Giải pháp ứng dụng kế toán quản trị chi phí môi trường tại các doanh nghiệp

TS. Đặng Thị Hồng Hà -Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội/tapchicongthuong.vn

Trước tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang diễn ra ở Việt Nam, nhu cầu ứng dụng kế toán quản trị chi phí môi trường rất cần thiết để góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam hiện nay đều không ứng dụng kế toán quản trị chi phí môi trường, thậm chí khái niệm này vẫn còn xa lạ với các DN. Bài viết đưa ra khái niệm, nội dung thực hiện và giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng về quản trị chi phí môi trường tại DN.

1. Khái niệm kế toán quản trị chi phí môi trường

Kế toán quản trị chi phí môi trường nhằm cung cấp thông tin về chi phí môi trường phục vụ cho việc ra quyết định của nhà quản trị góp phần nâng cao hiệu quả tài chính và môi trường trong DN.

Công tác kế toán quản trị chi phí môi trường được hiểu cụ thể là: tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm,… Dưới góc độ quản lí môi trường là: chi phí để xử lí, ngăn ngừa, tiêu hủy, lập kế hoạch, kiểm soát, thay đổi, hành động và khắc phục những thiệt hại,… Như vậy, kế toán quản trị chi phí môi trường là bước phát triển của kế toán quản trị chi phí truyền thống cho mục tiêu môi trường của DN, nên nội dung của kế toán quản trị chi phí môi trường sẽ kế thừa các nội dung của kế toán quản trị chi phí truyền thống cho mục tiêu môi trường của DN, nên nội dung của kế toán quản trị chi phí môi trường sẽ kế thừa các nội dung của kế toán quản trị chi phí truyền thống.

Kế toán quản trị chi phí môi trường mang lại nhiều lợi ích cho các DN, cụ thể như sau:

Một là, giúp DN nâng cao uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Kế toán quản trị môi trường sẽ giúp cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và toàn diện hơn để đo lường quá trình thực hiện, từ đó cải thiện hình ảnh của DN với các bên liên quan, giúp DN cải thiện quan hệ với chủ nợ, ngân hàng, cổ đông, khách hàng.

Hai là, giúp DN nhận dạng đầy đủ, xác định chính xác và phân bổ đúng đắn các khoản chi phí môi trường, giúp cho việc định giá sản phẩm và xác định kết quả kinh doanh chính xác. Căn cứ vào đó, DN có thể đưa ra những quyết định phù hợp về chiến lược sản phẩm cũng như đầu tư thiết bị và công nghệ.

Ba là, giúp nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định quan trọng như giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất tốt hơn, sạch hơn, đem lại những sản phẩm có chất lượng, dẫn đến làm giảm giá thành. Điều này sẽ giúp DN có lợi thế cạnh tranh về giá bán và lợi nhuận cao hơn, giảm được các vấn đề về mặt pháp lý.

Bốn là, giúp giảm giá thành sản xuất. Nếu thực hiện tốt kế toán quản trị môi trường, DN sẽ hạn chế được yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, nhân công bị tiêu hao trong quá trình tạo ra ô nhiễm, làm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, tăng lợi thế cạnh tranh do giảm được giá thành sản phẩm.

Năm là, giúp cải tiến hệ thống hạch toán hiện có nhờ vào việc tổ chức hệ thống thông tin kế toán khoa học và gắn kết được các luồng thông tin từ các bộ phận của DN.

Sáu là, giúp kiểm soát chi phí hoạt động và cải thiện môi trường nhờ vào việc kiểm soát chất thải gắn với nguồn phát sinh.

2. Nội dung của kế toán quản trị chi phí môi trường

Kế toán quản trị chi phí môi trường sẽ phải xử lý, tính toán các thông tin liên quan đến chi phí nguyên vật liệu, năng lượng đã tiêu thụ, sự luân chuyển vật tư và khối lượng vật chất đã loại bỏ hoặc thải ra. Ngoài ra, họ sẽ phải tính toán chi phí tiền tệ và những hoạt động về doanh thu và những lợi nhuận liên quan, ảnh hưởng đến môi trường. Cụ thể như sau:

- Nhận biết và phân loại các loại chi phí liên quan đến môi trường

Bước đầu tiên trong quá trình quản lý các hoạt động kế toán của của nhân viên kế toán là nhận biết và phân loại các chi phí. Tại bước này, nhân viên kế toán sẽ quản lý và kiểm soát các loại chi phí và đưa ra các quyết định trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Căn cứ để phân loại các chi phí là sự vận động của dòng vật liệu trong DN để nhận dạng chi phí môi trường.

Theo đó, chi phí môi trường bao gồm: (1) Chi phí bảo vệ môi trường: Chi phí xử lý chất thải, chi phí quản lý môi trường và chi phí ngăn chặn ô nhiễm môi trường; (2) Chi phí chất thải gồm chi phí vật liệu, chi phí vốn và lao động của chất thải (đầu ra phi sản phẩm). Các chi phí chất thải được nhận dạng là chi phí môi trường, vì nó chính là nguyên nhân gây lãng phí nguồn lực tự nhiên và làm tăng chất thải cũng như chi phí xử lý chất thải. Sau đó, chất thải chính là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, là nguồn gốc của các khoản thiệt hại môi trường mà DN phải gánh chịu trong tương lai từ các khoản phạt. Hầu hết chi phí môi trường tại Việt Nam không được theo dõi riêng. Từng hoạt động tạo ra chi phí sẽ được tập trung và các tài khoản chung. Những chi phí này đều được phân chia theo cách truyền thống.

- Xây dựng các phương án định mức và dự toán chi phí môi trường

Để kiểm soát chi phí môi trường trong DN, người kế toán phải lập kế hoạch để kiểm soát được chi phí môi trường. Trong đó, các việc cần làm là xây dựng phương án định mức và lập những dự toán về chi phí môi trường của DN. Xây dựng định mức là một công cụ hiệu quả để quản lý chi phí dựa trên cơ sở loại bỏ sự bất hợp lý và kém hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh bằng việc thực hiện các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, công cụ này chỉ được triển khai trong điều kiện các DN có qui mô lớn, nguồn lực dồi dào, đã đạt được các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật và khá ổn định về công nghệ. Chi phí môi trường trong DN gồm nhiều loại, trong đó có những chi phí rất khó đo lường. Vì vậy, định mức chi phí hiện hành thường chỉ xây dựng được cho chi phí xử lý chất thải. Đây là công việc cần sự phối hợp của nhiều bộ phận trong DN. Khuyến khích các hoạt động liên quan đến môi trường để thực hiện có hiệu quả các công việc đề ra.

Chi phí môi trường là một bộ phận của chi phí sản xuất kinh doanh nên quá trình lập dự toán chi phí môi trường cũng tuân thủ theo các nguyên tắc, trình tự và phương pháp lập dự toán chi phí của kế toán quản trị chi phí truyền thống. Bộ phận lập dự toán chi phí môi trường là bộ phận kế toán quản trị chi phí của DN. Căn cứ lập dự toán chi phí môi trường là kế hoạch hoạt động môi trường của DN và định mức chi phí môi trường. Phần lập dự toán sẽ bao gồm: Dự toán chi phí xử lý chất thải, Dự toán chi phí ngăn ngừa và quản lý ô nhiễm môi trường, Dự toán chi phí chất thải.

- Xác định mức chi phí môi trường

Kế toán sẽ tập hợp các loại chi phí môi trường. Sau khi tập hợp các thông tin về chi phí sẽ phân bổ gián tiếp sao cho phù hợp với các đối tượng chịu các chi phí. Chi phí môi trường trong DN sẽ gồm rất nhiều loại và khó có thể đo lường. Vì thế, định mức chi phí hiện hành thông thường sẽ chỉ xây dựng trên chi phí xử lý chất thải. Định mức chi phí xử lý chất thải sẽ căn cứ vào kinh nghiệm để xác định. Nó cần xác định riêng cho chi phí nguyên vật liệu, nhân công, sản xuất, định mức lượng, giá và các mức chi phí. Việc xác định chi phí môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc xác định những hiệu quả của hoạt động môi trường, từ đó kiểm soát tốt hoạt động chi phí môi trường của DN.

- Phân tích, cung cấp thông tin về chi phí môi trường

Các thông tin về chi phí môi trường đều phải được phân tích và cung cấp cho cho cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, DN sẽ phải chi trả chi phí môi trường khi thực hiện các hoạt động kinh doanh, sản xuất hàng hóa, dịch vụ khách hàng,…

Để trợ giúp cho quá trình ra quyết định kinh doanh ngắn hạn của nhà quản trị như quyết định giá bán sản phẩm, quyết định thay thế nguyên vật liệu sử dụng cho sản xuất,... các kỹ thuật phân tích được sử dụng trong kế toán quản trị chi phí môi trường bao gồm kỹ thuật phân bổ chi phí, kỹ thuật phân tích chi phí theo dòng vật liệu,… Các kỹ thuật phân tích này được kế toán thực hiện theo định kỳ (tháng, quý). Còn đối với dự án đầu tư dài hạn cho môi trường, kỹ thuật được sử dụng trong kế toán quản trị chi phí môi trường là đánh giá tổng chi phí môi trường. Kỹ thuật này được sử dụng phối hợp với các phương pháp đánh giá dòng tiền như hiện giá thuần, kỳ hoàn vốn hay tỷ suất thu hồi nội bộ. Kỹ thuật phân tích này được kế toán thực hiện không thường xuyên mỗi khi phối hợp với bộ phận dự án lập và phân tích chỉ số tài chính cho dự án đầu tư.

Để cung cấp thông tin chi phí môi trường cho các đối tượng sử dụng khác nhau trong và ngoài DN, kế toán quản trị chi phí môi trường cần cung cấp báo cáo cho các đối tượng: báo cáo chi phí môi trường, giúp cho các đối tượng bên ngoài DN và các báo cáo chi phí môi trường sử dụng trong nội bộ DN.

3. Giải pháp ứng dụng kế toán quản trị chi phí môi trường tại các DN

Thứ nhất, về phía Chính phủ, cần hoàn chỉnh và đồng bộ hệ thống pháp luật về môi trường và kế toán. Các cơ quan chính phủ có liên quan, các tổ chức bảo vệ môi trường, các hiệp hội nghề nghiệp phải có sự phối hợp chặt chẽ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành những chuẩn mực về kế toán môi trường, quy định những thông tin môi trường trình bày trong báo cáo cung cấp cho bên ngoài DN, nhằm đảm bảo sự thống nhất quản lý về môi trường.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm hơn đến áp dụng kế toán quản trị chi phí môi trường trong các DN; Nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn cách thức áp dụng kế toán quản trị chi phí môi trường; Có chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức, DN nghiên cứu các vấn đề về kế toán quản trị chi phí môi trường và khuyến khích các DN áp dụng. Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam nên nghiên cứu, xây dựng và ban hành tài liệu hướng dẫn về kế toán quản trị chi phí môi trường và nhấn mạnh đây là công cụ hữu hiệu quản lý hoạt động môi trường của DN.

Thứ hai, về phía DN, nhà quản lý, cần tăng cường hiểu biết và có những chính sách để thúc đẩy chiến lược môi trường tích cực. Bởi mỗi DN khi có chiến lược môi trường tích cực, điều đó sẽ thúc đẩy các giải pháp nhằm thực hiện hoạt động môi trường được hiệu quả cao nhất. Do đó, muốn áp dụng kế toán quản trị chi phí môi trường đạt kết quả cao cần có sự cam kết của nhà quản lý trong việc thực hiện chiến lược môi trường tích cực, cụ thể như: cử cán bộ kỹ thuật, kế toán môi trường, kế toán quản trị,... tham gia học các khóa đào tạo chuyên sâu về kế toán quản trị chi phí môi trường và nhận thức tầm quan trọng của kế toán quản trị chi phí môi trường đối với mỗi DN. Đứng ở góc độ kế toán, việc vận hành kế toán quản trị chi phí môi trường phải có sự tham gia của nhân viên kỹ thuật phụ trách môi trường vì họ là người biết được quá trình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi… cần sử dụng các loại thuốc và thải ra chất thải nào nhưng họ lại không thể biết cách tập hợp và phản ánh vào sổ sách, tài khoản kế toán như thế nào. Vì vậy, việc kết nối chặt chẽ giữa nhà quản lý, kế toán và quản lý môi trường thì mới thực hiện kế toán quản trị chi phí môi trường cũng như phát triển nó đúng với nghĩa.

Thứ ba, cơ sở giáo dục cần đưa vào giảng dạy về kế toán quản trị chi phí môi trường đối với các ngành kế toán, môi trường. Điều này sẽ trang bị cho sinh viên có đầy đủ nhận thức về kế toán quản trị chi phí môi trường và tăng cường tiết thực tế tại DN để sinh viên hiểu được việc áp dụng kế toán quản trị chi phí môi trường, cũng như kế toán tập hợp, phân bổ chi phí thực tế như thế nào.

Thứ tư, hoàn thiện xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả môi trường. Hệ thống báo cáo quản trị môi trường sẽ cung cấp các thông tin về chi phí môi trường cho các nhà quản lý DN. Tuy nhiên, để phục vụ cho quá trình phân tích thông tin chi phí môi trường, các nhà quản lý phải căn cứ vào hệ thống các chỉ số đánh giá hiệu quả môi trường. Vì vậy, các DN, các nhà nghiên cứu chính sách cần hoàn thiện xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả môi trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. CA Mohammad Firoz. (2010). Environmental Accounting and International Financial Reporting Standards (IFRS).
  2. Nguyễn Thị Nga (2017), Kế toán quản trị chi phí môi trường trong các doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ.
  3. Huỳnh Thị Thanh Thúy (2018), Vận dụng kế toán môi trường tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, Tạp chí Tài chính. https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/van-dung-ke-toan-moi-truong-tai-cac-doanh-nghiep-viet-nam-hien-nay-133900.html#
  4. Phạm Đức Hiếu (2010), Nghiên cứu giải pháp áp dụng kế toán môi trường trong các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam, nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
  5. Phạm Hoài Nam (2016), Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán môi trường tại các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Luận án Tiến sĩ, Học viện Tài chính.