Giữ ổn định thuế nhập khẩu xăng dầu là yêu cầu cần thiết để giá xăng dầu có thể theo cơ chế thị trường
(Tài chính) Tại cuộc họp với Liên Bộ Tài chính - Công Thương chiều ngày 15/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Liên Bộ Tài chính – Công thương giải thích rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến, tình hình giá xăng dầu thế giới; phương án điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP; công khai minh bạch về các cơ sở hình thành giá bán lẻ xăng dầu; về việc sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu, mức lợi nhuận của các doanh nghiệp; và các yếu tố có liên quan đến thuế nhập khẩu xăng dầu;... để dư luận và nhân dân nắm rõ và chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm, đó là tại sao không điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu để bình ổn giá xăng dầu? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức cuộc phỏng vấn ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính). Xin giới thiệu toàn văn bài phỏng vấn.
Phóng viên: Trong thời gian gần đây, giá xăng dầu trong nước tăng liên tục, xin ông cho biết tại sao Bộ Tài chính không điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu để bình ổn giá xăng dầu?
Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế
Tính từ đầu năm đến ngày 7/7/2014 có 15 lần xem xét điều chỉnh giá, nhưng thực chất chỉ có 5 lần điều chỉnh tăng, 5 lần điều chỉnh giảm, còn lại là các lần xem xét nhưng chỉ điều chỉnh các mức sử dụng Quỹ BOG và trích lợi nhuận định mức để giữ ổn định giá.
Ở đây cần phải nói thêm là trong mỗi lần điều chỉnh, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đều công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử và gửi Thông cáo báo chí về các yếu tố liên quan như: diễn biến giá thế giới; công thức tính giá theo quy định; tình hình trích và sử dụng Quỹ BOG; và mức trích lợi nhuận định mức.
Riêng về thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì mức thuế nhập khẩu quy định đối với xăng dầu tối đa là 40%. Căn cứ tình hình trong nước, để chủ động cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người dân tiêu dùng, Bộ Tài chính có văn bản số 837/BTC-CST ngày 19/01/2010 công bố các mức thuế suất thuế nhập khẩu (Barem) đối với các mặt hàng xăng dầu khi giá thế giới biến động. Nếu theo Barem và mức giá xăng dầu thế giới thời gian qua và hiện nay thì mức thuế nhập khẩu phải là 20%. Nhưng mức thuế nhập khẩu hiện hành đối với xăng là 18%, còn dầu là 14%, 15%, 16% (tuỳ loại). Như vậy, vẫn thấp hơn mức thuế nhập khẩu công bố của Barem và thấp hơn nhiều mức tối đa do Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định.
Có thể thấy thuế nhập khẩu xăng dầu không chỉ đơn thuần công cụ thu ngân sách, mà còn là công cụ điều tiết thị trường, tạo điều kiện cho việc phát triển các dự án nhà máy lọc dầu trong nước, từng bước tiến tới đảm bảo nguồn cung trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu vì hiện nay Việt Nam mới sản xuất được 30%, phải nhập khẩu 70% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Mặt khác, suy cho cùng thuế thu vào ngân sách cũng chủ yếu phục vụ nhu cầu, lợi ích chung của xã hội như chi cho cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, đặc biệt là chi cho người nghèo, vùng nghèo,...
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã rất quyết liệt trong định hướng điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường và để bảo đảm thực hiện định hướng đó thì Nhà nước cần giảm sự can thiệp thông qua thuế nhập khẩu để giá xăng dầu có thể dần theo cơ chế thị trường.
Ông có thể cho biết trong cơ cấu giá xăng dầu, tỷ lệ thuế, phí trong giá ở Việt Nam là bao nhiêu và so với các nước trên thế giới thì liệu tỷ lệ này thế nào?
Mỗi nước có các loại thuế, phí áp dụng đối với xăng dầu khác nhau, ngoài các sắc thuế chung hầu như các nước đều áp dụng các sắc thuế như: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt,... một số nước có chung đường biên giới với Việt Nam còn áp dụng thêm các loại thuế, phí đặc thù khác đối với xăng dầu, như: Trung Quốc có thêm thuế giáo dục, thuế kiến thiết; Lào có thêm phí cầu đường, phí rủi ro doanh nghiệp và chi phí hao phí; Campuchia có thêm phụ thu.
Để so sánh, có thể tính bình quân tỷ lệ thuế, phí trong cơ cấu giá, trong đó, tính bình quân thì tỷ lệ thuế, phí chiếm trong giá bán xăng dầu của Việt Nam thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam hoặc nước có điều kiện tương đồng, cụ thể như:
Đối với mặt hàng xăng: Ở Việt Nam tỷ lệ thuế chiếm 32% trong giá bán, thấp hơn so với mức 36,12% của Lào; mức 35,91% của Thái Lan và mức 33,95% của Trung Quốc. Vì vậy, giá bán lẻ xăng (92R) của Việt Nam cũng thấp hơn các nước đó, cụ thể như: Ở Việt Nam hiện nay là 25.640 đồng/lít thì ở Lào là 28.924 đồng/lít (cao hơn 3.284 đồng/lít); ở Thái Lan là 26.129 đồng/lít (cao hơn 489 đồng/lít), ở Campuchia là 27.595 đồng/lít (cao hơn 1.955 đồng/lít).
Đối với mặt hàng dầu điezen: Tỷ lệ thuế ở Việt Nam chỉ chiếm có 21% trong giá bán nên giá cũng thấp hơn các nước này, cụ thể như: Ở Việt Nam giá bán lẻ dầu điêzen là 22.770 đồng/lít thì ở Trung Quốc là 25.140 đồng/lít (cao hơn 2.370 đồng/lít); ở Campuchia là 26.048 đồng/lít (cao hơn 3.278 đồng/lít); ở Lào là 25.396 đồng/lít, cao hơn 2.576 đồng/lít so với ở Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới mà một trong các nguyên nhân là do trong cơ cấu giá, Việt Nam có tỷ lệ thuế, phí bình quân thấp hơn. Nay nếu Việt Nam lại điều chỉnh giảm thuế thì sẽ lại phát sinh tình trạng buôn lậu như đã từng xảy ra.
Có ý kiến cho rằng giá xăng dầu ở Việt Nam cao hơn so với Mỹ khoảng trên dưới 4.000 đồng, vậy ông có bình luận gì về sự so sánh này?
Đúng là giá xăng dầu ở Mỹ thấp hơn Việt Nam nhưng để so sánh, cần phải xem xét nhiều yếu tố và những đặc thù khác nhau chứ không chỉ đơn thuần về mức giá, như:
Thứ nhất, về điều kiện tự nhiên và xã hội: Mỹ là nước có nguồn tài nguyên dầu mỏ lớn và ngành lọc hoá dầu phát triển rất mạnh nên là nước xuất khẩu xăng dầu thành phẩm lớn. Đồng thời, cũng là nước có dự trữ xăng dầu lớn nhất thế giới trong khi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 70% nhu cầu tiêu dùng xăng dầu.
Thứ hai, về căn cứ xác định mức giá cũng khác biệt như: Giá xăng dầu ở Mỹ thay đổi từng ngày, thậm chí theo giờ như giá buổi sáng có thể khác buổi chiều. Trong khi Việt Nam là tính bình quân 30 ngày (của dự trữ lưu thông xăng dầu) và thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá chỉ được thực hiện tối thiểu là 10 ngày đối với trường hợp tăng giá.
Thứ ba, cơ cấu và mức giá xăng dầu giữa các Bang của nước Mỹ cũng rất khác nhau, cụ thể như: tại thời điểm ngày 14/7/2014, giá xăng dầu tại các Bang quy đổi theo đơn vị lít và tính theo VNĐ như sau: Califonia: 23.196 đồng/lít; Washington: 22.447 đồng/lít; New York: 21.880 đồng/lít; Colorado: 20.410 đồng/lít; Texas: 19.697 đồng/lít.
Như vậy, không thể và không nên chỉ so sánh đơn thuần về mức giá bán xăng dầu của Việt Nam với một số nước đặc thù khác như Mỹ. Cũng có ý kiến cho rằng nhưng thu nhập bình quân của người dân Mỹ cao hơn nhiều, điều đó cũng đúng nhưng sự so sánh vẫn không có nhiều ý nghĩa. Chắc các bạn cũng đồng ý với tôi rằng, người dân ở một số nước Châu Phi dù có thu nhập thấp hơn ở Việt Nam nhiều thì cũng không nên so sánh giá gạo ở nước họ với giá gạo ở Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam.
Với sự biến động giá xăng dầu thế giới như hiện nay, xin ông cho biết định hướng điều hành thuế nhập khẩu xăng dầu trong thời gian tới như thế nào?
Trong thời gian tới, việc điều hành đối với thuế nhập khẩu xăng dầu cũng cần đảm bảo theo định hướng chung về điều hành giá xăng dầu, cụ thể như:
Thứ nhất, việc điều hành giá xăng dầu sẽ kiên định theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Hiện nay, Chính phủ cũng đang chuẩn bị ký ban hành Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, thay thế cho Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và tiếp tục khẳng định mạnh mẽ hơn cơ chế đó.
Thứ hai, để bảo đảm định hướng điều hành giá xăng dầu như nêu trên thì thuế nhập khẩu xăng dầu cần tiếp tục giữ ổn định. Việc giữ ổn định thuế nhập khẩu xăng dầu là yêu cầu cần thiết để giá xăng dầu có thể theo cơ chế thị trường. Ngoài việc tránh buôn lậu sang các nước có giá bán thấp hơn, còn để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng có sự chủ động cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Thứ ba, ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân thì có nhiều giải pháp thông qua việc sử dụng các loại thuế khác nhau, nhất là các sắc thuế trực thu. Có thể thấy thực tế những năm qua, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và ngân sách cũng hết sức khó khăn nhưng Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và của nhân dân với các giải pháp như: miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế. Đồng thời đã sửa đổi, bổ sung các Luật thuế như: Luật thuế Thu nhập cá nhân với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu lên 9 triệu đồng; Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp với việc giảm thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% và cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện trước mức thuế suất 20%, đồng thời bổ sung nhiều ưu đãi thuế.
Có thể nhận thấy trong thời gian qua, mặc dù việc đưa các giải pháp trên vào thực hiện đã dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước khá nhiều, nhưng điều đó cũng đã thể hiện được sự đồng hành và chia sẻ của Nhà nước trong bối cảnh ngân sách nhà nước cũng hết sức khó khăn. Những chủ trương, giải pháp, cơ chế tài chính trên đã thực sự là những giải pháp đòn bẩy có tầm ảnh hưởng, tác động rộng lớn đến đời sống xã hội cũng như hoạt động triển khai các giải pháp tài chính góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.