Giảm thuế, phí, lệ phí, "trợ lực" cho ngành hàng không phục hồi


Trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã sớm ban hành chính sách điều chỉnh giảm nhiều khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không và trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay. Các chính sách này nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ trực tiếp cho ngành hàng không phục hồi hoạt động kinh doanh trước tác động của dịch Covid-19.

Các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí lĩnh vực hàng không sẽ giúp ngành này phục hồi sau đại dịch. Nguồn: internet
Các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí lĩnh vực hàng không sẽ giúp ngành này phục hồi sau đại dịch. Nguồn: internet

Giảm đến 20% các khoản phí, lệ phí lĩnh vực hàng không

Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp vận tải hàng không đã chịu tổn thất nặng nề và đối mặt với nguy cơ phá sản cao do không bù đắp được những khoản chi phí lớn để duy trì hoạt động.

Sự ngưng trệ của ngành Hàng không cũng mang lại những tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm thương mại, dịch vụ, du lịch… bởi vai trò quan trọng của Ngành này trong việc cung ứng các dịch vụ trung gian liên quan đến vận chuyển, trung chuyển hành khách và hàng hoá.

Để hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp vận tải hàng không, góp phần vực dậy ngành vận tải hàng không khỏi khủng hoảng do đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 46/2020/TT-BTC ngày 27/5/2020 quy định mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay và giảm phí, lệ phí lĩnh vực hàng không là giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh lĩnh vực này nói riêng và gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác như: thương mại, du lịch, dịch vụ... Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nói chung, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.

Thông tư số 46/2020/TT-BTC điều chỉnh giảm 10% mức thu, nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không sân bay so với quy định tại Điều 4 Thông tư số 247/2016/TT-BTC. Cụ thể, mức thu phí tại Thông tư số 247/2016/TT-BTC đối với dịch vụ bảo đảm hoạt động bay là 165.000 đồng/lượt hạ hoặc cất cánh; phí kinh doanh cảng hàng không là 335.000 đồng/lượt hạ hoặc cất cánh.

Mức thu, nộp phí hải quan và lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các Cảng hàng không Việt Nam cũng được điều chỉnh giảm 10%. Theo đó, tổ chức, cá nhân là người nộp phí, lệ phí chỉ phải nộp bằng 90% mức thu tại Điều 4, Thông tư số 194/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo Thông tư số 194/2016/TT-BTC, lệ phí ra, vào cảng, hàng không sân bay là 50 USD/chuyến bay đến; phí hải quan cũng 50 USD/chuyến bay đến.

Thông tư số 46/2020/TT-BTC cũng đề xuất giảm 20% mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với máy bay và phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay. Các mức thu phí trên sẽ áp dụng đến hết năm 2020 và trở lại mức ban đầu kể từ năm 2021.

Giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay

Cùng với chính sách giảm phí, lệ phí, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, trong đó đã điều chỉnh giảm 30% mức thuế này so với quy định hiện hành.

Theo đó, từ ngày 1/8/2020 đến hết năm 2020, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít (bằng 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường). Từ ngày 1/1/2021 trở đi, mức thuế tiếp tục áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường.

Theo Bộ Tài chính, với việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống 2.100 đồng/lít đến hết ngày 31/12/2020 thì giá nhiên liệu bay chưa bao gồm thuế VAT giảm tương ứng là 900 đồng/lít và giá nhiên liệu bay sau thuế VAT giảm tương ứng là 990 đồng/lít. Từ đó, sẽ góp phần trực tiếp giảm giá nhiên liệu bay.

Trong bối cảnh tình hình tài chính của các doanh nghiệp hàng không hiện tại và dự kiến sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới do tác động của dịch Covid-19, việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay cũng như các chính sách giảm phí, lệ phí lĩnh vực hàng không sẽ góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không, góp phần giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch Covid-19.

Mặt khác, ngành Hàng không có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, huyết mạch trong hệ thống giao thông vận tải, góp phần thúc đẩy phát triển một số ngành nghề khác. Do đó, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay và giảm phí, lệ phí lĩnh vực hàng không sẽ gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác như: thương mại, du lịch, dịch vụ...