Giảm sút đầu tư tại Ấn Độ
Ấn Độ, với vị trí là một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện nay đang phải đối mặt với một tình trạng nguy hiểm: Quá ít nhà đầu tư muốn rót vốn vào quốc gia này. Ngay cả trong trường hợp đầu tư của khu vực chính phủ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, đầu tư của khu vực tư nhân đã giảm mạnh trong vòng 2 quý vừa qua với mức giảm -1,9% trong quý I và -3,1% trong quý II/2016.
Tình trạng đầu tư giảm sút đang đặt áp lực lên cán cân ngân sách của chính phủ. Một số báo cáo gần đây cho biết các quan chức chính phủ đang đề xuất lên Quốc hội thông qua khoản chi tiêu bổ sung trị giá 7,5 tỷ USD trong vòng 5 tháng tới để đảm bảo nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2016.
Tình trạng này có vẻ không phải là mới tại Ấn Độ. Khi mới nhậm chức, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phải đối mặt với tình trạng giảm sút của đầu tư tư nhân khiến tăng trưởng kinh tế Ấn Độ giảm mạnh từ mức gần hai con số trong năm 2010 xuống chỉ còn giao động quanh ngưỡng 5 – 6% trong năm 2014.
Để chặn đứng tình trạng này, nội các của ông Modi đã phải quyết định tăng chi tiêu công với kỳ vọng sẽ củng cố niềm tin của nhà đầu tư, và là động lực thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân lấy lại đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra đúng như kỳ vọng. Cho đến thời điểm này, mặc dù chính phủ Ấn Độ đã thực hiện rất nhiều nỗ lực tuy nhiên đầu tư của khu vực tư nhân vẫn chưa có nhiều biến chuyển.
Có hai nguyên nhân giải thích cho tình trạng chênh lệch đầu tư nguy hiểm tại Ấn Độ. Thứ nhất, các kênh tài chính dành cho hoạt động đầu tư tại Ấn Độ đang gặp nhiều vấn đề. Tại Ấn Độ, nguồn vốn tài trợ cho các dự án chủ yếu đến từ khu vực ngân hàng, trong đó các NHTM Nhà nước chiếm vai trò chủ đạo.
Tuy nhiên, điều không may đó là các ngân hàng nhà nước tại Ấn Độ đang phải đối mặt với những vấn đề lớn khi tỷ lệ nợ xấu đang ở mức cao. Điều này dẫn đến tình trạng tăng trưởng tín dụng ngưng trệ. Thực tế là trong tháng 8 vừa qua, tín dụng đã rơi vào tình trạng tăng trưởng âm lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua.
Cho đến thời điểm hiện tại, chính phủ Ấn Độ dường như vẫn chưa có nhiều hành động để giải quyết vấn đề này. Hiện tại, các quan chức Ấn Độ mới chỉ dừng lại ở cam kết yêu cầu các ngân hàng phải làm sạch bảng cân đối, tuy nhiên giải pháp tư nhân hóa các ngân hàng này vẫn chưa được bàn đến.
Nguyên nhân thứ hai đến từ các bất cập trong môi trường đầu tư tại Ấn Độ. Trong thực tế, các nhà đầu tư tại Ấn Độ thường phải đối mặt với nhiều rủi ro đến từ các quyết định mang tính độc đoán của Chính phủ liên quan đến các tranh chấp về thuế hay môi trường, khiến nhiều dự án rơi vào tình trạng ngừng hoạt động. Theo thống kê cho đến hiện tại đã có khoảng một nửa các dự án lớn tại Ấn Độ bị trì hoãn, buộc các nhà đầu tư phải tăng vốn và gây tổn thất lớn đối với các nhà đầu tư.
Rõ ràng, với thực trạng hiện tại, điều các nhà đầu tư mong chờ ở đây đó là những thay đổi thật sự trước khi họ có thể bỏ thêm vốn đầu tư vào nền kinh tế. Trong thời gian vừa qua, chính phủ Ấn Độ vẫn đang nỗ lực thực hiện các cải cách nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư.
Tuy nhiên dường như mọi nỗ lực vẫn đang tập trung vào thúc đẩy đầu tư khu vực công, trong khi đó vấn đề giảm bớt sự can thiệp của chính phủ, cải cách thị trường lao động và cải thiện môi trường đầu tư – những nhân tố quan trọng giúp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vẫn đang bị bỏ ngỏ.