Giao dịch cổ phiếu doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn thứ 2 trên UPCoM

PV.

Ngày 18/1/2016, Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP đã chính thức đưa cổ phiếu TVN lên giao dịch tại thị trường UPCoM của Sở GDCK Hà Nội (HNX) với tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt 6.780 tỷ đồng, TVN đã trở thành công ty có vốn điều lệ lớn thứ 2 trên thị trường UPCoM.

Ông Đặng Thúc Kháng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam đánh cồng khai trương phiên giao dịch của cổ phiếu TVN. Nguồn: hnx.vn
Ông Đặng Thúc Kháng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam đánh cồng khai trương phiên giao dịch của cổ phiếu TVN. Nguồn: hnx.vn

Sản lượng thép đạt trên 42% thị phần trong Hiệp hội Thép Việt Nam

Được thành lập trên cơ sở hợp nhất Tổng Công ty Thép Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp và Tổng Công ty Kim khí thuộc Bộ Vật tư từ năm 1995, TVN gắn liền với sự phát triển của đất nước nói chung và ngành công nghiệp luyện kim nói riêng. TVN hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thép và các vật tư, thiết bị liên quan đến ngành thép.

Hiện tại, Tổng Công ty đang sở hữu 12 công ty con chuyên về các ngành nghề sản xuất kim khí, thép và mạ công nghiệp tại các thảnh phố lớn trên cả nước như: Hà Nội, TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thái Nguyên…

Ngoài ra, TVN còn đang nắm quyền kiểm soát hoặc chi phối với 35 công ty, trong đó có các công ty lớn như CTCP Gang thép Thái Nguyên có vốn điều lệ 2.840 tỷ đồng (TVN sở hữu 42,2%), CTCP Thép Vinakyoei vốn điều lệ trên 2.115 tỷ đồng (TVN sở hữu 40%), CTCP Khoáng sản Luyện kim Việt Trung vốn điều lệ trên 1.542 tỷ đồng (TVN sở hữu 46,9%).

Trải qua 20 năm hoạt động từ năm 1995 - 2015, TVN đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô sản xuất và kinh doanh. Tính đến năm 2014, sản lượng thép cán tăng gấp 6,6 lần so với năm 1995. Sản phẩm chủ lực của Tổng Công ty là thép xây dựng, hiện đang chiếm trên 42% thị phần trong Hiệp hội Thép Việt Nam.

Trong năm 2015, TVN đã hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh, sản xuất và tiêu thụ đều tăng trưởng cao so với năm 2014. Theo ước tính sơ bộ, TVN và các đơn vị thành viên đã sản xuất được trên 1,6 triệu tấn phôi thép (tăng 23,7% so với năm 2014); trên 3,3 triệu tấn thép thành phẩm các loại (tăng 27,7% so với năm 2014); tiêu thụ trên 3,7 triệu tấn thép các loại (tăng 31,2%). Lợi nhuận hợp nhất đạt 150 tỷ đồng, lợi nhuận của công ty mẹ ước đạt 120 tỷ đồng, vượt 19,9% so với kế hoạch.

Những năm gần đây, TVN đóng vai trò là công cụ quan trọng của Nhà nước thực hiện bình ổn, kiểm soát thị trường thép trong nước, tham gia tích cực vào việc xây dựng, tham vấn chính sách và quy hoạch phát triển ngành thép với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Là đơn vị sáng lập ngành thép, Tổng Công ty cũng là đơn vị tiên phong trong thu hút đầu tư nước ngoài, hợp tác quốc tế, thực hiện nhiều dự án liên doanh, sản xuất thép với các nhà sản xuất thép hàng đầu trong khu vực.

Bên cạnh đó, áp dụng chiến lược đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, TVN còn hoạt động kinh doanh, khai thác cảng và dịch vụ giao nhận, kho bãi, nhà xưởng, nhà văn phòng, nhà ở, …

Định hướng phát triển trong giai đoạn tới

TVN chủ trương tập trung mọi nguồn lực để đầu tư vào đúng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh chính và đầu tư vào những ngành nghề phụ trợ, liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Tổng Công ty thông qua việc cơ cấu lại các khoản đầu tư đồng thời với việc thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài.

Cùng với đó, TVN sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án mới hoặc mua lại các công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác và sản xuất, chế biến nguồn nguyên liệu phục vụ cho đầu vào của sản xuất thép; đầu tư các dự án mới, đầu tư mở rộng hoặc đầu tư chiều sâu đối với các danh mục đầu tư hiện tại có tiềm năng để nâng cao sức cạnh tranh của Tổng Công ty.

TVN định hướng cơ cấu lại danh mục đầu tư hiện tại bằng việc thoái toàn bộ hoặc thoái một phần vốn đầu tư của Tổng Công ty tại các công ty con, công ty liên kết nhằm thu hồi vốn về Công ty mẹ - Tổng Công ty, tạo nguồn đầu tư cho các dự án nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của Tổng Công ty.

Trong những năm tiếp theo, TVN dự kiến tập trung đầu tư thăm dò và khai thác các mỏ quặng sắt trong nước và nguyên liệu than trong nước theo quy trình: Lập đề án thăm dò, làm thủ tục xin cấp phép khai thác và triển khai thực hiện công tác khai thác; đầu tư mở rộng hoặc nâng cấp các nhà máy luyện cán thép để tăng năng lực sản xuất và phát triển sản phẩm thép xây dựng.

Để phát triển kỹ thuật sản xuất thép, Tổng Công ty sẽ đầu tư xưởng luyện thép hợp kim và nghiên cứu cải tạo hệ thống luyện thép, đúc liên tục phôi cỡ lớn và luyện thép chất lượng cao để sản xuất thép cán hình, thép chống lò và một số sản phẩm thép khác.

TVN cũng sẽ đầu tư mở rộng cảng nhà máy của Công ty Thép Miền Nam để tăng công suất bốc dỡ hàng từ 1 triệu tấn/năm lên 1,5 triệu tấn/năm, tạo lợi thế cạnh tranh thông qua việc giảm chi phí vận chuyển bằng đường thủy.

Trong lĩnh vực bất động sản, Tổng Công ty sẽ cho đầu tư các dự án xây dựng: Khu Trung tâm thương mại, văn phòng và kết hợp chung cư, nhà văn phòng, khách sạn cho thuê, xây kho kín và các lĩnh vực khác phục vụ hỗ trợ cho phát triển sản xuất và kinh doanh.

Tại lễ khai trương giao dịch cổ phiếu TVN, ông Nghiêm Xuân Đa, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam chia sẻ, việc đưa cổ phiếu TVN vào giao dịch tại sàn UPCoM sẽ giúp cổ phiếu TVN đến gần hơn với các nhà đầu tư, qua đó cũng giúp công ty mở rộng phạm vi thông tin, tăng cường tính minh bạch tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh cũng như củng cố thương hiệu trên thị trường.

Đây là một bước tiến quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cổ đông thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tiến tới niêm yết cổ phiếu TVN lên sàn giao dịch trong một vài năm tới.