Năm 2019:
Giảm thủ tục hành chính, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bứt phá
Năm 2018, các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam đã được cắt giảm tới 50% theo Nghị định 19/NQ-CP năm 2018. Sau 5 năm (2015-2018), môi trường đã cải thiện 21 bậc, đạt vị trí thứ 69 tại Báo cáo Môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố.
Tuy nhiên trên thực tế, 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tỏ ra hoài nghi về chất lượng cắt giảm, khi mà một số điều kiện kinh doanh sau khi cắt giảm, sửa đổi vẫn không thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN). PV đã có cuộc trao đổi với TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội để làm rõ hơn về vấn đề này.
Cắt giảm về thời gian
Phóng viên: Với quyết tâm của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, Nghị quyết 19 đã được triển khai và thực hiện đạt mục tiêu cắt 50% điều kiện kinh doanh, ông đánh giá như thế nào về điều này?
TS. Mạc Quốc Anh: Năm 2018, kết quả cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã đạt mức kỳ vọng của các DN. Nhưng kết quả này có đạt đúng yêu cầu đề ra của Thủ tướng chính phủ. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm bởi định hướng đến năm 2020, Việt Nam sẽ có một triệu DN đảm bảo về chất lượng trong một môi trường tương đối được cải thiện. Đến thời điểm này, nhìn chung các điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, đảm bảo thời gian yêu cầu trong Nghị quyết 19.
Tuy nhiên, sự cắt giảm mới đảm bảo về mặt định lượng, bởi chất lượng của các thủ tục hành chính vẫn còn gây ra nhiều vướng mắc. Cụ thể, các thủ tục hành chính đã giảm được đáng kể về mặt thời gian, song nội hàm các bước về thủ tục, quy trình hành chính vẫn chưa chuyển biến nhiều. Nhiều thủ tục mặc dù có cam kết nhưng các bước lại chưa được thực hiện. Hoặc, các thủ tục đã cam kết và đã thực hiện song khâu thực hiện chưa đạt đúng kỳ vọng. Đơn cử như việc tiết giảm về chi phí, nguồn lực. Ví dụ thủ tục cấp phép triển lãm công bố quảng cáo, thời gian trước đây là 30 ngày, nay đã giảm còn 15 ngày. Nhưng thực tế, các thủ tục hồ sơ trong các bước cấp phép vẫn giữ nguyên..
Trong thời gian tới, việc cắt giảm các thủ tục hành chính phải thực sự sâu hơn nữa và đi đúng bản chất của các vấn đề là “cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh”. Giải pháp căn cơ và cụ thể nhất là tiếp tục rà soát, kiểm tra, đánh giá cả quá trình triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, trong quá trình cắt giảm 50% đó có còn ảnh hưởng cho DN hay không.
Chính phủ tục giao chỉ tiêu cho các bộ, ngành những cam kết bằng những con số cụ thể. Việc này cần tham gia các hiệp hội trung ương, hiệp hội các tỉnh, thành phố giám sát kiểm tra đánh các bước cắt giảm các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh từ các bộ, ngành thực hiện.
Luật mới cụ thể hóa về chủ trương
Luật Hỗ trợ DNNVV đã triển khai được gần một năm, ông đánh giá tác động của Luật tới các DN như thế nào?
Luật Hỗ trợ DNNVV đã được triển khai được 11 tháng. Như vậy, Luật đã được cụ thể hóa nhưng thực tế vẫn đang ở trên các vấn đề về chủ trương.
Các cơ quan chức năng, tổ chức, đoàn thể đã làm tốt về công tác tuyên truyền, tuy nhiên để thực hiện Luật cụ thể cần phải căn cứ vào sự điều chỉnh vì Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế, với nhiều cam kết song phương và đa phương.
Do đó, yếu tố quan trọng nhất là hành động từ phía các địa phương, các sở ngành, liên quan các DN, các hiệp hội cần phải cụ thể hóa Luật, mở các lớp đào tạo và tổ chức chương trình cung cấp thông tin cho DN nắm rõ về các điều kiện thụ hưởng trong Luật.
Về phía các tỉnh thành, đâu đó vẫn có những địa phương chưa thực hiện cụ thể hóa chưa giao ban hàng tháng, định kỳ… tìm hiểu Luật có trực tiếp đến được với DN và thực tế DN thụ hưởng văn bản Luật đến đâu. Việt Nam đã có thành lập rất nhiều quỹ, như quỹ hỗ trợ DNNVV, quỹ đổi mới sáng tạo, quỹ bảo lãnh tín dụng, các giải pháp vấn đề về thị trường song chỉ chung chung và không dễ tiếp cận.
Hơn nữa, bản thân các DN cũng chưa chủ động tìm hiểu, họ thiếu các bộ phận pháp chế chuyên sâu tiếp cận các văn bản Luật, tìm kiếm những điều kiện phù hợp.
Cụ thể, Luật có quy định nhiều điều khoản, khung giải pháp để cho các DN tiếp cận. Như quy định hướng dẫn cho các bộ ngành, đặc biệt là việc tổ chức tài chính, công tác xúc tiến đầu tư, các viện đào tạo hỗ trợ cho các DNNVV, DN khởi nghiệp. Và, hiện nay mới đang nằm ở việc hỗ trợ còn hỗ trợ như thế nào, cụ thể ra sao cần sự vào cuộc cụ thể của các bộ, các sở ngành.
Giải pháp cho vấn đề này, Chính phủ, các tỉnh và thành phố cần tiếp tục duy trì các kênh đối thoại với DN, qua đó có thể nắm bắt được những vấn đề cụ thể để tháo dỡ những khó khăn về thủ tục hành chính. Theo tôi, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cần tập chung vào theo các chuyên đề, cụ thể. Không tháo gỡ chung chung, các bộ, ngành nào “nóng” hiện nay nên tiếp xúc với DN trong vòng một tháng, như Bộ Nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng.
DN có niềm tin với thị trường
Kết thúc năm 2018, một trong những điểm nhấn của năm kinh tế là sự phát triển bứt phá từ khối DN tư nhân, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Tiến sỹ Mạc Quốc Anh: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một định hướng cụ thể và chi tiết, để giúp cho DN có niềm tin, có động lực với thị trường.
Rất nhiều các tổ chức tài chính, ngân hàng uy tín trên thế giới đánh giá thị trường của Việt Nam đang là tiềm năng. Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã trở nên thuận lợi với các thủ tục hành chính đã được cắt giảm. Bên cạnh đó, các giải pháp tài chính ổn định các vấn đề về kinh tế vĩ mô đã giúp cho các DN mạnh dạn trong các vấn đề về đầu tư.
Điểm nhấn của năm 2018, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP. Đây là điều kiện để cho các DN Việt Nam tham gia vào thị trường hơn 600 triệu dân. Việc có thêm thị trường cùng với điều kiện kinh doanh đã được thuận lợi, DN nội địa có nhiều điều kiện tham gia liên kết, hợp tác trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tầm nhìn các năm 2019-2020, giá trị sản xuất nông nghiệp của Việt Nam khả năng có thể đạt trên 40 tỷ USD, và khi đó các sản phẩm nông nghiệp sẽ trở thành động lực lớn trong phát triển kinh tế. Hiện nay, các sản phẩm nông sản chủ yếu do kinh tế của tư nhân, kinh tế hộ gia đình sản xuất. Và, đây là cơ sở bứt phá cho kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Đóng góp 40% GDP
Với mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt gần 7%, theo ông những đóng góp của DNNVV trong kết quả này như thế nào?
Đây là xu hướng theo đúng tinh thần của Quốc hội đã thông qua và những nỗ lực rất trong điều hành từ Chính phủ. Kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất đang giữ ổn định cả về trung hạn và dài hạn, do vậy sự tăng trưởng này có mang “tính chất tăng trưởng”.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các bộ, ngành tập trung hướng ưu tiên, hỗ trợ các giải pháp về tài chính cho nông nghiệp công nghệ cao, ngành dệt may - da giày… đây là những ngành thu hút lực lượng lao động rất lớn.
Trong đó, bản thân các DNNVV cũng có sự đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế đất nước. Trong nền kinh tê, các DNNVV chủ yếu là tư nhân, thu hút gần 60% lực lượng lao động, đóng góp khoảng 25% trong giá trị xuất khẩu năm 2017 và con số này đã lên trên 30% năm 2018 đồng thời đóng góp trên 40% GDP. Do đó có thể khẳng định, DNNVV sẽ tiếp tục đóng góp và thúc đẩy thêm nền kinh tế phát triển đạt yêu cầu 7%/năm 2019.
Năm 2019, ông có những sự kỳ vọng như thế nào về sự điều hành của Chính phủ cũng như tạo lập môi trường kinh doanh cho DN hoạt động?
Với sự quyết liệt của Chính phủ cùng sự tham gia của các thành phần kinh tế - xã hội trong hoạt động đang kiểm tra, giám sát, đánh giá, việc cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh cho DN sẽ đi vào chất lượng, từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút đầu tư.
Năm 2019, theo lộ trình có thể sẽ cắt giảm thêm trên 20% các điều kiện thủ tục kinh doanh cho các DN. Nhờ vậy, DN sẽ bớt đi một phần gánh nặng trong các thủ tục hành chính và nguồn lực dành ra sẽ được chuyển sang các bộ phận kinh doanh khác như thị trường, nghiên cứu, đào tạo…
Thêm vào đó, việc tham gia vào Hiệp định CPTPP, năm 2019, Việt Nam kỳ vọng sẽ có thêm các khối kinh doanh liên kết, hợp tác và từ đó hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam đến các thị trường hết sức khó tính mà trước đó chưa vào được.
Điểm sáng nữa là về nguồn lực lao động chất lượng cao. Tại các diễn đàn về tri thức trẻ gần đây, thị trường nội địa đang thu hút sự chú ý từ các nguồn lực bên ngoài, đặc biệt là những trí thức, doanh nhân Việt đang sống và làm việc ở nước ngoài thể hiện những muốn đóng góp cho quê hương. Từ đó, Việt Nam sẽ có những nguồn lực sáng tạo mới, nó sẽ trở thành động lực cung cấp tri thức mới trong nền công nghiệp 4.0, giúp cho nền khoa học công nghệ và sản phẩm của Việt Nam đủ năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.