Tỉnh Trà Vinh:
Giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài gặp khó khăn
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nên công tác tư vấn giải quyết việc làm, tạo việc làm mới của tỉnh hết sức khó khăn. Trong quý III/2021, tỉnh Trà Vinh thực hiện giãn cách xã hội với thời gian dài, nên kết quả giải quyết việc làm cho người lao động bị hạn chế.
Trong 09 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh Trà Vinh giải quyết việc làm được 16.643 lao động, đạt 72,36%; tổng số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 292 người, đạt 32,44% so với kế hoạch năm 2021 (kế hoạch 900 lao động).
Hiện toàn tỉnh có khoảng 400 lao động đăng ký đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; trong đó, có 280 lao động đã hoàn thành phỏng vấn, chờ “thị trường lao động” ở các nước nhận người. Với kết quả hiện tại, thời gian còn lại của năm 2021, chỉ tiêu đưa lao động làm việc ở nước ngoài khó đạt. Ông Dương Quang Ngọc - Phó Giám đốc Sở Lao đông - Thương binh và Xã hội thông tin.
Từ khó khăn chung, ngày 30/8/2021, ông Kim Ngọc Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động, học sinh, sinh viên (người lao động) đi làm việc, học tập có thời hạn ở nước ngoài. Tỉnh ủy nhận định, thời gian qua, công tác này trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, nên đạt một số kết quả nhất định.
Giai đoạn 2014-2020, toàn tỉnh đã đưa 2.285 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ 763 hộ vay vốn, số tiền 59,1 tỷ đồng để giúp người lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ổn định an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế nhất định: một số trường hợp thuộc diện được hỗ trợ đi làm việc, học tập ở nước ngoài, nhưng chưa tiếp cận chính sách; chưa kiểm soát tốt việc thu phí ngoài quy định của pháp luật đối với một ít doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến tuyển dụng và xuất khẩu lao động của tỉnh; trình độ của người lao động còn thấp, yếu về ngoại ngữ, tay nghề, chưa đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động tại các nước.
Nguyên nhân hạn chế là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa chỉ đạo quyết liệt; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chưa thật sự sâu rộng, hiệu quả chưa cao, chưa có nhiều tấm gương đi học ở nước ngoài về phát huy đóng góp trí tuệ xây dựng quê hương; tỉnh chưa xây dựng được chính sách riêng dành cho người lao động; sự phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp chưa đồng bộ, chặt chẽ; một số lao động chưa mạnh dạn đăng ký vì từ năm 2019 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nên các quốc gia hạn chế tiếp nhận lao động.
Nói về những khó khăn chung, ông Dương Hiền Hải Đăng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Duyên Hải chia sẻ: trong 09 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Duyên Hải chỉ khai giảng 02 lớp nghề, với 45 học viên; đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài chỉ 03 lao động, đạt 8,1% Nghị quyết năm. Đây là những khó khăn chung, trước tình hình này, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, năm 2022, thị xã sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực đề ra chỉ tiêu này cao hơn, nhằm bù đắp cho năm 2021, giúp đạt chỉ tiêu cả nhiệm kỳ.
Để thực hiện hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc, học tập ở nước ngoài trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, sở, ban, ngành, đoàn thể, hội đặc thù tiếp tục quán triệt tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và tổ chức thực hiện nghiêm quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đưa người lao động đi làm việc, học tập, lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống của người lao động và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Tỉnh.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả chủ trương đẩy mạnh phân luồng sau THCS; tư vấn, định hướng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tế, nhằm khuyến khích học sinh học tập, lao động ở nước ngoài. Các cơ sở giáo dục cần tuyên truyền về chính sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh đang học tại các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh có tham gia các chương trình đào tạo theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam với nước tiếp nhận hoặc theo các chương trình du học tại các trường đại học, cao đẳng ở nước ngoài có ký kết hợp tác giữa 02 bên đào tạo. Trên cơ sở đó, tạo tiền đề cho năm 2022, cũng như giai đoạn 2023-2025 nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu về giải quyết việc làm và đưa người lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Ông Dương Quang Ngọc cho biết thêm, công tác đào tạo nghề, trong quý III/2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường thực hiện tư vấn tuyển sinh online trang mạng xã hội, zalo. Trong 09 tháng đầu năm 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đào tạo nghề cho 5.066 người, đạt 25,3%.
Trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 639 lao động (tổng số lao động đăng ký nhu cầu học nghề là 3.441 người); tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho 3.856 người, còn lại là đào tạo trình động cao đẳng, trung cấp nghề; do dịch bệnh COVID-19, nên quá trình tổ chức các sàn giao dịch việc làm, hội thảo tư vấn việc làm, đào tạo nghề nông thôn, các doanh nghiệp có số lao động lớn cũng tạm thời ngưng hoạt động theo quy định, do đó công tác giải quyết việc làm, đào tạo lao động đạt tỷ lệ thấp.