Giải pháp trong chặng về đích
(Tài chính) Để hoàn thành mức thu ngân sách vượt từ 8-10% dự toán pháp lệnh, nhiệm vụ đặt ra trong 2 tháng cuối năm 2014 đối với toàn ngành Thuế là rất nặng nề. Ngành Thuế đang triển khai quuyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ trong “chặng nước rút” để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Theo Tổng cục Thuế, tổng thu nội địa lũy kế 10 tháng đầu năm 2014 ước đạt 484.890 tỷ đồng, bằng 90% so với dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, thu từ khu vực kinh tế nhà nước đạt 87% dự toán, tăng 27,7%; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài nhà nước đạt 88,5% dự toán, tăng 6,8%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 94% dự toán, tăng 14,7%. Hầu hết các khoản thu, sắc thuế đều đạt khá so với dự toán và cùng kỳ; toàn Ngành đã có 49/63 địa phương đạt tiến độ dự toán.
Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của toàn thể cán bộ ngành Thuế thực hiện thu ngân sách trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc miễn, giảm, giãn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu phấn đấu thì kết quả trên chưa đảm bảo tiến độ thực hiện.
Bên cạnh tình hình sản xuất kinh doanh phục hồi chậm, vẫn còn không ít DN lợi dụng sự thông thoáng của chính sách quản lý thuế để trục lợi, chiếm dụng tiền thuế nhà nước. Một số cơ số cơ quan thuế chưa triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, dẫn đến số nợ thuế cao; một số địa phương kết quả thu còn đạt thấp so với dự toán pháp lệnh… Nếu không quyết liệt trong 2 tháng cuối năm thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thêm nhiều giải pháp
Với mục tiêu thu ngân sách vượt từ 8-10% dự toán pháp lệnh, yêu cầu đặt ra đối với ngành Thuế trong 2 tháng cuối năm là rất nặng nề. Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, ngay từ thời điểm này, ngành Thuế cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tăng thu ngân sách, trong đó chú trọng việc tổ chức theo dõi, bám sát tình hình, nắm chắc đối tượng, địa bàn; thường xuyên kiểm tra, rà soát số lượng DN đăng ký kinh doanh; tăng cường đôn đốc xử lý thu hồi nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT; tăng cường chống chuyển giá, hạn chế nợ đọng thuế, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, kê khai không trung thực về các phải nộp NSNN.
Nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, Tổng cục Thuế vừa ban hành văn bản yêu cầu các Cục thuế triển khai đồng bộ, quyết liệt trong công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu và giảm số thuế nợ đọng... trong 2 tháng cuối năm.
Theo đó, nhiều giải pháp đã được Tổng cục Thuế đưa ra như: tăng cường giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; Rà soát, nắm chắc nguồn thu và số lượng người nộp thuế trên địa bàn. Phân tích, đánh giá cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo địa bàn, lĩnh vực thu để có giải pháp thích hợp.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo các đơn vị trong Ngành cần tích cực tham mưu, đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; tiếp tục duy trì Ban chỉ đạo chống thất thu và thu nộp NSNN để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc đôn đốc thu thuế, chống thất thu, thu hồi nợ đọng, khai thác tăng thu... để bù đắp hụt thu ngân sách.
Thực hiện tốt công tác quản lý kê khai thuế thông qua việc phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đối chiếu để xác định chính xác số đơn vị đang hoạt động, ngừng, nghỉ kinh doanh, bỏ trốn, mất tích, đảm bảo 100% số lượng người nộp thuế hoạt động phải kê khai thuế.
Mặt khác, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, chỉ tiêu thu nợ thuế, phấn đấu đến 31/12/2014 tổng số tiền nợ không quá 5% tổng thu ngân sách năm 2014.
Đối với các địa phương đã hoàn thành hoặc có khả năng hoàn thành sớm dự toán pháp lệnh thì phải tiếp tục đôn đốc thu nộp kịp thời các khoản thuế, phí phát sinh vào ngân sách để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phấn đấu thu năm đã được giao.