Giảm thuế giá trị gia tăng chỉ là một trong nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) chỉ là một trong nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế và mang tính ngắn hạn. Do đó, cùng với giảm thuế, cần triển khai các giải pháp khác lâu dài để kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng.
Giảm thuế để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Thảo luận về đề xuất giảm thuế GTGT tại phiên họp chiều 20/11, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất sự cần thiết phải giảm thuế GTGT để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Một số đại biểu đề nghị làm rõ thêm sự cần thiết ban hành chính sách, đánh giá kỹ hơn khả năng đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng, đánh giá cơ sở tính toán dự báo tác động ngân sách và kinh tế vĩ mô trong dài hạn. Các đại biểu thống nhất với phạm vi, đối tượng giảm thuế, thời gian áp dụng chính sách, hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, có đại biểu đề nghị mở rộng thêm chính sách và áp dụng cho năm 2024.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng thống nhất cao với đề xuất giảm thuế GTGT. Đại biểu cho rằng, với giải pháp về việc giảm thuế GTGT cùng với các cơ chế hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác sẽ tạo điều kiện rất lớn nhằm giúp đỡ cho các doanh nghiệp giảm dần một phần chi phí sản xuất, kinh doanh, từng bước tăng dần lợi nhuận, góp phần ổn định phát triển kinh tế về lâu dài.
Trao đổi về nội dung này, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương chỉ rõ, giảm thuế GTGT thì người được hưởng lợi trực tiếp là người dân. Tuy nhiên, đại biểu cũng lo ngại nguồn thu ngân sách của Nhà nước không được đảm bảo, "thu ngân sách không đảm bảo thì kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước sẽ bị ảnh hưởng và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô", Đại biểu nêu.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, cần có nghiên cứu đánh giá tổng thể chính sách kích cầu thì sẽ tăng thêm được bao nhiêu GDP, "không thể giảm thuế mãi", Đại biểu bày tỏ.
Giảm thuế chỉ là biện pháp ngắn hạn
Tại phiên họp, giải trình ý kiến đại biểu về đề xuất giảm thuế GTGT đối với một số đối tượng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đề xuất này nhằm đảm bảo nhất quán chính sách, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc giảm thuế GTGT chỉ là một trong nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Do vậy, vẫn cần triển khai các giải pháp khác lâu dài để kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như: tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh; mở rộng thị trường, nguồn vốn; ứng dụng khoa học công nghệ; tăng năng suất lao động...
Chia sẻ khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC, Bộ trưởng cho biết, tại các nền kinh tế APEC, việc đề xuất giảm thuế GTGT chỉ áp dụng trong ngắn hạn, bởi thuế tác động đến việc nâng cao năng lực tài chính công… Do vậy, trong ngắn hạn giảm thuế để tạo điều kiện doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sau đó sẽ tăng thuế suất – đây là xu thế tất yếu; song song với đó sẽ áp dụng các biện pháp kích cầu khác để thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sau khi Quốc hội thảo luận, Chính phủ sẽ đánh giá, tiếp thu và giải trình, báo cáo Quốc hội.