Gian lận thương mại trong hoàn thuế giá trị gia tăng và giải pháp khắc chế

Hoàng Lâm

Qua công tác chống buôn lậu, lực lượng hải quan phát hiện một loạt các chiêu thức gian lận thương mại liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng và đưa ra các giải pháp khắc chế thực trạng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bốn chiêu thức gian lận

Theo Tổng cục Hải quan, thới gian qua, để trục lợi trong hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), các đối tượng đã thực hiện một số chiêu thức gian lận, tiêu biểu  như:

Thứ nhất, lợi dụng các quy định và việc thành lập doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp khá đơn giản, chế tài xử phạt nhẹ để thành lập nhiều công ty. Cụ thể như, đứng tên những người thân trong gia đình hoặc thuê người hoặc sử dụng CMND/CCCD của người không quen biết; người bị mất CMND/CCCD, CMND/CCCD giả... đứng tên đại diện pháp luật tham gia hoàn thuế GTGT. Công  ty hoạt động một thời gian thì thì giải thể để trốn tránh cơ quan chức năng.

Thứ hai, hợp thức hóa nguồn gốc cho hàng xuất khẩu bằng việc tạo nguồn hóa đơn từ việc doanh nghiệp được tự in và sử dụng hóa đơn nội địa, kết hợp với việc giải doanh nghiệp.

Thứ ba, lợi dụng chính sách ưu đãi về thủ tục hải quan (kiểm tra thực tế theo mức độ rủi ro) để gian lận thương mại khi xuất khẩu hàng hóa như: Xuất khống hàng hóa; xuất ít hơn so với khai báo; xuất không đúng chủng loại so với khai báo (khai báo một loại, xuất một loại); xuất khẩu số lượng lớn hàng hóa với trị giá cao bất thường.

Khai báo hàng có trị giá cao, xuất hàng có trị giá thấp; Khai báo sai tên hàng, mã số hàng hóa để lập khống hồ sơ mở tờ khai xuất khẩu, xác nhận thực xuất, sau đó doanh nghiệp làm việc với doanh nghiệp thành lập công ty để hoàn thuế GTGT. Lập khống hóa đơn, chứng từ, xuất khẩu hàng hóa ít nhưng khai nhiều để tăng số thuế GTGT được hoàn; quay vòng hàng hóa để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.

Thứ tư, khai tăng trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu của dự án đầu tư để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT đầu vào.

Biện pháp khắc chế

Để kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT, để gian lận, lập hồ sơ khống, quay vòng, sử dụng hoá đơn giả nhằm thu hồi đầy đủ số tiền thất thoát vào NSNN… Bộ Tài chính đã chỉ đạo yêu cầu Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan phối hợp tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai và thực hiện hoàn thuế GTGT. Trong đó, thực hiện kiểm chặt chẽ hồ sơ kê khai hoàn thuế GTGT đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật; Tăng cường kiểm tra trước, trong và sau hoàn thuế.

Ngày 21/9/2021, Tổng cục Hải quan đã có Văn bản số 4539/TCHQ-TXNK chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương trên toàn quốc triển khai một số biện pháp nghiệp vụ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu, các Cục Hải quan địa phương lập danh sách, quản lý doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hoàn thuế GTGT theo tiêu chí quản lý rủi ro. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu đã làm thủ tục xuất khẩu.

Tăng cường kiểm tra hồ sơ, thực tế trong quá trình làm thủ tục hải quan hàng hóa xuất khẩu để phát hiện và xử lý theo quy định các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn: Khai khống, khai tăng số lượng hàng hóa xuất khẩu; khai sai tên, chủng loại hàng hóa, khai tăng bất thường trị giá hải quan đối với một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao trên tờ khai xuất khẩu; Sử dụng các chứng từ không hợp lệ để làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa.

Tăng cường kiểm tra trị giá hải quan hàng hóa nhập khẩu của các dự án đầu tư miễn thuế nhập khẩu, có dấu hiệu khai tăng trị giá hải quan để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT đầu vào tại cơ quan thuế nội địa…

Song song với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường công tác thu thập, phân tích thông tin xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát và kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu thuộc địa bàn quản lý của đơn vị, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp doanh nghiệp gian lận trong hoạt động xuất khẩu nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.

Trường hợp xác định dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, căn cứ thông tin thu thập thực hiện tạm dừng đưa hàng qua khu vực giám sát để kiểm tra theo quy định.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các biện pháp phối hợp với cơ quan thuế nội địa và các lực lượng khác trong đấu tranh ngăn chặn gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng:

Phối hợp cung cấp thông tin về các thủ đoạn gian lận đối với hàng hóa xuất khẩu như: khai sai tên hàng, số lượng, trị giá hoặc sử dụng các chứng từ tài liệu không hợp pháp để làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa nhằm mục đích hợp pháp hóa hồ sơ hoàn thuế GTGT.

Kiểm tra chặt chẽ các thông tin trên hồ sơ kê khai hoàn thuế GTGT liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo đề nghị của cơ quan thuế nội địa. Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành (Hải quan, Thuế), công tác kiểm tra sau thông quan đối với doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, hoàn thuế GTGT phát hiện, ngăn chặn nguy cơ rủi ro về việc mua bán hóa đơn trong nội địa, để nâng khống giá trị hàng hóa xuất khẩu, nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng...

Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan và lực lượng chức năng (công an, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng) để điều tra, xác minh, đấu tranh, xử lý nhanh chóng, kịp thời các vụ việc vi phạm hoàn thuế GTGT lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố, ngăn chặn hoạt động thẩm lậu hàng hóa xuất khẩu hoàn thuế GTGT.

Tăng cường công tác chống buôn lậu, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nơi giáp biên giới với nước bạn để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi quay vòng hàng xuất khẩu (hàng đã làm thủ tục và xuất khẩu sang nước bạn, nhưng lợi dụng biên giới rộng, quay lại Việt Nam để tiếp tục làm thủ tục xuất các lần tiếp theo).

Tăng cường hợp tác chặt chẽ với Hải quan các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước có chung biên giới. Thông tin kịp thời về doanh nghiệp, tình hình hàng hóa xuất khẩu có dấu hiệu gian lận trong hoàn thuế GTGT