói nghèo
Thứ hai, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng"; Xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài; Xây dựng cơ chế đánh giá và tiến hành rà soát đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Cần xây dựng, bổ sung cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt cam kết; phân biệt ưu đãi giữa các ngành, nghề đầu tư khác nhau; Có chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ dựa trên cơ sở thoả thuận, tự nguyện; Áp dụng nguyên tắc ưu đãi đầu tư gắn với việc đáp ứng các điều kiện, cam kết cụ thể và cơ chế hậu kiểm; Nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, bảo vệ môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới.
Sửa đổi, bổ sung quy định bảo đảm quyền, nghĩa vụ, công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, vốn đầu tư, thu nhập và lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư và chủ thể có liên quan, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Thứ ba, coi trọng phát triển doanh nghiệp, cải thiện các điều kiện hạ tầng, chất lượng nhân lực và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư khác. Đầu tư cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng trong việc thu hút FDI từ quốc tế nói chung và EU nói riêng. Nguồn nhân lực trẻ có kỹ năng sử dụng internet lớn, phân tích dữ liệu, giỏi công nghệ thông tin và nắm bắt nhanh các xu hướng công nghệ mới... là những lợi thế cần tiếp tục phát huy để thu hút hơn nữa nguồn vốn từ EU. Cơ quan quản lý cần kịp thời ban hành các quy định điều chỉnh các quan hệ kinh tế mới, các mô hình, phương thức kinh doanh mới... tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư và hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước; Tăng cường cơ chế đối thoại, đổi mới, mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư; xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đang thực hiện.
Đẩy mạnh, cần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư đồng bộ, liên thông với các lĩnh vực lao động, đất đai, thuế, hải quan, tín dụng, ngoại hối... và các địa phương; Nâng cao chất lượng công tác thống kê, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác và phù hợp với thông lệ quốc tế; Phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bình chọn, vinh danh các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; định kỳ bình chọn, vinh danh các nhà đầu tư nước ngoài tiêu biểu…
Tài liệu tham khảo:
- Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chể, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030;
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giai đoạn 1988-2018 và một số giải pháp, http://tapchitaichinh.vn;
- Thực trạng chính sách ưu đãi thu hút FDI vào Việt Nam hiện nay, http://tapchitaichinh.vn;
- Các yếu tố tác động đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở vùng kinh tế đồng bằng sông Hồng, http://www.tapchicongthuong.vn.