Giải quyết những điểm yếu của nền kinh tế

Theo Minh Hương/daibieunhandan.vn

Năm 2017 đánh dấu sự vươn lên vượt bậc về môi trường kinh doanh của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Để đạt kết quả cao hơn nữa, các chuyên gia khuyến cáo, Chính phủ chủ động nâng cao năng lực quản trị nhà nước hiện đại và tăng cường ứng dụng quản trị số trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trên 5.000 thủ tục được cắt giảm

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2017 đã vươn lên vị trí 68/190 nước, tăng lần lượt 14 và 23 bậc so với năm 2016 và năm 2015. Đây là thành tích cao nhất kể từ năm 2010 đến nay.

Cũng theo đánh giá của WB, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã thu hẹp đáng kể khoảng cách trong bảng xếp hạng khi so sánh trực tiếp với ASEAN - 4 trong cùng kỳ. Cụ thể, năm 2015, khoảng cách của Việt Nam so với mức bình quân chung của nhóm này là 47 bậc, thì đến năm 2017 đã giảm chỉ còn 27 bậc. Môi trường kinh doanh năm 2017 của Việt Nam lần đầu tiên được cộng đồng quốc tế đánh giá có sự cải thiện vượt bậc khi so sánh với Trung Quốc trong cùng kỳ.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn cho rằng, sự tiến triển vượt bậc trong môi trường kinh doanh là kết quả của quyết tâm chính trị song hành với nỗ lực nâng cao năng lực quản trị của Chính phủ theo hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động nhằm phục vụ nhân dân và doanh nghiệp tốt hơn. Công tác hoạch định chính sách cải thiện theo hướng công khai, minh bạch, nhất quán, có sự tham vấn cộng đồng và có trách nhiệm giải trình cao.

Bên cạnh đó là sự hưởng ứng của các bộ, ngành đối với tinh thần cải cách của Chính phủ bằng các hành động cụ thể. Có thể kể đến: Bộ Tài chính cải cách các quy định và thủ tục về thuế, hải quan; Bộ Xây dựng rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan... Cả nước có trên 5.000 thủ tục được cắt giảm năm 2017, đi đầu là Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT)…

Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của các địa phương hiện nay đang hướng tới mục tiêu tăng số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường và hoạt động hiệu quả. Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho rằng, các tỉnh, thành phố trong vùng cần chủ động xây dựng cơ chế để tiếp nhận phản hồi hiệu quả hơn từ cộng đồng doanh nghiệp; qua đó hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, thay đổi chính sách kịp thời, đồng thời tăng sự tương tác giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng quản trị số

Năm 2017 đánh dấu sự vươn lên vượt bậc trong môi trường kinh doanh của nước ta so với các nước trong khu vực. Để duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, các chính sách cần chú trọng nâng cao chất lượng của môi trường đầu tư - kinh doanh, và sớm giải quyết những điểm yếu đã tồn tại lâu trong nền kinh tế, tăng cường nội lực để có thể chủ động đón nhận cơ hội và vượt qua thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn, Chính phủ cần chủ động nâng cao năng lực quản trị nhà nước hiện đại và tăng cường ứng dụng quản trị số trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Xây dựng lộ trình triển khai hiệu quả chiến lược phát triển ngành thương mại điện tử song hành với chiến lược bảo đảm an ninh mạng và thanh toán quốc tế dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại.

Cùng quan điểm này, Trưởng ban Pháp chế Đậu Anh Tuấn cho rằng, điều ấn tượng trong năm 2017 vừa qua là xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin và điện tử hóa thủ tục hành chính mạnh mẽ trong các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước. Nhiều lĩnh vực đang được thay đổi theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin triệt để, giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục cho doanh nghiệp và người dân, thay đổi cách thức quản lý nhà nước và bảo đảm hiệu quả quản lý tốt hơn cũng như từng bước tạo lập môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch.

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính mà Bộ Tài chính đang chủ trì soạn thảo là ví dụ điển hình. Chính sách mới trong thời gian tới là chấp nhận chứng từ điện tử là chứng từ gốc, việc kiểm tra chứng từ của các cơ quan pháp luật như quản lý thị trường, thanh tra, biên phòng, hải quan… cũng thực hiện theo phương thức điện tử.

Theo nhiều chuyên gia, việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tăng cường tính kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cũng là hình thức để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh.

Chính phủ cần có chiến lược để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nội địa nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, tăng cường khả năng chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp trong nước.

Việc đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ cần gắn chặt chẽ với các chính sách như chính sách phát triển khoa học công nghệ của các doanh nghiệp trong nước, chính sách giáo dục đào tạo và chính sách thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.