Vận dụng kế toán quản trị chi phí môi trường tại các doanh nghiệp sản xuất vải sợi ở việt Nam


Phát triển bền vững đòi hỏi mỗi doanh nghiệp sản xuất ngoài thực hiện mục tiêu lợi nhuận còn phải cân bằng lợi ích cộng đồng, lợi ích môi trường và lợi ích xã hội. Việc sử dụng hệ thống kế toán quản trị môi trường thông qua các công cụ kế toán quản trị chi phí môi trường giúp nhà quản lý xác định chi phí môi trường thường bị ẩn trong các hệ thống kế toán hiện có. Bài viết phản ánh thực trạng và định hướng vận dụng kế toán quản trị chi phí môi trường trong các doanh nghiệp sản xuất vải sợi tại Việt Nam, nhằm quản lý tốt chi phí môi trường và thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sản xuất vải sợi với môi trường.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Cơ sở lý luận vkế toán quản trị chi phí môi trường

Môi trường đang trở thành vấn đề thời sự có tính chất toàn cầu. Theo Ủy ban Liên hợp quốc về phát triển bền vững (UNDSD, 2011), Kế toán quản trị (KTQT) môi trường là việc nhận dạng, thu thập, phân tích và sử dụng hai loại thông tin cho việc ra quyết định nội bộ. Thông tin vật chất về việc sử dụng, luân chuyển và thải bỏ năng lượng, nước và nguyên vật liệu (bao gồm chất thải) và thông tin tiền tệ về các chi phí, lợi nhuận và tiết kiệm liên quan đến môi trường.

Theo Liên đoàn Kế toán quốc tế (IAFC, 2015), KTQT môi trường là quản lý hoạt động kinh tế và môi trường thông qua việc triển khai và thực hiện hệ thống kế toán và hoạt động thực tiễn phù hợp có liên quan đến vấn đề môi trường. KTQT chi phí môi trường bao gồm công tác KTQT và công tác quản lý môi trường. Dưới góc độ công tác KTQT, chi phí môi trường là: tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm… Dưới góc độ quản lý môi trường là: chi phí để xử lý, ngăn ngừa, tiêu hủy, lập kế hoạch, kiểm soát, thay đổi, hành động và khắc phục những thiệt hại…

KTQT chi phí môi trường trong các DN gồm các nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, nhận diện và phân loại chi phí môi trường.

Đây là bước đầu tiên trong quá trình kiểm soát để quản lý chi phí môi trường, từ đó đưa ra các quyết định đúng đắn trong tổ chức điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong DN.

Thứ hai, xây dựng định mức và lập dự toán chi phí môi trường.

Để phục vụ cho chức năng lập kế hoạch và kiểm soát chi phí môi trường trong DN, nhà quản trị cần tiến hành xây dựng định mức và lập dự toán chi phí môi trường cho DN. Công việc này đòi hỏi sự phối hợp hoạt động của nhiều bộ phận, phòng ban trong DN và cũng là một công cụ khuyến khích hoạt động môi trường có hiệu quả từ các bộ phận trong DN.

Thứ ba, xác định kế toán chi phí môi trường.

Là quá trình kế toán tập hợp các chi phí môi trường trực tiếp và phân bổ các chi phí môi trường gián tiếp cho các đối tượng chịu chi phí. Xác định đúng chi phí môi trường cho đối tượng chịu chi phí có vai trò quan trọng trong việc xác định hiệu quả hoạt động môi trường và kiểm soát chi phí môi trường của DN.

Thứ tư, phân tích và cung cấp thông tin chi phí môi trường.

Chi phí môi trường là một trong nhiều loại chi phí phát sinh mà DN phải chấp nhận và chi trả khi thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng…

Thực trạng kế toán quản trị chi phí môi trường trong doanh nghiệp sản xuất vải sợi Việt Nam

Một số doanh nghiệp (DNSX) vải sợi có quy mô lớn hiện nay như: Công ty TNHH SX TM Vải Sợi Bảo Lộc, Vải Sợi Vitex Vina - Công Ty TNHH Vitex Vina, Vải Sợi Phúc Hảo - Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Phúc Hảo, Vải Sợi Thiên Hà - Công Ty TNHH Thương Mại Và Vải Sợi Thiên Hà... Để tạo ra được vải sợi phải sử dụng nhiều chất hóa học và trải qua rất nhiều công đoạn từ khai thác, sơ chế, kéo sợi, nhuộm.

Quá trình sản xuất của hầu hết các DNSX vải sợi tiêu hao rất nhiều năng lượng, sử dụng nhiều hóa chất và thải ra ngoài môi trường chủ yếu là chất thải dạng lỏng. Chẳng hạn, quy trình sản xuất vải sợi của Công ty TNHH SX TM Bảo Lộc theo các công đoạn và chất thải tương ứng của từng công đoạn như:

Mặc dù, công cụ KTQT chi phí môi trường (ECMA) mang lại lợi ích rất lớn trong quản trị DN nhưng mức độ quan tâm và thực hiện ECMA của các DNSX ở Việt Nam nói riêng và các quốc gia đang phát triển nói chung còn một sốhạn chế sau:

Nhận diện và phân loại chi phí môi trường

Qua khảo sát thực tế một số DNSX vải sợi tại Việt Nam cho thấy, hầu hết các DNSX vải sợi đã nhận diện chi phí xử lý chất thải. Điển hình như Công ty TNHH SX TM Vải Sợi Bảo Lộc, Công Ty TNHH Vitex Vina, Công Ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Phúc Hảo, Công Ty TNHH Thương Mại Và Vải Sợi Thiên Hà... chi phí xử lý chất thải, chi phí khấu hao hệ thống xử lý nước thải có tỷ trọng cao trong đơn vị kế toán.

Bên cạnh đó, còn nhiều DNSX vải sợi chi phí môi trường được nhận diện chưa đầy đủ: Nhiều khoản chi phí môi trường phát sinh trong sản xuất như chi phí vật liệu, thiết bị của chất thải… đã không được nhận diện là chi phí phí môi trường mà được coi là chi phí sản xuất.

Riêng đối với các khoản chi phí phòng ngừa phát sinh chất thải, chi phí nghiên cứu và phát triển (như chi phí sử dụng nhiên liệu thân thiện, chi phí tập huấn nâng cao ý thức, chi phí hoạt động tư vấn môi trường…) cho thấy, chỉ có 40% DNSX vải sợi đã ghi nhận.

Vận dụng kế toán quản trị chi phí môi trường tại các doanh nghiệp sản xuất vải sợi ở việt Nam  - Ảnh 1

Các DNSX vải sợi cũng phân loại chi phí theo chức  năng, kết hợp với phân loại chi phí theo mục đích và công dụng của chi phí. Tuy nhiên, đa phần các DNSX vải sợi tại Việt Nam chưa thực hiện phân loại chi phí theo mức độ hoạt động. (tức chí phí tách thành biến phí, định phí)

Xây dựng định mức và lập dự toán chi phí môi trường

Hầu hết các DNSX vải sợi chưa lập định mức chi phí môi trường. Các khoản mục chi phí môi trường chưa được phản ánh đầy đủ (thiếu chi phí chất thải) vì thế chưa có ý nghĩa nhiều cho nhà quản trị kiểm soát chi phí và đánh giá hoạt động môi trường của doanh nghiệp.

Xác định kế toán chi phí môi trường

Qua kết quả khảo sát thực trạng KTQT chi phí môi trường tại các DNSX vải sợi tại Việt Nam cho thấy một số hạn chế trong kế toán xác định chi phí môi trường gồm:

+ Tổng chi phí môi trường chưa được xác định đầy đủ do thiếu chi phí chất thải. Điều này khiến cho các nhà quản trị không nhận thức được độ lớn thực sự của chi phí môi trường nên chưa có các biện pháp quản lý hiệu quả.

+ Chi phí môi trường chưa được lộ diện trong việc xác định giá thành sản phẩm vì thế các chi phí này chưa có cơ hội được đưa vào trong các quyết định kinh doanh có liên quan đến sản phẩm như quyết định giá bán sản phẩm, lựa chọn sản phẩm hay qui trình sản xuất hiệu quả …

Phân tích và cung cấp thông tin chi phí môi trường

Phân tích chi phí sản xuất kinh doanh chỉ được thực hiện thông qua so sánh chi phí dự toán và thực hiện nhằm mục đích cung cấp thông tin để kiểm soát chi phí. Các DNSX vải sợi đã thực hiện phân tích chi phí thực theo 2 nội dung cụ thể, đó là phân tích biến động chi phí để kiểm soát chi phí và phân tích thông tin chi phí phục vụ cho việc ra quyết định. Tuy nhiên, phân tích chi phí môi trường phục vụ cho quyết định kinh doanh do chi phí môi trường chưa được tập hợp và xây dựng dự toán riêng.

Định hướng vận dụng kế toán quản trị chi phí môi trường trong các doanh nghiệp sn xuất vải sợi tại Việt Nam

Từ yêu cầu thông tin chi phí môi trường cho quản lý kết hợp với thực trạng KTQT chi phí môi trường tại các DNSX vải sợi tại Việt Nam còn nhiều hạn chế đòi hỏi phải có những định hướng để việc vận dụng KTQT chi phí môi trường vào các DNSX vải sợi này. Để đảm bảo các định hướng là khả thi và mang lại hiệu quả cao cho DNSX vải sợi tại Việt Nam, tác giả đềxuất một số định hướng như sau:

Về phía Nhà nước

KTQT chi phí môi trường đã và đang được áp dụng thành công ở nhiều doanh nghiệp tại các quốc gia trên thế giới (chủ yếu tập trung tại các quốc gia phát triển). Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn khá mới mẻ đối với các DNSX vải sợi tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu thực trạng KTQT chi phí môi trường tại các DNSX vải sợi cũng chỉ ra rằng mức độ áp dụng KTQT chi phí môi trường tại các doanh nghiệp này còn khá thấp.

Do vậy, bên cạnh những quy định có tính cưỡng chế, Nhà nước cũng cần thực hiện vai trò của người hướng dẫn là dẫn dắt và thúc đẩy nhanh quá trình ứng dụng KTQT chi phí môi trường trong các DNSX. Với vai trò đó, Nhà nước cần thực hiện một số biện pháp sau:

- Ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn và thực thi pháp luật về môi trường. Cải thiện hiệu lực và hiệu quả của việc thực thi các quy định pháp luật về môi trường một cách nghiêm minh và công bằng đối với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Xây dựng và ban hành đồng bộ các tiêu chuẩn môi trường trong hoạt động của doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác kiểm toán môi trường.

- Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan hoạch định chính sách sớm ban hành khuôn mẫu và hướng dẫn về KTQT chi phí môi trường làm cơ sở cho việc áp dụng phổ biến KTQT chi phí môi trường tại các doanh nghiệp.

- Ban hành và thực thi các quy định về nghĩa vụ công khai Báo cáo môi trường trước mắt áp dụng đối với những ngành sản xuất có ảnh hưởng lớn đến môi trường như ngành vải sợi và trong tương lai tiến tới là nghĩa vụ của tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

+ Biểu dương các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt trách nhiệm môi trường thông qua chế độ báo cáo thông tin môi trường đầy đủ, minh bạch.Tổ chức các diễn đàn, hội thảo làm cầu nối cho các DNSX vải sợi tiếp cận, trao đổi và học tập kinh nghiệm áp dụng KTQT chi phí môi trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhà quản trị tại các DNSX vải sợi đã nhận thức được lợi ích của KTQT chi phí môi trường, tuy nhiên họ vẫn chưa thực sự sẵn sàng bỏ thêm chi phí để triển khai vì họ chưa thực sự nhìn thấy được các hiệu quả về tài chính khi áp dụng KTQT chi phí môi trường. Vì vậy, thông qua các cuộc hội thảo, diễn đàn giúp nhà quản trị doanh nghiệp tiếp cận được với các doanh nghiệp điển hình đã thu được lợi ích tài chính khi áp dụng KTQT chi phí môi trường làm thay đổi nhận thức và tư duy của họ từ đó tạo động lực để các nhà quản trị áp dụng tại doanh nghiệp mình.

Về phía các tổ chức đào tạo

Các cơ quan nghề nghiệp, các tổ chức tư vấn và cơ sở đào tạo về kế toán và kiểm toán cần thực hiện các biện pháp sau:

- Hội kế toán Việt Nam (VAA) và Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cần tiên phong phối hợp với các cơ quan, tổ chức về môi trường, các cơ sở đào tạo kế toán và kiểm toán, các tổ chức tư vấn và các chuyên gia để có thể xây dựng được một quy trình hướng dẫn về KTQT chi phí môi trường phù hợp với điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam dựa trên các hướng dẫn chung đã được thừa nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới.

- Đổi mới công tác đào tạo kế toán - kiểm toán, trong đó nhấn mạnh tới trách nhiệm với môi trường và xã hội của doanh nghiệp cũng như trách nhiệm của kế toán trước các vấn đề môi trường, xã hội. Từng bước xây dựng và đưa vào giảng dạy các nội dung của KTQT chi phí môi trường trong chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng và nghề kế toán, kiểm toán.

- Gắn đào tạo với thực tiễn trên cơ sở thực hiện liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, giữa nhà trường và các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp để đẩy nhanh việc áp dụng KTQT chi phí môi trường trong các DNSX vải sợi và các tổ chức khác trong nền kinh tế.

Về phía các nhà quản lý doanh nghiệp

- Nhà quản trị DN cần thay đổi quan điểm về KTQT chi phí môi trường. Khi nhà quản trị nhận thức được lợi ích và vai trò của KTQT chi phí môi trường đối với doanh nghiệp họ sẽ chủ động đưa ra các chính sách và cam kết thực hiện đó là động lực cho việc thực thi trong toàn doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức của các nhà quản trị các cấp thông qua việc tạo điều kiện tiếp xúc và tham gia các cuộc hội thảo, chuyên đề về kế toán nói chung và KTQT chi phí môi trường. Tăng cường quan hệ giao lưu, học tập kinh nghiệm quản lý môi trường giữa lãnh đạo các bộ phận trong doanh nghiệp và các DNSX vải sợi.

- Thực hiện các chương trình truyền thông hoặc đào tạo dưới nhiều hình thức khác nhau cho toàn bộ nhân viên doanh nghiệp về trách nhiệm môi trường và các ứng xử môi trường. Cập nhật chuyên môn cho các nhiên viên kế toán để họ nắm được các vấn đề cơ bản và chuyên sâu có liên quan tới kỹ thuật trong sản xuất và KTQT chi phí môi trường từ đó hỗ trợ tốt trong quá trình thực hiện.

- Xây dựng một lộ trình cho việc vận dụng KTQT chi phí môi trường vào doanh nghiệp. Việc xây dựng khung lộ trình sẽ giúp doanh nghiệp có những bước đi đúng đắn và phù hợp cho từng giai đoạn nhằm vận dụng KTQT chi phí môi trường một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, cần có một khoản kinh phí nhất định cho tư vấn và triển khai áp dụng KTQT chi phí môi trường đặc biệt trong giai đoạn đầu cuả quá trình triển khai.

Tóm lại, KTQT chi phí môi trường sẽ giúp DNSX vải sợi xác định và nhận dạng các loại chi phí môi trường giúp cho việc xác định giá thành sản phẩm và đưa ra kết quả cho hoạt động kinh doanh một cách chính xác nhất, từ đó đưa ra được chiến lược sản phẩm và có các quyết định đầu tư trang thiết bị và máy móc công nghệ. Việc áp dụng KTQT chi phí môi trường sẽ giúp DNSX vải sợi tại Việt Nam tạo được uy tín và nâng cao được năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Thị Nga (2017), Kế toán quản trị chi phí môi trường trong các doanh nghiệp sản xuất thép ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân;
  2. Phạm Đức Hiếu (2010), Nghiên cứu giải pháp áp dụng kế toán môi trường trong các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam, nghiên cứu khoa hc cấp Bộ;
  3. Ngô Thị Hoài Nam (2017), Kế toán quản trị chi phí môi trường trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam. Đại học Thương mại;
  4. Hoàng Thị Bích Ngọc (2017), Kế toán quản trị chi phí môi trường trong các doanh nghiệp chế biến dầu khí thuộc Tập đoàn chế biến dầu khí thuộc tập đoàn dầu khi quốc gia Việt Nam;
  5. D Christine, (2019), The relationship of environmental management accounting, environmental strategy and managerial commitment with environmental performance and economic performance. International Journal of Energy Economics and Policy, 2019, 9(5), 458-464;
  6. Debbie Christine, Winwin Yadiati, Nunuy Nur Afiah, Tettet Fitrijantim (2021), The Relationship of Environmental Management Accounting, Environmental Strategy and Managerial Commitment with Environmental Performance and Economic Performance. International Journal of Energy Economics and Policy, 2019, 9(5), 458-464;
  7. Jalaludin et al (2011), Understanding environmental management accounting (EMA) adoption: A new institutional sociology perspective. Article in Social Responsibility Journal 7(4):540-557. October 2011.

(*) ThS. Nguyễn Thị Hồng Sương – Trường Đại học Duy Tân

(*) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2022