Giải quyết ô nhiễm môi trường trước khi mở rộng dự án khu công nghiệp
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề nghị các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên kiên quyết không tiếp nhận, mở rộng hoặc nâng công suất đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề khi chưa đáp ứng yêu cầu hạ tầng về bảo vệ môi trường.
Bài toán cân bằng công nghiệp hóa và bảo vệ môi trường
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, môi trường cả nước nói chung và khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng, hiện vẫn đang chịu áp lực từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức. Do đó, vấn đề ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ trở nên nghiêm trọng, đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng.
“Xác định bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Để đạt được các mục tiêu đề ra trong các nghị quyết, chiến lược của Đảng, Nhà nước và Quốc hội về bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề nghị các địa phương cần xây dựng các nội dung về bảo vệ môi trường Quy hoạch tỉnh để phù hợp với Quy hoạch Bảo vệ môi trường Quốc gia, Quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sắp được Chính phủ ban hành.
Đồng thời, tập trung nguồn lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên; trong đó tập trung xây dựng hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các đô thị và làng nghề đang hoạt động nhưng chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Kiên quyết không tiếp nhận, mở rộng hoặc nâng công suất đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề khi chưa đáp ứng yêu cầu hạ tầng về bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý các địa phương tập trung xây dựng kế hoạch phân loại chất thải, chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để bắt đầu triển khai từ năm 2025 nhằm tăng khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn của Đất nước; xây dựng các giải pháp nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, giám sát chặt chẽ các nguồn thải thông qua hệ thống quan trắc tự động, liên tục.
Bên cạnh đó, xây dựng các giải pháp để khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với các khu vực đang bị ô nhiễm hiện nay tại các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, vấn đề ô nhiễm lưu vực sông và ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.
Cần sớm ban hành các quy định phân loại chất thải rắn
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như thay đổi, điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy định pháp luật liên quan, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các quy định về kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn; ban hành quy định và có hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương làm cơ sở thực hiện.
“Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất định biên đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có cơ cấu hợp lý, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể tại các cơ quan bảo vệ môi trường và địa phương trong tình hình mới. Đồng thời, nghiên cứu sớm ban hành hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt để thống nhất áp dụng trong cả nước; đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình giáo dục chính khóa để trang bị nhận thức, hình thành ý thức bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai”, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình Phan Xuân Hào đề xuất.
Để triển khai thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được đồng bộ và hiệu quả, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững và thân thiện với môi trường, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, ban hành quy định chi tiết về xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trong hoạt động nông nghiệp theo quy định tại Điều 65 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm của những cơ sở sản xuất, các đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật phải có trách nhiệm trong nhiệm vụ thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.