Giải pháp thuế và hải quan hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Hệ thống thuế và hải quan liên quan chặt chẽ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi lẽ, với người kinh doanh, thuế là một trong các khoản chi phí của doanh nghiệp và các thủ tục hành chính thuế và hải quan cũng là một trong những yếu tố quan trọng của môi trường đầu tư và kinh doanh. Bài viết này phân tích cơ sở lý luận về vai trò của thuế và hải quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; đánh giá thực trạng chính sách thuế và hải quan hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thời gian qua, trên cơ sở đó, khuyến nghị một số giải pháp thuế và hải quan hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thời gian tới.
Hoạt động thuế và hải quan trong hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Vai trò của thuế và hải quan trong hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thể hiện trên 5 phương diện chủ yếu sau:
Một là, tùy theo chính sách thuế của các quốc gia và hoạt động kinh doanh của mình, các doanh nghiệp có thể phải thực hiện các nghĩa vụ thuế khác nhau, đó có thể là các sắc thuế thuộc loại thuế gián thu hoặc thuế trực thu. Các khoản thuế trực thu là các yếu tố cấu thành chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Trên phương diện pháp lý, các khoản thuế gián thu là các yếu tố cấu thành nên giá bán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp mà doanh nghiệp là người nộp thuế và người tiêu dùng là người trả thuế
Xét trên phương diện kinh tế, tùy theo độ co giãn cung, cầu hàng hóa mà người tiêu dùng có thể phải chịu một phần thuế trực thu; người kinh doanh có thể phải chịu một phần thuế gián thu. Bất luận trên phương diện nào, thuế cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chính sách thuế hợp lý sẽ vừa đảm bảo nguồn thu cho các hoạt động của nhà nước, vừa thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong xã hội nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nói riêng.
Hai là, bên cạnh các nghĩa vụ thuế chung như các đối tượng kinh doanh khác theo quy định của pháp luật thuế, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu có một nghĩa vụ thuế riêng, đó là thuế xuất khẩu. Nhìn chung, các quốc gia trên thế giới đều đánh thuế xuất khẩu 0% hoặc áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu rất thấp đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu để tạo khuyến khích xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, qua đó, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước phát triển.
Chỉ có một số rất ít các hàng hóa không khuyến khích xuất khẩu vì lợi ích kinh tế - xã hội của quốc gia mới đánh thuế xuất khẩu cao. Thêm vào đó, một trong những mục tiêu của chính sách miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu của các quốc gia là tạo thuận lợi cho hoạt động ngoại thương - đây chính là môi trường hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu, chẳng hạn như chính sách miễn thuế xuất khẩu, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức tạm nhập, tái xuất.
Ba là, các thủ tục hành chính thuế có tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế… Các thủ tục này, một mặt liên quan đến các chi phí về thời gian và vật chất của doanh nghiệp, mặt khác, liên quan đến việc nhận lại tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa xuất khẩu.
Đây chính là khoản tiền vốn mà doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu đã ứng ra trả trong giá mua của hàng hóa xuất khẩu và thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT (Tất cả các quốc gia trên thế giới đều quy định hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu để thực hiện nguyên tắc đánh thuế theo điểm đến). Điều này có nghĩa là, các nếu thủ tục hành chính về kê khai thuế, nộp thuế đơn giản và minh bạch sẽ giúp giảm chi phí về thời gian và tài chính để tuân thủ của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu và ngược lại.
Đặc biệt, các quy định pháp luật cũng như tổ chức thực hiện các thủ tục hoàn thuế GTGT cho hàng hóa xuất khẩu liên quan chặt chẽ đến nguồn vốn kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu. Một trong những bài toán quan trọng mà mọi quốc gia phải giải quyết về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu là: Một mặt, phải giải quyết nhanh chóng hồ sơ hoàn thuế GTGT để tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, mặt khác, phải quản lý chặt chẽ để ngăn ngừa gian lận hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu.
Bốn là, riêng đối với doanh nghiệp xuất khẩu, thủ tục hải quan là một yếu tố rất quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Tương tự như thủ tục hành chính thuế, thủ tục hải quan có tác động trực tiếp đến chi phí về thời gian và tài chính của doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu có tác động rất quan trọng đến việc các doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết với đối tác nhập khẩu về thời gian giao hàng, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp và tránh thiệt hại vật chất vì vi phạm hợp đồng.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu có thể là bên nhận ủy thác xuất khẩu cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Trong trường hợp này, thời gian thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu có ý nghĩa vô cùng quan trọng đảm bảo thị trường tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Với đặc thù của lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu, chính phủ các quốc gia phải kiểm soát chặt chẽ hàng hóa và phương tiện xuất nhập cảnh để đảm bảo an ninh kinh tế, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Bởi vậy, các thủ tục hải quan phải vừa tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa với thế giới, vừa phải đảm bảo đạt được mục tiêu quản lý nhà nước về kinh tế nói trên.
Năm là, công tác quản lý công chức thuế và hải quan trong việc thực thi nhiệm vụ để đảm bảo đúng quy định pháp luật và chống tiêu cực, tham nhũng cũng có tác động vô cùng quan trọng đến môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nói riêng. Bộ máy thuế và hải quan liêm chính sẽ giảm thiểu chi phí ngầm mà các doanh nghiệp phải chi trả trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Thực trạng chính sách thuế và hải quan hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, bên cạnh việc thực thi các quy định pháp luật riêng đối với lĩnh vực xuất khẩu, thì phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về thuế đối với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế. Thực trạng chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam thời gian qua xét theo cả bình diện chung và riêng có các nội dung chủ yếu sau:
Chính sách thuế chung đối với doanh nghiệp
Thứ nhất, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cũng áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phổ thông như phần lớn các doanh nghiệp khác, trừ trường hợp được áp dụng ưu đãi về thuế suất. Xét về thuế suất thuế TNDN, trong 20 năm qua, thuế suất phổ thông của Việt Nam đã được điều chỉnh giảm nhiều lần.
Cụ thể là: Thống nhất mức thuế suất phổ thông là 28% thay cho hai mức thuế suất trước đó là 25% áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 32% áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước (Áp dụng từ ngày 1/1/2004); giảm xuống 25% (Áp dụng từ ngày 1/1/2009); giảm xuống 22% (Áp dụng từ ngày 1/1/2014) và giảm tiếp xuống 20% (Áp dụng từ ngày 1/1/2016). Năm 2004, thuế suất của Việt Nam cao hơn trung bình châu Á (30,19%); năm 2009 thấp hơn trung bình châu Á (25,37%); năm 2014 bằng trung bình châu Á (22%) và năm 2019 thấp hơn trung bình châu Á (21,09%). So sánh thuế suất hiện hành với các nước trong khu vực thì thuế suất thuế TNDN của Việt Nam cao hơn Singapore (17%), Hongkong (16,5%); bằng với Thái Lan; thấp hơn Philippines (30%), Indonesia (25%), Myamar (25%), Trung Quốc (25%), Malaysia (24%). So sánh thêm thuế suất thuế TNDN hiện hành với các nước đầu tư nhiều vào Việt Nam cho thấy: Thuế suất của Việt Nam thấp hơn thuế suất của Nhật Bản (30,62%), Hàn Quốc (25%), Trung Quốc (25%); cao hơn Hongkong (16,5%), Singapore (17%). Như vậy, so với các nước trên thế giới và khu vực, nghĩa vụ thuế TNDN của doanh nghiệp Việt Nam ở mức trung bình thấp. Đây là yếu tố tốt hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung phát triển sản xuất, kinh doanh trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu.
Thứ hai, với tư cách là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam tuân thủ đầy đủ nguyên tắc đối xử quốc gia. Do vậy, các ưu đãi thuế có tính chất trợ cấp xuất khẩu đều đã được bãi bỏ khi Việt Nam tham gia tổ chức này. Doanh nghiệp xuất khẩu được áp dụng các chính sách ưu đãi thuế giống như các doanh nghiệp khác: Ưu đãi về thuế suất; miễn thuế và giảm thuế có thời hạn; trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; kết chuyển lỗ… Các ưu đãi thuế này tạo điều kiện hỗ trợ về tài chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu phát triển và một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế…
Chính sách thuế đặc thù đối với doanh nghiệp xuất khẩu
Thứ nhất, về thuế suất thuế xuất khẩu: Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều chịu thuế xuất khẩu ở mức 0% hoặc thuế suất rất thấp nhằm khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.
Các mức thuế suất thuế xuất khẩu hiện hành trong biểu thuế xuất khẩu của Việt Nam thể hiện nguyên tắc xây dựng biểu thuế xuất khẩu là: (1) Thuế suất thuế xuất khẩu tăng dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô để khuyến khích chế biến sâu tài nguyên và nguyên liệu trước khi xuất khẩu; (2) Thực hiện các cam kết quốc tế về thuế xuất khẩu, theo đó, thuế suất thuế xuất khẩu có phân biệt theo khu vực thị trường xuất khẩu mà Việt Nam có cam kết; (3) Chú trọng phát triển công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Biểu thuế xuất khẩu hiện hành quy định tại Nghị định số 26/2023/NĐ-CP thể hiện rất rõ các quan điểm trên. Theo đó, nhóm thuế suất thuế xuất khẩu từ 10% đến 40% áp dụng đối với các sản phẩm khai khoáng (Thạch anh, đất sét, bột hóa thạch silic: 10%; đá phấn, đá phiến: 17%; Đá hoa trắng, đá vôi trắng dạng khối, cát thạch anh: 30%; Quặng Apatit tự nhiên, quặng mangan: 40%...). Các sản phẩm của rừng tự nhiên và rừng trồng: Gỗ: Từ 5% đến 25%; trầm hương, kỳ nam: 20%. Phế liệu kim loại từ 15% đến 22%. Các sản phẩm được chế biến từ khoáng sản đã khá sâu, chẳng hạn như phân lân: 5%. Sản phẩm của công nghiệp luyện kim: Từ 5% đến 20%.
Thứ hai, về chính sách thuế đặc thù đối với doanh nghiệp chế xuất: Tương tự như mô hình doanh nghiệp chế xuất của nhiều nước trên thế giới, các doanh nghiệp ở khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chế xuất Việt Nam không chịu thuế nhập khẩu khi nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào chỉ sử dụng cho hoạt động kinh doanh của khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chế xuất; không chịu thuế xuất khẩu khi xuất khẩu thành phẩm ra nước ngoài. Khi doanh nghiệp bán hàng hàng hóa vào thị trường nội địa nếu các hàng hóa này được sản xuất không bằng nguyên liệu nhập khẩu thì thuộc diện được miễn thuế nhập khẩu. Với chính sách này, các doanh nghiệp chế xuất có lợi thế đặc biệt về chi phí và thủ tục hải quan khi sản xuất và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Thứ ba, về chính sách miễn, giảm thuế xuất khẩu: Bên cạnh chính sách miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực quan trọng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước, Việt Nam còn miễn thuế để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó, đáng chú ý là miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu gia công xuất khẩu, miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm gia công xuất khẩu, miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức tạm nhập, tái xuất.
Thứ tư, về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu: Quy định hoàn thuế GTGT cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu gắn với sự ra đời và áp dụng thuế GTGT ở Việt Nam và đây cũng là thông lệ quốc tế về thực hiện nguyên tắc đánh thuế theo điểm đến khi đánh thuế GTGT. Việc thực hiện các thủ tục hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp xuất khẩu có ý nghĩa rất quan trọng đảm bảo phần vốn đã ứng ra của doanh nghiệp xuất khẩu được hoàn trả kịp thời, đảm bảo nguồn vốn kinh doanh cho doanh nghiệp.
Tuy vậy, khi giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT còn phải đảm bảo ngăn ngừa gian lận hoàn thuế GTGT, chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước. Để đáp ứng yêu cầu này, từ nhiều năm nay, cơ quan thuế đã ứng dụng kỹ thuật quản lý rủi ro vào quản lý hoàn thuế. Đối tượng hoàn thuế GTGT được phân thành 2 nhóm hoàn thuế trước, kiểm tra sau và kiểm tra trước hoàn thuế sau gắn với mức độ rủi ro và ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, cơ quan thuế đã triển khai áp dụng hoàn thuế điện tử để tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng, thuận tiện hồ sơ hoàn thuế cho người nộp thuế.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 99,5% hồ sơ hoàn thuế thực hiện bằng phương thức điện tử. Số thuế GTGT đã hoàn trong 5 năm gần đây khoảng từ 112.000 tỷ đồng đến 150.000 tỷ đồng, trong đó, khoảng 75% đến 80% là số tiền hoàn thuế GTGT cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023 đã thực hiện hoàn thuế GTGT với số tiền 61.093 tỷ đồng, trong đó, hoàn cho hàng hóa xuất khẩu là 49.135 tỷ đồng. Tuyệt đại bộ phận hồ sơ hoàn thuế đã được giải quyết hoàn thuế kịp thời đúng hạn theo quy định của pháp luật.
Tuy vậy, vẫn có một tỷ lệ nhỏ hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu chưa được giải quyết kịp thời do những nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan và khách quan. Trong đó, đặc biệt nổi cộm là các hành vi gian lận về hoàn thuế ngày càng tinh vi, không chỉ là mua bán hóa đơn đơn thuần mà gian lận có hệ thống với việc thành lập một hệ sinh thái các doanh nghiệp để mua bán lòng vòng để tạo khống thuế GTGT đầu vào.
Việc triển khai mở rộng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế, song cũng là cơ hội thuận lợi để tội phạm về hóa đơn gian lận với tốc độ nhanh, khó kiểm soát kịp thời. Điều này buộc cơ quan thuế các cấp phải thận trọng hơn trong giải quyết hoàn thuế và mất nhiều thời gian hơn để thẩm tra, xác minh hồ sơ hoàn thuế.
Thủ tục hành chính thuế
Trong những năm qua, công cuộc cải cách thủ tục hành chính thuế đã tập trung và đạt được nhiều kết quả quan trọng thể hiện trên các phương diện chủ yếu là: Cắt giảm thủ tục hành chính thuế; đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế; công khai và minh bạch hóa các thủ tục hành chính thuế; điện tử hóa và ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người nộp thuế trong thực hiện các thủ tục thuế; tổ chức tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuế theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông. Trung bình mỗi năm cơ quan thuế đã cắt giảm khoảng 10% đến 20% thủ tục hành chính thuế.
Trong năm 2022 đã cắt giảm từ 304 thủ tục hành chính thuế xuống còn 278 thủ tục. Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã cắt giảm tiếp 2 thủ tục hành chính thuế. Các thủ tục hành chính thuế cũng được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia. Hàng năm, cơ quan thuế đều hoàn thành vượt mức kế hoạch kết nối dữ liệu lên cổng dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, trong năm gần đây, cơ quan thuế đã triển khai mở rộng hoạt động kê khai thuế và nộp thuế điện tử.
Tính đến hết tháng 6/2023, đã có 100% cơ quan thuế các địa phương thực hiện thủ tục kê khai, nộp thuế điện tử với 99,8% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử và 98,9% doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử. Như vậy, có thể thấy với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại đã giúp giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuế, giảm chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng.
Thủ tục hải quan
Trong những năm gần đây, cơ quan hải quan các cấp đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo các định hướng và nội dung sau đây: Cắt giảm các hồ sơ, thủ tục không thực sự cần thiết; phát triển và nâng cấp thủ tục hải quan điện tử hướng đến mô hình hải quan số; thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế hải quan một cửa ASEAN; ứng dụng quản lý rủi ro vào xử lý thủ tục hành chính về hải quan.
Tính đến nay, 100% các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc với 100% Cục Hải quan và 100% Chi cục Hải quan thông qua hệ thống VNACSS/VCIS. Tổng cục Hải quan đã triển khai cổng thanh toán điện tử tại tất cả các cục hải quan; triển khai hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin khai hàng hóa điện tử (e-Manifest) tại các cảng biển...
Tính đến cuối năm 2022, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 215/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (xấp xỉ 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện). Với việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính về hải quan được thực hiện mạnh mẽ theo hướng quản lý rủi ro, ứng dụng công nghệ hiện đại và cắt giảm thủ tục hành chính, việc giải quyết thủ tục hiệu quả đã tạo điều kiện thuận lợi để rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Một số giải pháp thuế và hải quan hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Những phân tích trên cho thấy, bên cạnh những ưu điểm và tác động rất tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần khắc phục để hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong giai đoạn chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường thế giới hậu COVID-19 và các bất ổn về kinh tế - chính trị thế giới. Trong đó, cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:
Một là, phát triển phương thức nộp thuế điện tử ở mức độ thuận tiện cao nhất, đảm bảo ngay sau khi người nộp thuế hoàn thành việc nộp thuế thì hệ thống của Kho bạc nhà nước, cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan như cơ quan công an, địa chính… phải đồng thời ghi nhận theo khoảng thời gian thực của hoạt động nộp thuế. Điều này đảm bảo mọi thủ tục hành chính thuế và các thủ tục khác được nhanh chóng, thuận tiện nhất cho người nộp thuế nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng.
Hai là, tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính thuế và hải quan. Mặc dù việc cắt giảm các thủ tục hành chính thuế và hải quan trong thời gian qua đã được thực hiện rất mạnh mẽ, song so với đòi hỏi cũng như điều kiện thực tiễn vẫn cần tiếp tục và có thể tiếp tục cắt giảm thêm các thủ tục hành chính thuế và hải quan để giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng. Chẳng hạn như, việc phân bổ các khoản thuế cho địa phương nên thực hiện bởi cơ quan nhà nước thay vì yêu cầu doanh nghiệp kê khai, phân bổ cho địa phương (Vấn đề này cần được xử lý có hệ thống và đúng trình tự pháp luật, cần đề xuất để sửa Luật Quản lý thuế và Luật Ngân sách); các hồ sơ để hoàn thuế (thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân…) có thể cắt giảm phần chứng từ nộp thuế hoặc chứng khấu trừ vì hệ thống điện tử của cơ quan nhà nước đã ghi nhận…
Ba là, trước mắt cần nhanh chóng tìm giải pháp để xử lý dứt điểm những vướng mắc trong giải quyết hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu. Đối với một số ít các hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu thuộc lĩnh vực có rủi ro cao hiện đang chậm giải quyết hoàn thuế, cần nhanh chóng tìm các giải pháp nghiệp vụ và kỹ thuật để xử lý kịp thời hồ sơ hoàn thuế để một mặt vừa tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, vừa phòng chống gian lận hoàn thuế. Theo đó, có thể cân nhắc thực hiện các giải pháp sau: (1) Tổ chức hội nghị liên ngành giữa cơ quan thuế và các cơ quan (Kế hoạch và Đầu tư, Hải quan, Công an…) có liên quan để tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục phối hợp trong kiểm tra, xác minh các nội dung liên quan đến giải quyết hồ sơ hoàn thuế; (2) Tổ chức đối thoại giữa cơ quan thuế với các hiệp hội ngành nghề để trao đổi, giải đáp vướng mắc và tìm biện pháp tháo gỡ các khó khăn chung của một số lĩnh vực đặc thù khi đề nghị hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu; (3) Trên cơ sở kết quả kiểm tra, khoanh vùng phần thuế GTGT đầu vào đã đáp ứng điều kiện hồ sơ hoàn thuế GTGT và phần thuế GTGT chưa đầy đủ căn cứ kết luận có đáp ứng điều kiện hoàn thuế không và cho phép doanh nghiệp điều chỉnh hồ sơ hoàn thuế để giải quyết hoàn thuế cho phần thuế GTGT đầu vào đã đáp ứng điều kiện hồ sơ hoàn thuế GTGT; (4) Sớm có giải pháp kỹ thuật để kiểm soát tự động các hành vi gian lận về hóa đơn điện tử, đặc biệt là hành vi bán khống hàng hóa lẫn nhau của hệ sinh thái các doanh nghiệp thành lập nhằm gian lận thuế, bởi lẽ, với số lượng rất lớn các doanh nghiệp và các giao dịch sử dụng hóa đơn điện tử, việc tra soát trực tiếp bởi công chức thuế thì không kịp thời và triệt để.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa quản lý hải quan và cải tiến quy trình ứng dụng quản lý rủi ro để vừa tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa, vừa chống buôn lậu và gian lận thương mại hiệu quả. Theo đó, cần điều chỉnh các tiêu chí phân loại rủi ro đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu để kiểm soát có hiệu quả hành vi gian lận của các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm gian lận hoàn thuế GTGT. Cơ quan hải quan cần trao đổi với cơ quan thuế để xác định các lĩnh vực kinh doanh có rủi ro cao về gian lận thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu để điều chỉnh phân luồng hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo những hàng hóa của doanh nghiệp xuất khẩu có rủi ro cao được phân vào luồng đỏ.
Năm là, tăng cường công tác quản lý cán bộ công chức thuế và hải quan, chống tiêu cực, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Công tác cán bộ luôn là yếu tố quyết định mọi thành bại của mọi hệ thống quản lý mà lĩnh vực thuế và hải quan không phải là một ngoại lệ. Để làm tốt công tác này, có nhiều việc phải làm, trong đó, trọng tâm là phải tăng cường công tác kiểm tra nội bộ ngành để phát hiện và chấn chỉnh sớm các sai sót vi phạm, tránh dẫn đến những sai phạm lớn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của công chức thuế, công chức hải quan.
Tài liệu tham khảo:
- Tổng cục Thuế (2023), Báo cáo tổng kết công tác thuế năm 2022;
- Tổng cục Thuế (2023), Báo cáo sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm 2023;
- Lê Xuân Trường, Phan Lê Nga (2020), “Xu hướng cạnh tranh thuế trên thế giới và hàm ý chính sách cho Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế Tài chính Việt Nam, số 4 (31) tháng 8/2020;
- Hà Anh (2022), “Tổng cục Hải quan: Đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến trong cải cách hành chính”, https://tapchitaichinh.vn/Chuyen-dong-tai-chinh/day-nhanh-hoan-thien-co-che-chinh-sach-tao-chuyen-bien-trong-cai-cach-hanh-chinh-349438.html;