Lời giải về tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy

Hà Anh

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội giải đáp kiến nghị của cử trí về nguồn nước sông Đáy, sông Nhuệ ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, sản xuất nông nghiệp và đời sống Nhân dân.

Các bộ, ngành địa phương tăng cường quản lý chất lượng nước mặt lưu vực sông Nhuệ - Đáy.
Các bộ, ngành địa phương tăng cường quản lý chất lượng nước mặt lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện các giải pháp ngăn chặn ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Châu Giang.

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nhiều nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường lưu vực sông như: Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu môi trường; điều tra, thống kê các nguồn thải; đánh giá và xử lý các điểm nóng ô nhiễm môi trường liên vùng, liên tỉnh...;

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội triển khai dự án thí điểm xây dựng trạm xử lý nước thải sông Nhuệ (với công suất 400 m3/ngày đêm) và các trạm xử lý nước thải tại một số điểm xả vào sông Nhuệ (với công suất 1.500 - 2.000m3/ngày đêm); phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam xây dựng và đưa vào vận hành một số trạm quan trắc tự động theo dõi diễn biến chất lượng nước.

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các nguồn thải đổ vào lưu vực sông; xây dựng và thực hiện mạng lưới quan trắc môi trường để theo dõi và cảnh báo diễn biến chất lượng môi trường; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trong lưu vực sông.

Bên cạnh đó, các địa phương nỗ lực thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và tập trung nguồn lực giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy; đã từng bước đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thoát nước và đầu tư công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt...

Theo đó, Hà Nội đã triển khai 7/41 dự án nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch đã được phê duyệt, còn lại 34 dự án sẽ tiếp tục được lựa chọn ưu tiên kêu gọi nguồn lực triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Tỉnh Ninh Bình đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung tại xã Ninh Phong, đạt 11% đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 15.000 m3/ngày đêm đi vào hoạt động từ năm 2022; tỷ lệ nước thải sinh hoạt động xử lý đạt khoảng 15% trên tổng khối lượng nước thải sinh hoạt phát sinh.

Tỉnh Hà Nam có 4 trạm xử lý nước thải tập trung tại TP. Phủ Lý, thị xã Duy Tiên, thị trấn Bình Mỹ, thị trấn Vĩnh Trụ với công suất tương ứng là 2.750, 247, 350 và 300 m3/ngày đêm; nhà máy xử lý nước thải Thanh Châu với công suất 5.000 m3/ngày đêm đã được xây dựng và sẽ đi vào vận hành trong thời gian tới.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, do nguồn lực hạn chế nên việc ngăn chặn nguồn ô nhiễm, từng bước xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường tại các đoạn sông, nhánh sông trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy còn nhiều khó khăn, bất cập.

Để giải quyết tình trạng này, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Trong đó, sẽ xác định các khu vực ô nhiễm không còn khả năng tiếp nhận nước thải để có các giải pháp nhằm quản lý, ngăn chặn, hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông.

Ngoài giải pháp trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương kiểm kê, kiểm soát các nguồn thải vào lưu vực sông; tiếp tục triển khai các dự án khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu đề ra tại Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Áp dụng các giải pháp, phương án để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đối với khu vực dân cư phân tán; rà soát điều chỉnh lại kế hoạch cấp nước chủ động để tạo dòng chảy tối thiểu đảm bảo đủ khả năng tự làm sạch của sông.

Đồng thời, tổ chức quan trắc môi trường nước các sông trên địa bàn; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại nguồn và xử lý nghiêm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề xả nước thải không đạt Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; đầu tư xây dựng và triển khai các dự án cải tạo phục hồi môi trường nước, khơi thông dòng chảy các đoạn sông đang ô nhiễm nặng (sông Tô Lịch, sông Châu Giang, sông Nhuệ...).