Giải pháp thu hút FDI xanh tại Việt Nam


Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, FDI vẫn tiếp tục được xác định là kênh đầu tư quan trọng để Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh, giúp Việt Nam hiện thực hóa nhanh các định hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực và yêu cầu "xanh hóa" nguồn vốn FDI đã được quan tâm, song vẫn còn nhiều dự án FDI có tác động tiêu cực đến môi trường. Trong bối cảnh đó, việc thu hút vốn FDI xanh trở thành yêu cầu cấp thiết đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Tổng quan về FDI xanh

Hiện nay, có khá nhiều quan điểm khác nhau về FDI xanh. Hội nghị Liên Hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) (2008) đề cập tới FDI xanh gồm hai loại đầu tư: (i) Đầu tư trực tiếp nước ngoài tuân theo tiêu chuẩn môi trường quốc gia; (ii) Đầu tư vào việc sản xuất trực tiếp các sản phẩm và dịch vụ môi trường ở nước nhận đầu tư. Đồng quan điểm này, Stephen Golub và cộng sự (2011) phân chia FDI theo hai hướng là đầu tư vào sản phẩm, dịch vụ và đầu tư vào quy trình sản xuất.

UNCTAD (2010) tiếp tục đưa ra quan điểm về FDI xanh, trong đó nhấn mạnh vào FDI các-bon thấp - một vấn đề quan trọng của FDI xanh, đồng thời định nghĩa nó là - sự chuyển giao công nghệ, thực hành hoặc sản phẩm của các công ty xuyên quốc gia cho các nước sở tại - thông qua các hình thức tham gia của FDI theo hướng công bằng hoặc không công bằng. Nói cách khác, khi đề cập FDI xanh, UNCTAD nhấn mạnh về hai yếu tố: (i) các sản phẩm và dịch vụ các-bon thấp và (ii) các quy trình các-bon thấp.

Khi nghiên cứu về FDI xanh, Stephen Golub và cộng sự (2011) cho rằng, FDI xanh gồm hai phần là: (i) Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường; (ii) Đầu tư nước ngoài vào quy trình giảm thiểu phá hoại môi trường như sử dụng công nghệ sạch hơn hay hiệu quả năng lượng hơn. Quan điểm này cũng được nhiều tổ chức, các nhà nghiên cứu sau đó sử dụng nhiều vì nó sát hợp với thực tế trong bối cảnh vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng được quan tâm dưới tác động và phát triển mạnh mẽ của xu hướng công nghệ số, kinh tế số, xã hội số...

Như vậy, về cơ bản, FDI có thể được coi là “xanh” khi nó thân thiện với môi trường, trong những lĩnh vực tương tự đòi hỏi thông tin rộng rãi cho công chúng giám sát như: lượng khí thải carbon, quản lý chất thải, ô nhiễm không khí và nước... Có thể hiểu, FDI xanh là hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào sản xuất sản phẩm và dịch vụ môi trường, hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy trình sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhằm mục đích vừa phát triển kinh tế, trong khi sử dụng được hợp lý tài nguyên, tránh việc hủy hoại môi trường, biến đổi khí hậu và mất cân bằng sinh thái ở nước nhận đầu tư.

Hiện nay, Việt Nam chưa có khái niệm riêng về FDI xanh, nhưng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra định nghĩa về công nghệ xanh và sản phẩm xanh. Đồng thời, Chính phủ cũng có chủ trương thu hút nguồn vốn FDI đối với các dự án công nghệ cao, có lượng các bon thấp, không gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Đây có thể coi là định hướng rõ ràng trong việc yêu cầu hướng đến thu hút và lựa chọn các dự án đúng nghĩa FDI xanh trong thời gian tới.

Thực trạng thu hút FDI xanh tại Việt Nam

Một số kết quả đạt được

Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, FDI vẫn tiếp tục được xác định là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giúp Việt Nam hiện thực hóa nhanh các định hướng phát triển. Trong những năm qua, với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, môi trường chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn nhân lực dồi dào với chi phí thấp, Việt Nam là một trong những quốc gia hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Tính lũy kế đến ngày 20/2/2022, cả nước có 34.700 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 418,8 tỷ USD.

Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt gần 254,3 tỷ USD, bằng 60,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với trên 247,7 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với gần 64,4 tỷ USD (chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với trên 36,2 tỷ USD (chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư). Từ số liệu này cho thấy, số lượng dự án FDI xanh thể hiện qua số lượng các dự án về công nghệ cao, đô thị xanh ít khí phát thải... vẫn còn khá khiêm tốn, hầu hết các dự án hiện nay đều thuộc về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Giải pháp thu hút FDI xanh tại Việt Nam - Ảnh 1

Thực tế cho thấy, đa phần dự án FDI ở Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực ít thân thiện với môi trường, có mức độ phát thải lớn, giá trị gia tăng thấp, có khả năng gây ra ô nhiễm môi trường rất lớn. Nhiều dự án FDI là ngành sản xuất thô, có tính gia công cao, mức độ phát thải lớn, thiếu những ngành công nghiệp mang tính nền tảng như công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), số lượng doanh nghiệp FDI có năng lực công nghệ cao còn hạn chế, chỉ 5% doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp. Thời gian qua, đã xảy ra một số vụ việc vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp FDI, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng cuộc sống người dân. Điển hình nhất là sự cố gây ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh trong năm 2016...

Một số dự án FDI hoạt động ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất chưa tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Không ít doanh nghiệp FDI đã nhập khẩu máy móc, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam nhưng không được phát hiện kịp thời, dẫn đến hệ lụy về môi trường ở một số địa điểm, tác động lâu dài đến sức khỏe người dân và hệ sinh thái khu vực, gây xung đột lợi ích giữa các ngành sản xuất, chế biến với ngành nông nghiệp, du lịch, cũng như giữa doanh nghiệp FDI với cộng đồng dân cư. Tuy hiện nay chưa có con số thống kê chính thức về số lượng dự án FDI xanh, nhưng nếu xét tổng thể chung về các tiêu chí liên quan đến "yếu tố xanh", phần lớn các dự án hiện nay chưa đáp ứng đủ điều kiện.

Khó khăn, thách thức

Thực tế cho thấy, Việt Nam vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và rào cản trong việc thu hút FDI xanh, cụ thể:

- Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm và cơ chế, tiêu chuẩn môi trường để sàng lọc hiệu quả các dự án FDI; chưa lường hết được những nguy cơ tiềm ẩn về vấn đề gây ô nhiễm môi trường của một số dự án FDI. Vẫn chưa có tiêu chí đầy đủ, rõ ràng về FDI xanh để có thể đối chiếu, áp dụng... thu hút FDI sát với mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

- Sự phối hợp của các cấp, các ngành trong kiểm soát các nguồn thải từ các dự án FDI chưa hiệu quả, đồng bộ, chặt chẽ. Trong khi đó, ý thức của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các quy định bảo vệ môi trường còn chưa cao. Thiếu ràng buộc trách nhiệm, chế tài bảo đảm việc tuân thủ cam kết của nhà đầu tư.

- Vẫn còn tình trạng xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án FDI. Nhiều địa phương trải thảm đỏ thu hút dự án FDI bằng mọi giá, ít có chọn lọc, thậm chí đã chấp nhận những doanh nghiệp FDI khai thác tài nguyên giá rẻ với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

- Xu hướng xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua đầu tư FDI đang ngày càng gia tăng và Việt Nam có nguy cơ trở thành một trong những nước có mức nhập khẩu ô nhiễm cao. Trong khi, năng lực phòng ngừa, kiểm soát, bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp FDI còn bất cập, năng lực quản lý của cơ quan liên quan vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Giải pháp thu hút FDI xanh tại Việt Nam

Thu hút FDI xanh đồng nghĩa với việc thu hút các dự án FDI thân thiện với môi trường, chủ đầu tư có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy việc thu hút FDI xanh với cần chú trọng một số vấn đề sau:

- Ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.

- Xây dựng và ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong thu hút và sử dụng FDI. Các yêu cầu về môi trường và đánh giá tác động về môi trường cần được ưu tiên hàng đầu. Nâng cấp tiêu chuẩn về môi trường để làm căn cứ không tiếp nhận các dự án không khuyến khích đầu tư (như: dệt nhuộm sử dụng công nghệ cũ...). Luôn đảm bảo nguyên tắc không thu hút FDI bằng mọi giá; không thu hút các dự án có nguy cơ hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

- Rà soát, sửa đổi pháp luật về đăng ký chuyển giao công nghệ; nhập khẩu máy móc, thiết bị của doanh nghiệp FDI nhằm kiểm soát, thúc đẩy công nghệ và chuyển giao công nghệ; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng gian lận và tiếp nhận công nghệ không thân thiện với môi trường.

- Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao... thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.

- Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa FDI và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu đối với việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan tới đầu tư nước ngoài; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các vi phạm về bảo vệ môi trường.

- Không gia hạn, mở rộng hoạt động đối với các dự án sử dụng công nghệ thấp, không đáp ứng được tiêu chuẩn công nghệ, môi trường.

- Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ làm công tác quản lý liên quan đến FDI, chú trọng cập nhật kiến thức về xu hướng vốn FDI xanh; các tiêu chí FDI xanh trên thế giới; kinh nghiệm quản lý dự án FDI xanh; kinh nghiệm xử lý các rủi ro môi trường kể cả từ các dự án FDI đã được cam kết ”xanh”...   

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 68/TTg-2017 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ giai đoạn 2016-2025;

2. Nguyễn Ngọc Loan (2019), Thu hút FDI "xanh" gắn với mục tiêu phát triển bền vững, Tạp chí Tài chính. Truy cập từ link: https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/thu-hut-fdi-xanh-gan-voi-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-305144.html;

3. Đàm Thị Thanh Thủy (2021), Giải pháp thu hút FDI xanh tại Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021.

* Phạm Thị Thùy Dương - Khoa Lý luận chính trị, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 - Tháng 6/2022