Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024

Trần Huyền

Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong 6 tháng đầu năm 2024 nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Chính sách này giúp giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm tới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án nghị quyết của quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án nghị quyết của quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Cần thiết tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng

Trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT chiều 20/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong giai đoạn 2020-2023, các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế ở mức lớn chưa từng có. Từ năm 2020 đến nay, tổng trị giá của các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2023 khoảng 196 nghìn tỷ đồng và tính đến tháng 10/2023 đã thực hiện khoảng 164 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đã đề ra giải pháp giảm thuế GTGT 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất GTGT 10% từ ngày 01/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Năm 2023, trước khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Giải pháp giảm thuế GTGT cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, qua 04 tháng thực hiện (tháng 7, 8, 9 và tháng 10/2023), chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 15,6 nghìn tỷ đồng, qua đó góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. 

Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.

Ngân sách giảm tương đương khoảng 25 nghìn tỷ đồng

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, trên cơ sở báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã được thực hiện ổn định trong năm 2022, 2023; dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT như nội dung chính sách giảm thuế GTGT đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15.

Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, Công nghệ thông tin, Hoạt động tài chính, Ngân hàng, Chứng khoán, Bảo hiểm, Kinh doanh bất động sản, Kim loại, Sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, Sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), Than cốc, Dầu mỏ tinh chế, Sản phẩm hoá chất, Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chính phủ đề xuất thời gian áp dụng từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, với mức giảm như trên, dự kiến, số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 4,175 nghìn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024.

Đối với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó giúp giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Đối với doanh nghiệp, việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, từ đó giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tăng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất kinh doanh.