Giải pháp thuế mới với hộ kinh doanh: Mũi tên nhiều đích

Theo Nhóm PV/chinhphu.vn

Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đang được Bộ Tài chính xây dựng, từ năm 2020, hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu và số lao động đáp ứng mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Hộ kinh doanh cũng thường áp dụng hình thức nộp thuế theo tỉ lệ trên doanh thu hoặc thu thuế khoán.
Hộ kinh doanh cũng thường áp dụng hình thức nộp thuế theo tỉ lệ trên doanh thu hoặc thu thuế khoán.

Trong quá trình đề xuất khung khổ pháp lý mới các hộ kinh doanh, một trong những vấn đề được quan tâm nhất là chính sách thuế với khu vực này.

Ngại lên doanh nghiệp để né thuế?

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam - hiện có 1,6 triệu hộ cá nhân kinh doanh cá thể mà cơ quan thuế đang quản lý, cấp mã số thuế và 3,4 triệu hộ không có đăng ký kinh doanh.

Hộ kinh doanh cũng thường áp dụng hình thức nộp thuế theo tỉ lệ trên doanh thu hoặc thu thuế khoán dẫn tới việc cơ quan quản lý chưa sát với doanh thu thực tế phát sinh của hộ kinh doanh cá thể nên có hiện tượng thất thu thuế, đồng thời gây tâm lý không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp vì sợ thuế cao. 

Do đó, bà Cúc đề xuất, có thể tạo ra khuôn khổ pháp lý riêng cho các cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh khi họ không có điều kiện chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, trong hơn 40% GDP mà khu vực kinh tế tư nhân đóng góp cho nền kinh tế thì chỉ có 8% là từ các doanh nghiệp chính danh, còn lại là từ 5,2 triệu hộ kinh doanh. Tuy nhiên, đóng góp của kinh tế hộ cho ngân sách nhà nước còn rất hạn chế, chỉ từ 2 đến 3% trên tổng số thuế thu được.

Theo ông Nghĩa, việc quản lý hộ kinh doanh theo hình thức khoán sẽ không mang lại hiệu quả, nảy sinh ra nhiều bất cập, phức tạp, trốn thuế… Thực tế, có những hộ kinh doanh thu nhập mỗi ngày lên tới hàng trăm triệu đồng, những hộ ít hơn mỗi tháng cũng có thể đạt được con số này nhưng mức thuế phải nộp hiện dao động từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/hộ. Hộ nào nhiều cũng chỉ khoảng 3 triệu đồng. Con số này quá ít so với thu nhập của những hộ kinh doanh lớn.

Theo quy định hiện nay, cơ quan thuế, muốn áp mức thuế cho hộ kinh doanh phải thông qua Hội đồng tư vấn thuế xã, phường. Hội đồng tư vấn thuế này gồm: Chủ tịch UBND xã, phường, trưởng công an, đại diện mặt trận, đại diện các hộ kinh doanh. Mức thuế cho các hộ kinh doanh cùng ngành nghề gần nhau phải được đăng tải để các hộ kinh doanh này tham gia góp ý kiến.

Nỗi vất vả của ngành thuế

Cho rằng vẫn đang tồn tại một số bất cập về chính sách thuế giữa hộ kinh doanh với doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức lấy ví dụ về lệ phí môn bài, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm được miễn lệ phí; chỉ nộp 300 nghìn - 1 triệu đồng tùy doanh thu, trong khi đó doanh nghiệp phải nộp 1 - 3 triệu đồng tùy theo vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư.

Thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh chỉ từ 1 - 2 - 5% doanh thu, trong khi doanh nghiệp siêu nhỏ chịu thuế suất 0 - 5 - 10% (có được khấu trừ thuế). Doanh nghiệp siêu nhỏ cũng phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp suất phổ thông 20% trong khi hộ kinh doanh chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân từ 0,5 - 2 - 5% doanh thu.

Mặt khác, hộ kinh doanh cũng không cần báo cáo tài chính, hóa đơn giá trị gia tăng như doanh nghiệp siêu nhỏ. Việc duy trì các quy định khác nhau như trên đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh với doanh nghiệp.

"Một doanh nghiệp có doanh thu chỉ vài chục triệu hay vài trăm triệu đồng/năm cũng phải thực hiện chế độ sổ sách hoá đơn chứng từ kế toán doanh nghiệp. Nhưng một hộ kinh doanh bán buôn, doanh thu có thể tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, lợi nhuận hàng chục tỷ đồng thì chỉ khoán thuế và chế độ kế toán chứng từ hoá đơn kiểu như muốn vẽ gì thì vẽ", ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Theo bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh (Bộ Tài chính), chia sẻ, hiện đang có một thực tế là hộ kinh doanh nếu thua lỗ thì phải tự giải thể, còn có lãi thì cơ quan thuế đến thu, hay những hỗ trợ về tài chính… đều chưa bao giờ được quan tâm.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), người đang tham gia soạn thảo khung khổ chính sách mới cho hộ kinh doanh: “Mô hình kinh doanh doanh nghiệp hay bất cứ loại hình nào cũng phải là công cụ rẻ nhất, phù hợp nhất và cần tạo ra những công cụ đó để các chủ thể kinh doanh có thể lựa chọn nhằm tạo ra lợi nhuận cho mình và đóng thuế cho nhà nước”.

Nói thêm về khái niệm hộ kinh doanh, bà Lan lý giải, ngành Thuế lâu nay rất vất vả khi phải giải thích khái niệm “hộ kinh doanh” trong các văn bản pháp luật về thuế. Với thông lệ quốc tế, ở nước ngoài chỉ có cá nhân kinh doanh mà không có hộ kinh doanh. Chính điều này đã  khiến cho các văn bản pháp luật về thuế phải “đeo” thêm từ “hộ, cá nhân kinh doanh”. Nếu bỏ từ “hộ” ra khỏi luật thuế thì sẽ bị “chất vấn” tại sao không có. Nhưng thực từ nhiều năm nay khi tiếp cận trong quản lý thuế thì vẫn “ngầm hiểu” là cá nhân kinh doanh.

“Chúng tôi tiếp cận với cá nhân, chủ thể chịu trách nhiệm toàn bộ về tài sản, nợ… Cho nên nếu có sửa Luật Doanh nghiệp thì cũng nên sửa hộ kinh doanh, vì tên này cũng khá cũ, từ “hộ” thường gắn với hộ gia đình. Tuy nhiên, đến thời điểm này cá nhân kinh doanh không chỉ gắn với quy mô gia đình mà còn liên quan đến thương mại điện tử”, bà Lan nói.

Vẫn theo bà Lan, các quy định của Luật Doanh nghiệp hiện nay đối với hộ kinh doanh có những điều khoản không có chế tài xử lý nhưng vẫn quy định trong luật, khiến ngành thuế phải “đuổi” theo. Đơn cử, hộ kinh doanh không được thành lập ở nhiều nơi, hộ kinh doanh không được phép nghỉ quá 12 tháng, hộ kinh doanh không được phép có trên 10 lao động…

Đưa ra quan điểm về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, bà Lan cho rằng, nên tôn trọng sự đa dạng trong các thành phần kinh tế và cũng theo thông lệ quốc tế. Do đó vẫn nên để cá nhân kinh doanh, về phía ngành thuế cũng đã có những sửa đổi từ năm 2015 đến nay theo định hướng phân loại hộ lớn hộ nhỏ, và cố gắng “hạ doanh nghiệp siêu nhỏ xuống, nâng hộ kinh doanh lớn lên”. Bên cạnh đó, rất khó để người dân bỏ được nỗi lo lên doanh nghiệp, vì thế tốt nhất vẫn để cá nhân kinh doanh.

Sẽ phân loại hộ kinh doanh và quản lý theo doanh thu

Trước thực tế trên, một giải pháp đang được xem xét là quản lý thuế theo quy mô doanh thu, chẳng hạn dưới 100 triệu, trên 100 triệu, trên 1 tỷ, trên 20 tỷ sẽ có các chế độ khác nhau, chứ không nên quản lý theo tư cách chủ thể (pháp nhân/hộ/cá nhân) như lâu nay.

Được biết, theo Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đang được Bộ Tài chính xây dựng, từ năm 2020, hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu và số lao động đáp ứng mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Xét theo quy định tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó là những hộ kinh doanh có từ 10 lao động và doanh thu từ 3 tỷ đồng/năm đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng; từ 10 tỷ đồng/năm với lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Theo số liệu quản lý thuế năm 2017 thì số hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên là 102.095 hộ, nhiều hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn thường xuyên có doanh thu lên đến vài trăm tỷ đồng/năm, nhiều hộ kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù không phù hợp với mô hình hộ khoán như: kinh doanh hóa chất; vật tư và thiết bị y tế; máy móc thiết bị xây dựng; vật liệu xây dựng có nguồn gốc tài nguyên khoáng sản...

"Hộ kinh doanh hiện nay ngoài việc kinh doanh theo hình thức truyền thống thì cũng đã có nhiều hộ kinh doanh áp dụng các hình thức kinh doanh hiện đại, như hợp tác kinh doanh với tổ chức như kinh doanh vận tải, kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, kinh doanh thương mại điện tử qua mạng xã hội và các sàn giao dịch điện tử... để mở rộng quy mô kinh doanh", Bộ Tài chính nhận định.

Đơn vị này cho rằng, mặc dù với sự phát triển và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước nhưng số thu từ thuế của hộ kinh doanh lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng thu ngân sách nhà nước. Theo số liệu năm 2017 là 1,56% trong tổng thu ngân sách nhà nước không kể dầu thô.

"Đây là lĩnh vực được đánh giá về thất thu về đối tượng nên rất cần phải có giải pháp để mở rộng cơ sở thuế từ đó tăng thu ngân sách nhà nước nhưng không tăng thuế làm ảnh hưởng đến những hộ kinh doanh đang quản lý", Bộ Tài chính lý giải.

Giải pháp này được coi là một mũi tên trúng nhiều đích, đó là vừa hạn chế việc thất thu thuế, vừa tránh thiếu công bằng với doanh nghiệp, vừa thúc đẩy quá trình chuyển đổi lên doanh nghiệp của hộ kinh doanh.