Giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 – Tháng 12/2019

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra tác động đa chiều, vừa mang lại tiện ích cho người dân, vừa tạo đà tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ tài chính - ngân hàng.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu.

Nhưng trên thực tế, cho đến nay, đa phần người tiêu dùng vẫn chưa hiểu biết nhiều về phương thức thanh toán mới này và vẫn giữ thói quen chi tiêu bằng tiền mặt. Bài viết phân tích thực trạng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay và đưa ra giải pháp nhằm phát triển mạnh hình thức này trong thời gian tới.

Chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam được đưa ra từ năm 2006, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg ngày 29/12/2006 phê duyệt “Đề án TTKDTM giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020”. Theo đó, đặt mục tiêu đến cuối năm 2010 phát hành 15 triệu thẻ, 70% các trung tâm thương thẻ, đến năm 2020, con số này đạt lần lượt là 30 triệu thẻ và 95%. Tuy nhiên, Đề án này chỉ tập trung triển khai TTKDTM thông qua việc thúc đẩy phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, bởi vì, thời điểm này thẻ ngân hàng chủ yếu chỉ dùng để giao dịch rút tiền trên máy ATM, còn thanh toán trên máy POS là điều khá mới mẻ.

Từ năm 2008, thị trường lại xuất hiện hàng loạt công ty công nghệ tài chính (Fintech) tham gia TTKDTM dưới hình thức dịch vụ trung gian thanh toán, cụ thể là ví điện tử đã tạo ra một hướng mới cho lộ trình phát triển chung, nhưng đây chỉ là phương thức thanh toán tự phát và chưa được công nhận.

Đến năm 2012, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về TTKDTM của Chính phủ đã quy định cụ thể về điều kiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tuy nhiên hoạt động này phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và có vốn điều lệ tối thiểu 50 tỷ đồng. Sau thời điểm đó, ngày càng nhiều ví điện tử ra đời, song vẫn phải trải qua hoạt động thí điểm, đến cuối năm 2015, Ngân hàng Nhà Nước bắt đầu cấp giấy phép hoạt động chính thức đối với các công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ trung gian thanh toán.

Sau ví điện tử, các hình thức thanh toán khác đã nối tiếp xuất hiện, các ngân hàng và công ty công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam đưa vào ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị điện thoại di động, sử dụng mã QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS… theo xu hướng giao dịch thanh toán điện tử.

Sự phát triển mạnh mẽ của các hình thức thanh toán mới một lần nữa khiến những quy định trước đây để thúc đẩy TTKDTM trở nên lỗi thời, không đáp ứng được xu hướng mới.

Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, ngoài các mục tiêu như phát triển mạnh thanh toán thẻ, thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, còn có mục tiêu tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại. Quyết định này yêu cầu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về TTKDTM, thanh toán bằng tiền mặt, dịch vụ trung gian thanh toán… Tiếp đến, ngày 23/02/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (gọi chung là dịch vụ công).

Thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, việc Chính phủ số hóa, các doanh nghiệp số hóa và ngân hàng số hóa chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho người dân quen dần với việc TTKDTM. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến nay, số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet đạt hơn 200 triệu giao dịch, giá trị hơn 10 triệu tỷ đồng (tăng 51,8% so với cùng kỳ năm 2018). Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng; nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ.

Đồng thời, các ngân hàng cũng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ. Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực. TTKDTM mang lại nhiều thuận lợi cho người dân, bởi thay vì phải mang theo ví với nhiều tiền mặt tiềm ẩn rủi ro, người dân chỉ cần mang theo thẻ, thậm chí, chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể thanh toán. Chẳng hạn, gần đây, khá nhiều cửa hàng, siêu thị… ưu đãi lớn cho khách hàng sử dụng QR Code. Với dịch vụ này, khách hàng chỉ cần quét mã QR bằng camera trên điện thoại di động và nhập số tiền thanh toán là giao dịch được hoàn tất. Hệ thống sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng của khách hàng. 

Hiện nay, có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, với số lượng giao dịch lên đến vài trăm triệu tỷ đồng (chỉ tính riêng trong 9 tháng của năm 2019). Số liệu này cho thấy, TTKDTM đang phát triển mạnh mẽ và phổ biến ở nước ta.

Bên cạnh đó, có 26 tổ chức không phải là ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, tập trung những tính năng nạp tiền điện thoại, thanh toán qua mã QR, thanh toán hóa đơn dịch vụ cước điện thoại di động, hóa đơn điện nước, internet, các khoản vay tài chính, vay trả góp, vay tiêu dùng, mua vé máy bay, vé xem phim, vé xe, bảo hiểm…

Các công ty viễn thông nên đẩy mạnh triển khai và vận hành các dịch vụ tài chính số để cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại cũng phát triển thanh toán di động thông qua ứng dụng mobile banking.

Mặc dù, đạt được một số kết quả nhưng TTKDTM hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế sau:

Một là, việc thúc đẩy TTKDTM trong nền kinh tế còn gặp những trở ngại do thói quen, tâm lý của người dân, cơ sở hạ tầng và sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán còn nhiều hạn chế.

Hai là, hiện còn thiếu đồng bộ giữa các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Các ngân hàng và công ty Fintech chịu trách nhiệm lớn về việc cung cấp các phương tiện thanh toán cho người dân, nhưng các đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa mới là nơi để người dân thực hiện việc TTKDTM chưa nhiều. Tại nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa, người dân vẫn chưa thể áp dụng các phương tiện TTKDTM.

Ba là, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước có khoảng 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, 70% dân số tập trung tại các khu vực vùng sâu vùng xa, không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Trong khi các đơn vị chấp nhận TTKDTM chỉ tập trung ở các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…

Ngay ở TP. Hồ Chí Minh các điểm giao dịch thanh toán không tiền mặt ở các quận/huyện ngoại thành cũng rất thấp. Bên cạnh đó, thủ tục mở tài khoản, đổi pin, sử dụng thẻ chưa thuận tiện với nhiều người dân. Mặt khác, vẫn còn rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật thông tin khi thanh toán theo hình thức này.

Giải pháp thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Hiện nay, hoạt động TTKDTM vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, để đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới cần có những giải pháp sau:

Thứ nhất, Nhà nước cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế giám sát trong TTKDTM. Những nội dung cần hoàn thiện không chỉ là hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến các hoạt động thanh toán nói chung trong nền kinh tế, cả thanh toán bằng tiền mặt và TTKDTM, mà cần tạo lập một môi trường cạnh tranh công bằng, bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường và tiếp cận dịch vụ đối với các chủ thể có chức năng tương tự như nhau; hình thành cơ chế bảo vệ khách hàng hữu hiệu và bảo đảm quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả.

Đối với các chính sách vĩ mô, cần có sự hài hòa giữa các chính sách khuyến khích phát triển công nghệ tài chính và chính sách quản lý và giám sát các dịch vụ tài chính hiện đại. Theo đó, bên cạnh việc khuyến khích phát triển công nghệ tài chính, cần tăng cường quy định về bảo mật và minh bạch thông tin tại các định chế tài chính; phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động thanh toán, trên cơ sở đó, kiểm soát rủi ro pháp lý thích hợp và đảm bảo phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế được các định chế tài chính, tiền tệ quốc tế khuyến nghị hoặc được áp dụng chung ở nhiều quốc gia trên thế giới.

 Thứ hai, thay đổi thói quen và nhận thức của người dân trong việc nhìn nhận tiền mặt là một công cụ được ưa chuộng trong thanh toán và từ lâu đã trở thành thói quen khó thay đổi của người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp. Chính vì vậy, muốn phát triển hoạt động TTKDTM thì trước hết phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này. Việc tuyên truyền một cách cụ thể cho các hoạt động TTKDTM hiện nay sẽ giúp khách hàng hiểu hơn, nắm được ưu nhược điểm của từng phương thức thanh toán, từ đó tự quyết định chọn lựa hình thức thanh toán phù hợp nhất.

Thứ ba, có giải pháp cụ thể từ phía Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại. Theo đó, các ngân hàng cần tích hợp các loại thẻ với các thẻ thanh toán mà người dân đang sử dụng phổ biến để giảm thủ tục đăng ký mở thẻ và thẻ này có thể sử dụng trong nhiều hệ thống ngân hàng. Ngành Ngân hàng tiếp tục cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán, các sản phẩm dịch vụ thanh toán; đồng thời, tăng cường sự giám sát của cơ quan quản lý, sự phối hợp giữa ngân hàng với các đơn vị liên quan trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc hiện đại hoá công nghệ và các hệ thống thanh toán. Hiện đại hoá hệ thống thanh toán điện tử của ngân hàng sẽ giúp ngân hàng xây dựng được kết cấu hạ tầng hiện đại, để cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng, ngày càng thoả mãn tốt hơn các nhu cầu của khách hàng, giảm chi phí vận hành, tăng cường hiệu quả quản lý và tăng hiệu quả kinh doanh.

Thứ tư, có biện pháp trấn áp hiệu quả vấn đề liên quan đến gian lận trong hoạt động này. Gian lận phát sinh chủ yếu liên quan đến gian lận tài khoản thẻ và thẻ giả, tiếp sau là các loại hình khác như thẻ mất cắp, thất lạc… Trong đó, gian lận tài khoản thẻ thường xảy ra với các giao dịch không xuất trình thẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn so với gian lận thẻ giả.

Thứ năm, hiện nay, để Fintech cung cấp chính thống các dịch vụ thanh toán, trong đó có cả các dịch vụ công, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý để cho phép các công ty Fintech tham gia. Các ngân hàng cũng xác định phải hợp tác cùng công ty Fintech vì công ty Fintech có rất nhiều lợi thế. Điều này buộc ngân hàng phải thay đổi cách thức hoạt động cho phù hợp, đồng thời, các dịch vụ tiện ích cũng phải đa dạng và có sự phối hợp. Thời gian qua, các công ty Fintech cũng đã phối hợp với ngân hàng từ việc khách hàng buộc phải có tài khoản ngân hàng và tiền vào ví điện tử phải xuất phát từ tiền ngân hàng, tiền mặt ra vào ví điện tử cũng phải thông qua ngân hàng. Đây cũng là tiền đề để hợp tác giữa ngân hàng và Fintech được thuận lợi, đảm bảo cung cấp đa dạng các phương thức thanh toán cho khách hàng.         

Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2012), Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt;
2. Chính phủ (2006), Quyết định 291/2006/QĐ-TTg ngày 29/12/2006 phê duyệt “Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020”;
3. Nguyễn Thị Kim Nhung (2019), Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ công qua ngân hàng thương mại, http://tapchinganhang.gov.vn/phat-trien-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-cac-dich-vu-cong-qua-ngan-hang-thuong-mai.htm;
4. Giang Khôi (2019). Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, https://www.nhandan.com.vn/chungkhoan/tai-chinh/item/41289602-nhnn-day-manh-thanh-toan-khong-dung-tien-mat.html;
5. Arner, Douglas W. and Barberis, Janos Nathan and Buckley, Ross P., FinTech, RegTech and the Reconceptualization of Financial Regulation (October 1, 2016), Northwestern Journal of International Law & Business, Forthcoming; University of Hong Kong Faculty of Law Research Paper No. 2016/035, https://ssrn.com/abstract=2847806;
6. Greg Medcraf (2017), The Fourth Industrial Revolution: Impact on financial services and markets, A speech at ASIC Annual Forum 2017 (Hilton, Sydney).