Giới chức Mỹ lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế
Chính phủ Mỹ đã chi cho nền kinh tế một số tiền cứu trợ tài chính chưa từng có lên tới hàng nghìn tỷ USD và điều này sẽ có tác động đáng kể.
Ngày 26/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi, bất chấp cảnh báo của giới chuyên gia về tác động lâu dài của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Trả lời trong chương trình Fox News Sunday, Bộ trưởng Mnuchin nhận định: “Tôi nghĩ rằng khi chúng ta bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế vào tháng 5 và tháng 6, bạn sẽ thấy nền kinh tế thực sự hồi phục vào tháng 7, tháng 8, tháng 9.”
Ông Mnuchin đồng thời cho biết Chính phủ Mỹ đã chi cho nền kinh tế một số tiền cứu trợ tài chính chưa từng có lên tới hàng nghìn tỷ USD và điều này sẽ có tác động đáng kể.
Ngoài ra, Nhà Trắng cũng đang xem xét cấp các khoản tín dụng ưu đãi hỗ trợ các công ty năng lượng gặp khó khăn.
Đánh giá lạc quan của Bộ trưởng Mnuchin được đưa ra trong bối cảnh số liệu thất nghiệp tại Mỹ tăng vọt và các hoạt động kinh tế được dự đoán sẽ giảm mạnh trong năm nay.
Trước đó, trả lời phỏng vấn chương trình "This Week" của kênh ABC, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Kevin Hassett cảnh báo đại dịch COVID-19 là cú sốc lớn nhất mà nền kinh tế Mỹ từng phải đối mặt.
Ông Hassett cho rằng việc hơn 26 triệu người lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp có thể sẽ gây ra những tác động lâu dài, đồng thời cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên mức tương đương giai đoạn Đại suy thoái năm 1930.
Hồi tuần trước, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật trị giá 484 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và các bệnh viện đang phải chịu sức ép lớn của dịch COVID-19, cũng như tăng cường năng lực xét nghiệm.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ, cơ quan lập pháp nước này đã thông qua 3 dự luật cứu trợ kinh tế, trong đó có gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử của Mỹ trị giá hơn 2.000 tỷ USD.