Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng


Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng là chủ trương chiến lược xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Trong những năm qua, ngành Công nghiệp quốc phòng đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức để phát triển.

Thời gian qua, chất lượng sản phẩm quốc phòng đã được nâng cao đáng kể
Thời gian qua, chất lượng sản phẩm quốc phòng đã được nâng cao đáng kể

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: Tiếp tục xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học, công nghệ cao. Nghiên cứu, sản xuất được một số chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại cần thiết cho phòng thủ, bảo vệ đất nước…

Những kết quả đạt được trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020

Ngày 16/7/2011, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ngay khi Nghị quyết số 06-NQ/TW ra đời, Bộ Quốc phòng đã kịp thời tổ chức quán triệt, chỉ đạo xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và phê duyệt Kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) các giai đoạn theo phương hướng, nhiệm vụ của Nghị quyết các nhiệm kỳ Đại hội Đảng (giai đoạn 2011 - 2015 Đại hội Đảng XI; giai đoạn 2016 - 2020, Đại hội Đảng XII).

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, nhất là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, ngành CNQP đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các mặt công tác, trong đó nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành xuất sắc, được Bộ Quốc phòng biểu dương, đánh giá cao. Tổ chức lực lượng của Tổng cục CNQP đã từng bước được củng cố theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, gắn nghiên cứu thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa. Một số tổng công ty được hình thành trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập các cơ sở CNQP hiện có theo nhóm sản phẩm, qua đó tập trung nguồn lực, phát triển năng lực sản xuất, nâng cao hiệu quả SXKD. Từng bước thực hiện chuyển đổi hoạt động của các Viện nghiên cứu sang mô hình tự chủ về tài chính theo Nghị định số 115/NĐ-CP của Chính phủ nhằm phát huy tiềm năng, vai trò, trách nhiệm của đơn vị, cán bộ nghiên cứu; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu đồng thời giảm chi tiêu ngân sách nhà nước.

Các dự án đầu tư phát triển CNQP được triển khai quyết liệt, nhiều dự án hoàn thành đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư. Năng lực sản xuất vũ khí trang bị của CNQP đã có chuyển biến rõ nét và có bước đột phá; chất lượng và độ tin cậy được nâng lên, tạo niềm tin cho người sử dụng. CNQP đã có thêm năng lực sản xuất, sửa chữa nhiều sản phẩm mới, nhất là năng lực đóng tàu quân sự đã có bước phát triển vượt bậc, nhờ đó, đáp ứng một phần vũ khí trang bị kỹ thuật cho quân đội, nâng cao khả năng và sức mạnh sẵn sàng chiến đấu, cũng như phục vụ nhiệm vụ huấn luyện...

Chất lượng sản phẩm quốc phòng được nâng cao đáng kể, tăng thời gian bảo quản, bảo đảm an toàn trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, tạo được niềm tin của bộ đội. Năng lực sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật cho lực lượng Hải quân và Phòng không - Không quân ngày càng tốt hơn. Cùng với đó, việc kết hợp giữa sản xuất quốc phòng và kinh tế đã được quan tâm chỉ đạo và phát huy hiệu quả; yêu cầu lưỡng dụng trong các dự án đầu tư đã được chú trọng đúng mức, từ đó, có thêm điều kiện để tích lũy tái đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người lao động.

Thời gian gần đây, suy thoái kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19 cũng như những bất ổn về kinh tế và chính trị trên thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ của các loại hình doanh nghiệp (DN) nước ta năm 2020. Tuy nhiên, năm 2020 là năm Việt Nam được các nước trên thế giới đánh giá “thành công kép” vì đã duy trì được mức tăng trưởng “dương”, phòng và chống dịch Covid- 19 hiệu quả. Thành công của Việt Nam trong nỗ lực duy trì, tận dụng mọi thời cơ, mọi điều kiện cho phát triển các hoạt động SXKD, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước năm 2020 có sự đóng góp không nhỏ của khu vực DN nói chung, các DN quốc phòng (DNQP) nói riêng.

Bên cạnh các thành viên nêu trên, ngành CNQP cũng còn không ít khó khăn, thách thức, trong đó đặc biệt là khó khăn về các nguồn lực để đầu tư, hiện đại hóa CNQP và năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Mặt khác, thể chế, chính sách về CNQP, an ninh đã có sự đổi mới nhưng còn chậm và thiếu đồng bộ. Công tác quy hoạch, kế hoạch đối với nhiệm vụ của ngành CNQP có những mặt còn hạn chế. Việc tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý và nguồn nhân lực còn bất cập. Đầu tư ngân sách và huy động các nguồn lực cho xây dựng, phát triển CNQP ở một số khâu, một số lĩnh vực chưa có đột phá.

Yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới

Trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp; tình hình đại dịch Covid-19 gây tác động rất lớn, kiểm soát việc lây nhiễm trong cộng đồng còn nhiều khó khăn, ngành CNQP cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về xây dựng, phát triển CNQP, an ninh.

Trong đó, cần đặt trọng tâm thực hiện Nghị quyết số 06- NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng cục CNQP lần thứ X, nhiệm kỳ 2021-2025 và đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục xây dựng, phát triển CNQP, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học, công nghệ cao. Nghiên cứu, sản xuất được một số chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại cần thiết cho phòng thủ, bảo vệ đất nước, nhất là các loại vũ khí chiến lược…”. Để thực hiện được các mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục CNQP trong những năm đầu và các năm tiếp theo của giai đoạn 2021- 2025 là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu KHCN, hướng vào thực hiện khâu đột phá về nâng cao năng lực thiết kế chế tạo vũ khí mới, đồng thời duy trì tính ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng. Tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Bộ Quốc phòng trong chỉ đạo và điều hành triển khai các dự án đầu tư chương trình CNQP trong toàn quân.

Tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ các dự án đầu tư trong Tổng cục; ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, bảo đảm các mục tiêu về trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại; nhanh chóng đưa các dây chuyền đã được nghiệm thu đi vào hoạt động. Song song với triển khai các dự án đầu tư, Tổng cục CNQP cũng coi trọng xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại; xây dựng đào tạo các chuyên gia đầu ngành…

Để triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, trong đó có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng cục CNQP lần thứ X nhiệm kỳ 2021-2025, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên trong Tổng cục phải tập trung trí tuệ, huy động mọi nguồn lực và có giải pháp đồng bộ, thiết thực, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều đó đòi hỏi người lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải có tinh thần “dám làm, dám chịu trách nhiệm”; Căn cứ vào nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục và của từng đơn vị, cần tích cực “vào cuộc” ngay từ những tháng đầu, quý đầu của nhiệm kỳ mới.

Thứ hai, tiếp tục quán triệt và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết số 06-NQ/TW; chủ động rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển CNQP phù hợp với tình hình mới. Đây là một nội dung quan trọng, nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu mà Nghị quyết số 06- NQ/TW đã đề ra, làm cơ sở cho triển khai thực hiện và đảm bảo cho CNQP phát triển đúng hướng. Theo đó, các cấp, ngành, đơn vị, đặc biệt là Tổng cục CNQP tiếp tục quán triệt, nắm vững nội dung Nghị quyết 06 và các nội dung có liên quan được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng cục CNQP lần thứ X nhiệm kỳ 2021-2025, để cụ thể hóa bằng chương trình hành động, quy hoạch, kế hoạch phát triển CNQP trong những năm tới.

Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm rút ra trong giai đoạn 2016-2020 và những định hướng chỉ đạo, việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển CNQP cần được tính toán kỹ lưỡng, có lộ trình, bước đi phù hợp, kiên trì với mục tiêu đã xác định. Trong đó, chú trọng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lực khoa học, công nghệ, lựa chọn phát triển lĩnh vực, sản phẩm quốc phòng mũi nhọn… phù hợp với năng lực công nghệ, điều kiện kinh tế đất nước, Chiến lược trang bị của lực lượng vũ trang. Trước mắt, Tổng cục CNQP phối hợp với các bộ, ngành tập trung rà soát, hoàn thiện Quy hoạch xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2025; Đồng thời, đẩy mạnh triển khai xây dựng Đề án tổ chức sắp xếp lại các cơ sở CNQP nòng cốt; Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho CNQP đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Thứ ba, lãnh đạo thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong quản lý nhà nước về CNQP; tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2025 và những năm tiếp theo, trọng tâm là thực hiện tốt Quy hoạch CNQP và Chương trình mục tiêu xây dựng và phát triển CNQP 5 năm (giai đoạn 2021-2025); Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh CNQP, tiến tới ban hành Luật CNQP; Tiếp tục đầu tư hiện đại hóa công nghệ sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu đặt ra; Triển khai hiệu quả các dự án trọng điểm và các đề án nghiên cứu, thiết kế, chế thử vũ khí, trang bị kỹ thuật, sản phẩm mới mang thương hiệu Việt Nam; Hoàn thành xây dựng Đề án đẩy mạnh phát triển CNQP, an ninh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trình Bộ Chính trị. Cùng với đó, Tổng cục CNQP tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm; tiếp tục xúc tiến đề xuất triển khai các dự án đầu tư chế tạo các loại đạn, tên lửa chống tăng thế hệ mới; khí tài quan sát ngắm bắn đêm thế hệ mới và hướng tới phát triển sản phẩm kính ngắm, quan sát đêm theo hướng đạt chuẩn công nghệ hiện đại.

Thứ tư, giai đoạn 2016- 2020, Bộ Quốc phòng đã tập trung nỗ lực, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đơn vị chủ quản tích cực triển khai thực hiện việc tổ chức lại các DNQĐ phù hợp với yêu cầu đổi mới, phát triển DN nhà nước theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng. Đề án “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN quân đội đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 80/TTg- ĐMDN (ngày 4/10/2017), trong đó, Bộ Quốc phòng đã thực hiện cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả các DNQP, với mục tiêu giảm mạnh đầu mối DN 100% vốn Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý (từ 88 DN 100% vốn nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý xuống còn 17 DN).

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Quốc phòng cần tiếp tục chỉ đạo việc cơ cấu lại các DNQP theo hướng tinh gọn, tiếp tục duy trì các DNQP tập trung cho các ngành, lĩnh vực sản xuất trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các DN SXKD thuần túy như các DN thương mại, xây dựng, dịch vụ… tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của DNQP, bảo đảm sự phát triển ổn định, lâu dài các DNQP đáp ứng yêu cầu phát triển CNQP của đất nước và phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tài liệu tham khảo:

1. “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, NXB Chính trị quốc gia sự thật Hà Nội – 2021, Tập I, Tập II;

2. Tạ Ngọc Tấn (2012), Đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội;

3. Đoàn Hùng Minh (2019), Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, hiện đại và tự lực, tự cường - định hướng quan trọng trong chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Tạp chí Quốc phòng toàn dân số 02 -2019.

(*) Đại tá, TS. Nguyễn Văn Long - Khoa Tài chính - Học viện Hậu cần.

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2021