Tham gia TPP:
Giữ ổn định quy mô thu ngân sách nhà nước
Việc cắt giảm gần như 100% dòng thuế theo cam kết của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ dẫn tới giảm nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) đối với hàng hóa nhập khẩu, nhưng tác động giảm này không lớn.
Theo công bố mới đây của Bộ Tài chính, nếu thực hiện TPP, các nước đã cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam vào khoảng từ 78 đến 95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97 đến 100% dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng từ năm đến mười năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình hơn mười năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan.
Tác động giảm thu không lớn
Theo Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh, tác động của TPP đến thu NSNN là thách thức được các nhà kinh tế và nhà quản lý rất chú ý. Với các quốc gia mà nguồn thu từ hàng hóa xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách, việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) một lúc có thể gây khó khăn lớn cho điều hành thu - chi NSNN, nhất là khi phải cắt giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong thời gian ngắn.
Vấn đề nêu trên đã được Bộ Tài chính lưu ý trong đàm phán gia nhập WTO cũng như đàm phán các FTA hiện nay. Thuế suất tuy có giảm, thậm chí được xóa bỏ theo cam kết quốc tế nhưng tốc độ giảm được kiểm soát chặt chẽ, theo lộ trình được tính toán cẩn trọng nên tác động bất lợi đã được khắc phục.
Giải pháp này, kết hợp với những nỗ lực của ngành Tài chính trong việc đa dạng hóa nguồn thu, tổng thu NSNN (bao gồm cả tổng thu từ hàng hóa xuất nhập khẩu) vẫn tăng đều qua các năm sau khi gia nhập WTO đến nay, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đáp ứng được nhu cầu chi của NSNN.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, nếu như năm 2005, số thu từ hàng hóa xuất nhập khẩu là 38,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng thu NSNN thì năm 2010, số thu này là 175 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 9,2% tổng thu NSNN. Tuy nhiên, TPP là FTA thế hệ mới và dự kiến cũng sẽ tác động tới NSNN. Tác động này đến từ hai hướng:
Một là, các FTA này đặt ra yêu cầu tương đối cao (cao hơn các FTA khác) về xóa bỏ thuế nhập khẩu. Cụ thể là, trong TPP, tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu có thể lên tới 100% và yêu cầu này được thực hiện ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Hai là, TPP đặt ra yêu cầu xóa bỏ thuế xuất khẩu vì coi đây là một hình thức trợ cấp gián tiếp cho sản xuất trong nước (giúp sản xuất trong nước mua được nguyên liệu với giá rẻ hơn giá thị trường thế giới) nên sẽ có tác động lớn hơn các FTA khác đã ký.
Nếu xét kỹ, có thể thấy trong số các nước tham gia TPP, Việt Nam đã có quan hệ FTA với 7/12 nước, vì vậy, thuế nhập khẩu đã được giảm cho các nước này theo FTA đã ký trước đây nên dự kiến tác động tăng thêm của TPP lên nguồn thu từ hàng nhập khẩu là tương đối nhỏ.
Với bốn nước còn lại, chỉ có Hoa Kỳ và Canada, Việt Nam có kim ngạch nhập khẩu đáng kể nhưng cơ cấu nhập khẩu từ hai thị trường này lại thiên về các mặt hàng có thuế suất bằng 0% hoặc thuế suất thấp nên dự kiến tác động giảm thu cũng không lớn.
Về thuế xuất khẩu, do nước ta là nước đang phát triển, tỷ trọng thu từ thuế xuất nhập khẩu trong tổng thu NSNN tuy đã giảm rất mạnh so với năm 2009 nhưng vẫn còn tương đối lớn nên vẫn phải đưa ra lộ trình phù hợp, kiểm soát được tốc độ giảm thu, không gây đột biến nguồn thu.
Đồng quan điểm này, Viện trưởng Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Viết Lợi cho biết, việc cắt giảm gần như 100% dòng thuế theo cam kết của TPP sẽ dẫn tới giảm nguồn thu NSNN đối với hàng hóa nhập khẩu, nhưng tác động giảm này không lớn cho nên về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến thu NSNN.
Trong giai đoạn 2015-2018, phần lớn các FTA mà Việt Nam đã ký kết bước vào giai đoạn cắt giảm thuế và xóa bỏ thuế quan sâu (hiệp định ATIGA, hiệp định ACFTA, hiệp định AKFTA) trong khi đó cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, vì vậy, mức ảnh hưởng tới thu NSNN không nhiều.
Ngược lại, việc cắt giảm thuế quan trong TPP cũng như trong các FTA sẽ khiến cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước đối tác sẽ gia tăng, đồng nghĩa số thu từ thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu cũng như hàng hóa sản xuất trong nước cũng tăng theo. Ngoài ra, chi phí sản xuất của DN giảm cũng sẽ tác động tích cực đến nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bảo đảm tính bền vững của thu NSNN
Tại cuộc họp báo chuyên đề về tác động của TPP đối với lĩnh vực tài chính do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) Vũ Nhữ Thăng cho biết, tác động của TPP là đa chiều và có sự đan xen lẫn nhau, vì vậy cần có cái nhìn tổng thể.
Thực tế cho thấy, thực hiện các cam kết trong ASEAN, WTO và các FTA khác, số thu ngân sách liên quan đến thuế xuất nhập khẩu đang có xu hướng giảm trong các năm gần đây. Không nằm ngoài quy luật đó, khi tham gia TPP, tỷ trọng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu có thể giảm tiếp, nhưng số thu tuyệt đối sẽ vẫn tăng.
Nguyên nhân là bởi mỗi hiệp định đều có tác động đa chiều làm dịch chuyển thị trường xuất nhập khẩu, do đó nguồn thu ngân sách có thể giảm ở thị trường này nhưng lại tăng ở thị trường khác. Mặt khác, thuế nhập khẩu giảm sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, qua đó khuyến khích sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, tuy thuế xuất nhập khẩu giảm, nhưng các khoản thu khác từ hàng hóa xuất nhập khẩu như thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn được duy trì nên sẽ bù đắp phần nào. Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị Chính phủ có những điều chỉnh chính sách liên quan đến các sắc thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp… nhằm điều chỉnh cơ cấu thu và tỷ lệ thu hợp lý, bảo đảm tính bền vững của thu NSNN.
Việc hướng đến đặt trọng tâm thu ngân sách vào số thu nội địa cũng đã được điều chỉnh. Theo Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2015, thu nội địa chiếm 70% thu NSNN và hướng đến năm 2018 là 80%. Theo tính toán, năm 2015, thu nội địa đã chiếm 74% tổng thu NSNN.
Như vậy, áp lực giảm thu NSNN sẽ diễn ra khi các hiệp định có hiệu lực và đi vào giai đoạn cắt giảm thuế sâu, nhưng quy mô thu NSNN từ xuất nhập khẩu vẫn ổn định trong ngắn hạn.
“Rõ ràng, ngoài tác động về thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu thì việc giảm thuế trong TPP còn tác động tích cực tới thu nội địa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đó là điều mà chúng ta hướng đến để có nguồn thu NSNN thật sự bền vững”, Vụ trưởng Vũ Nhữ Thăng nói.