Thu hút FDI 10 tháng đầu năm 2019, lượng vốn góp mua cổ phần tăng mạnh


Theo số liệu vừa được Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 10 tháng qua tốc độ tăng giải ngân vốn FDI cao hơn đăng ký cấp mới. Cụ thể, lượng vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 16,21 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính đến ngày 20/10/2019, cả nước có 3.094 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 25,9% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới 12,83 tỷ USD, bằng 85,4% so với cùng kỳ năm 2018.  

Theo lý giải của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký cấp mới giảm so với cùng kỳ do quy mô dự án giảm và nếu không tính các dự án lớn trên 1 tỷ USD, tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 10 tháng năm 2019 tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2018.

10 tháng năm 2019 dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư lớn nhất là 420 triệu USD. Trong khi đó, theo số liệu của 10 tháng năm 2018 có một số dự án lớn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới như dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội – Nhật Bản đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,14 tỷ USD; dự án nhà máy sản xuất Polypropylene và kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng – Hàn Quốc đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Số liệu cũng ghi nhận lượng góp vốn, mua cổ phần tăng rất mạnh trong 10 tháng đầu năm 2019. Cụ thể trên cả nước có 7.509 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 10,81 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký.

Theo số liệu thống kê trong 3 năm gần đây có thể thấy: năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký; năm 2018 chiếm 27,78%; trong 10 tháng của năm 2019 lượng vốn góp và mua cổ phần đã chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký.

Lý giải về việc lượng góp vốn mua cổ phần tăng sôi động như hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia, thủ tục đơn giản, thuận tiện chính là điều kiện khiến ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư vào Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần. 

Bên cạnh đó, một nguyên nhân đáng chú ý là lượng vốn đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng nhanh so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Phân tích của Cục Đầu tư nước ngoài đã nhấn mạnh về luồng vốn đầu tư từ hai thị trường này.

Cụ thể, 10 tháng qua, vốn FDI từ Trung Quốc đã tăng 2 lần (đạt 3,2 tỷ USD), từ Hồng Kông tăng 3,94 lần (6,447 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, số lượng các đoàn sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư tăng khá mạnh, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều đoàn tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam do tác động của cuộc chiến tranh thương mại kéo dài giữa hai cương quốc Mỹ - Trung. Các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore.