Giảm thuế ngay khi tạm nộp thuế TNDN của quý để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp


Đó là một trong những nội dung được Bộ Tài chính đề xuất tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác nhằm sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức.

Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, dự kiến sẽ giảm thu NSNN của năm 2020 khoảng 23.000 tỷ đồng. Nguồn: internet
Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, dự kiến sẽ giảm thu NSNN của năm 2020 khoảng 23.000 tỷ đồng. Nguồn: internet

Đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến nền kinh tế của Việt Nam. Để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, kinh doanh, cũng như hỗ trợ tối đa cho người lao động để đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, góp phần đạt mục tiêu cao nhất có thể về tăng trưởng kinh tế của năm 2020, ngày 19/6/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Nghị quyết giao “Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị quyết này”.

Thực hiện sự phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính đã soạn thảo hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội trình Chính phủ. Dự thảo Nghị định được bố cục gồm 04 Điều, cụ thể: Điều 1. Đối tượng áp dụng; Điều 2. Giảm thuế TNDN; Điều 3. Kê khai giảm thuế; Điều 4. Tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành.

Bao quát hết các khoản doanh thu của doanh nghiệp

Nghị quyết số 116/2020/QH14 quy định: “Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng”. Quy định cụ thể nội dung này, Dự thảo Nghị định đã nêu rõ về xác định tổng doanh thu để làm cơ sở giảm thuế; quy định cụ thể việc tạm nộp thuế theo quý; quyết toán thuế và xác định khoản thu nhập được giảm thuế; kỳ tính thuế.

Trong đó, về xác định tổng doanh thu để làm cơ sở giảm thuế, nhằm bao quát hết các khoản doanh thu của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn hiện hành, Dự thảo Nghị định quy định, tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế là tổng doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 của doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nghị quyết số 116/2020/QH14 quy định doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng thuộc diện giảm thuế TNDN là tổng doanh thu của cả kỳ tính thuế TNDN năm 2020 (đủ 12 tháng). Do đó, trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 hoạt động không đủ 12 tháng thì cần quy định phân bổ doanh thu theo thời gian thực tế doanh nghiệp hoạt động trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020.

Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, dự kiến sẽ giảm thu NSNN của năm 2020 khoảng 23.000 tỷ đồng.

Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định, trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 hoạt động không đủ 12 tháng thì tổng doanh thu năm 2020 được xác định bằng tổng doanh thu thực tế trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 chia (:) cho số tháng doanh nghiệp thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 nhân (x) với 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong tháng thì thời gian hoạt động được tính đủ tháng.

Không phân biệt doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi thuế hay không

Thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và để đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Dự thảo Nghị định quy định cụ thể việc tạm nộp thuế theo quý. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp dự kiến tổng doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 không quá 200 tỷ đồng thì doanh nghiệp xác định tạm nộp hàng quý bằng 70% số thuế TNDN phải nộp của quý.

Thực hiện đúng quy định của Nghị quyết số 116/2020/NQ14 là tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, không phân biệt doanh nghiệp đó có đang được hưởng ưu đãi thuế hay không; đồng thời việc giảm 30% số thuế TNDN theo quy định của Nghị quyết số 116/2020/NQ14 không phải là một hình thức ưu đãi thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN, dự thảo Nghị định quy định, số thuế TNDN được giảm quy định tại Nghị định này được tính trên số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020, sau khi đã trừ đi số thuế TNDN mà doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Về kỳ tính thuế, để tránh vướng mắc trong thực hiện đối với trường hợp đặc thù có kỳ tính thuế lớn hơn 12 tháng nhưng nhỏ hơn 15 tháng, Dự thảo Nghị định quy định, trường hợp kỳ tính thuế năm đầu tiên của doanh nghiệp mới thành lập là năm 2019 hoặc kỳ tính thuế năm cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản là năm 2021 có thời gian ngắn hơn 03 tháng thì được cộng với kỳ tính thuế TNDN năm 2020 để hình thành một kỳ tính thuế TNDN. Việc xác định tổng doanh thu và số thuế được giảm trong trường hợp này chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2020 (12 tháng).

Giảm thuế ngay khi tạm nộp số thuế TNDN của quý

Nghị quyết số 116/2020/QH14 có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký (ngày 19/6/2020) và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020. Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp được giảm thuế ngay khi tạm nộp số thuế TNDN của quý để hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, Dự thảo Nghị định quy định, Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết số 116/2020/QH14 có hiệu lực thi hành và áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2020.

Theo Bộ Tài chính, khi trình Quốc hội Nghị quyết về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác thì giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng, dự kiến sẽ giảm thu NSNN của năm 2020 khoảng 23.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc đề xuất giảm 30% số thuế TNDN sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nêu trên vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích tụ vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, là tiền đề giúp các doanh nghiệp phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn để đóng góp lại cho NSNN trong thời gian tiếp theo.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế.