Gỡ điểm nghẽn hạ tầng logistics
Chi phí logistics tại Việt Nam vẫn thuộc diện đắt đỏ trên thế giới, mà một trong những nguyên nhân chính là kết cấu hạ tầng cho ngành còn yếu kém. Gỡ điểm nghẽn này là mục tiêu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đặt ra trong nghiên cứu Hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics đang được lấy ý kiến.
Nhiều tồn tại, hạn chế
Đề cập về thực trạng hệ thống hạ tầng logistics hiện nay của nước ta, nghiên cứu đánh giá, thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư phát triển, tạo điều kiện phát triển vận tải cũng như hoạt động logistics. Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh của nền kinh tế nên kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực đường sắt, cảng thủy nội địa đầu mối cũng như phương tiện thủy nội địa.
“Vấn đề khó khăn lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay là chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng cho dịch vụ logistics chưa được đầu tư, nâng cấp tương xứng và phù hợp với yêu cầu phát triển nhanh, hiện đại của dịch vụ logistics trên thế giới”, nghiên cứu nêu rõ.
Cụ thể, về hạ tầng hàng hải, các cảng nước sâu cho tàu container có sức chở lớn còn chưa đạt yêu cầu xuất nhập khẩu và cạnh tranh quốc tế đối với hàng trung chuyển so với các cảng trong khu vực ASEAN. Đường thủy nội địa được đầu tư ít, chủ yếu tận dụng điều kiện tự nhiên. Do đó, hạ tầng đường thủy nội địa (cầu, bến cảng, luồng lạch) cũng như phương tiện vận tải và thiết bị xếp dỡ còn lạc hậu… Chưa kể, hạ tầng đường sắt công nghệ lạc hậu, thiếu an toàn do sử dụng khổ đường sắt hẹp. Các trung tâm logistics hầu như được đầu tư manh mún, tự phát dựa trên nhu cầu của một nhóm khách hàng và chưa có tính kết nối trong chiến lược phát triển tổng thể nền kinh tế.
Về chính sách đối với đầu tư vào hạ tầng dịch vụ logistics, nghiên cứu cho biết, còn thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) chủ cảng, chủ tàu, chủ hàng và các DN cung cấp dịch vụ hàng hải.
Nghiên cứu của Bộ KH&ĐT cũng cho hay, hiện các nhà đầu tư nước ngoài có ý định tham gia đầu tư dự án đều đưa ra yêu cầu Chính phủ bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ… nhưng trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, Việt Nam không thể đáp ứng được các điều kiện này nên chưa thể thu hút các DN nước ngoài đầu tư vào dự án hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng logistics nói riêng.
Sớm ban hành Luật PPP
Với quan điểm phát triển hạ tầng dịch vụ logistics nhằm góp phần đem lại giá trị gia tăng cao cho ngành, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển…, tại nghiên cứu nói trên, Bộ KH&ĐT đề xuất một loạt nhóm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng đối với dịch vụ logistics, trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện khung pháp lý về PPP.
Theo Bộ KH&ĐT, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công ngày càng khó khăn, việc thu hút các nguồn vốn từ xã hội thông qua PPP cho các dự án giao thông (đường bộ, sân bay, cảng biển, đường sắt tốc độ cao…) là một chính sách đúng đắn. Do vậy, cần sớm ban hành Luật PPP nhằm tạo hành lang pháp lý cho phát triển ngành logistics.
“Trong thời gian chưa có bộ luật riêng về PPP, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét để ban hành một nghị quyết riêng về các chính sách bảo lãnh, bảo đảm rủi ro (về doanh thu, ngoại tệ...) cho một số dự án PPP giao thông trọng điểm quốc gia cần thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thông qua danh mục các dự án PPP giao thông trọng điểm, đặc biệt là ưu tiên cấp quốc gia phân theo từng lĩnh vực giao thông, làm cơ sở bố trí nguồn nhân lực và kêu gọi đầu tư. Thông tin về danh mục này cần được công khai, minh bạch với các nhà đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế”, Bộ KH&ĐT đề xuất.
Tán thành nghiên cứu và đề xuất của Bộ KH&ĐT, ông Nguyễn Tương, cố vấn cấp cao của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam kiến nghị: “Nhà nước cần sớm hoàn thiện thể chế về PPP nhằm khắc phục những khó khăn hiện nay trong việc huy động nguồn vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng, cải thiện chất lượng dịch vụ logistics…”.
Bên cạnh giải pháp trên, Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, cần ban hành, sửa đổi chính sách tiếp cận đất đai. Lý do là nhiều năm nay, các đô thị lớn tập trung phát triển bất động sản, hỗ trợ cho sự ra đời của các khu đô thị mới, song quy hoạch quỹ đất dành cho logistics là không nhiều. Việc điều chỉnh quy hoạch đất đai là cần thiết để đáp ứng tốt nhất hạ tầng cho logistics về lâu dài…