Thu hút FDI vào Đồng bằng sông Cửu Long còn khiêm tốn, vì sao?
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), 2 tháng đầu năm, cả nước thu hút gần 5 tỷ USD vốn FDI, nhưng khu vực vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ thu hút được hơn 320 triệu USD, tập trung chủ yếu ở tỉnh Long An giáp với TP. Hồ Chí Minh.
Chỉ 6/13 tỉnh, thành thu hút được vốn FDI
Số liệu thống kế của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2022, chỉ có 6/13 tỉnh, thành thu hút được vốn FDI tăng thêm.
Trong đó, tỉnh Long An đã thu hút thêm hơn 309 triệu USD, gồm vốn đầu tư 9 dự án mới, điều chỉnh tăng thêm vốn 14 dự án và góp vốn mua cổ phần 4 dự án.
Trong khi đó, TP. Cần Thơ được xem là “thủ phủ” của vùng ĐBSCL, nếu như năm 2021 địa phương này thuộc tóp 5 dẫn đầu thu hút vốn FDI với dự án khủng 1,3 tỷ USD thì trong 2 tháng đầu năm nay chỉ thu hút được 1 dự án mới và 1 dự án điều chỉnh tăng vốn, 1 dự án góp vốn mua cổ phần với tổng vốn tăng thêm chỉ 4,8 triệu USD.
Các địa phương khác như: Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang có từ 1-2 dự án điều chỉnh hoặc góp vốn mua cổ phần với tổng vốn gộp lại chưa đến 10 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), qua phân tích số liệu về thu hút FDI vào vùng ĐBSCL qua các năm cho thấy, tính đến năm 2021, ĐBSCL có 1.839 dự án còn hiệu lực (chiếm 5,33% số dự án cả nước) với tổng vốn đầu tư là 33 tỷ USD (chiếm 8,32% tổng vốn đầu tư cả nước).
Long An là tỉnh có số dự án thu hút FDI nhiều nhất với 1.271 dự án (chiếm 69,11% số dự án của ĐBSCL) và với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 12,3 tỷ USD (chiếm 36,23% tổng vốn đăng ký của ĐBSCL).
Tiền Giang đứng vị trí thứ hai về số lượng dự án FDI với 128 dự án (chiếm 7% số dự án của ĐBSCL) với tổng vốn đầu tư là 2,8 tỷ USD(chiếm 8% tổng vốn đăng ký của ĐBSCL). Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn e ngại về hạ tầng giao thông kết nối từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ nên vẫn muốn đầu tư ở các địa phương gần TP. Hồ Chí Minh hơn.
Thu hút FDI phụ thuộc vào tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng
Hơn 10 năm trước cả vùng ĐBSCL chỉ có 50km cao tốc kết nối từ Trung Lương – TP. HCM. 10 năm sau (đến tháng 4/2022), tuyến cao tốc này mới được nối dài thêm 50km nữa về đến Mỹ Thuận. Đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ hơn 23km lại phải chờ thêm vài năm nữa.
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được đưa và khai thác tạm để phục vụ người dân về quê đón Tết thì ngay lập tức cầu Mỹ Thuận bị tắc nghẽn nhiều giờ. Điều này khiến người dân và doanh nghiệp miền Tây không khỏi lo lắng khi cao tốc TP. Hồ Chí Minh về đến cầu Cần Thơ thì kịch bản tắc nghẽn giao thông sẽ xảy ra ở cầu Cần Thơ như ở cầu Mỹ Thuận.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong những năm qua, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL đã hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố an ninh - quốc phòng của khu vực.
Mặc dù đã được quan tâm bố trí vốn (tổng kinh phí bố trí cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng trong giai đoạn 2011-2015 chiếm khoảng 14,51%, giai đoạn 2016-2020 chiếm khoảng 16,15% so với cả nước), tuy nhiên do xuất phát điểm thấp và suất đầu tư cao (địa hình bị chia cắt, địa chất yếu) nên kết cấu hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.
Để tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông cho vùng này, Bộ GTVT cho biết, trong giai đoạn trung hạn 2021 – 2025, Bộ đã chuẩn bị đầu tư mới 37 dự án đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không tại khu vực này với tổng mức đầu tư khoảng khoảng 198.823 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhu cầu vốn vượt quá khả năng cân đối. Trong điều kiện nguồn lực khó khăn như hiện nay, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cân đối tối thiểu khoảng 57.346 tỷ (tương đường 22,9% của ngành GTVT) để đầu tư cho các dự án động lực vùng gồm: Đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Mỹ An – Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh, Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng, các cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi và nâng cấp một số tuyến quốc lộ quan trọng khác.
Về hàng hải: Đầu tư hoàn chỉnh Dự án Luồng tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu.
Về đường thủy: Đầu tư giai đoạn 2 của tuyến kênh chợ Gạo, Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam và Dự án nâng cao tĩnh không các cầu trên tuyến đường thủy vùng ĐBSCL.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, khu vực ĐBSCL có lợi thế về phát triển nông nghiệp; nhiều năm liền vùng này dẫn đầu cả nước về chất lượng nền kinh tế quốc gia.
Về lợi thế trong thu hút đầu tư bên cạnh các ngành kinh tế thiết yếu, một số ngành mới cũng đang cho thấy tiềm năng phát triển hơn nữa ở ĐBSCL như nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin – truyền thông, năng lượng, bất động sản và du lịch. Các dự án phát triển trên các lĩnh vực này sẽ mang đến nhiều sự lựa chọn đầu tư bổ sung, đa dạng danh mục đầu tư cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
"Tuy nhiên, mặc dù trong nhiều năm qua, vùng này cũng đã được Chính phủ phân bổ nguồn lực đầu tư lớn nhưng tốc độ triển khai thực hiện còn chậm; cùng với đó là vùng này cũng đang đối mặt với các thách thức về biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên chưa bền vững, hạ tầng logistics yếu kém, thiếu lao động có tay nghề… tạo nên nút thắt trong thu hút đầu tư nên tỷ lệ thu hút FDI tuy tăng gần 20% mỗi năm nhưng vẫn còn thấp hơn các khu vực khác", ông Lam phân tích.