Gỡ khó cho nhà đầu tư
Các nhà đầu tư nước ngoài luôn cần hành lang pháp lý đầy đủ, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các hoạt động về dầu khí. Thực tế đó đòi hỏi, việc sửa đổi pháp luật về dầu khí phải bảo đảm được tính đặc thù ngành dầu khí, tạo cơ chế thu hút đầu tư, giúp quá trình triển khai các hoạt động dầu khí thuận lợi hơn, trơn tru hơn. Đó là khẳng định của các chuyên gia tại Tọa đàm trực tuyến "Luật Dầu khí cần mang đặc thù dầu khí".
Rủi ro là đặc thù của ngành dầu khí
Theo các chuyên gia, đặc thù dầu khí lớn nhất là rủi ro. Ví dụ khi nhà đầu tư ký hợp đồng dầu khí, nhưng thời điểm đó nhà đầu tư chưa biết sẽ tìm ra dầu, khí hoặc chưa tìm ra gì. Trong khi, các dự án khác biết được rõ quy trình, tổng mức đầu tư…
Đơn cử như giá dầu thô phụ thuộc vào thị trường thế giới, thị trường thường xuyên có những biến động bất thường nằm ngoài dự báo của các tổ chức, tư vấn quốc tế; chi phí cho công tác tìm kiếm thăm dò rất cao, nhưng kết quả giống như “mò kim đáy biển”; không phải giếng khoan nào cũng có trữ lượng dầu, khí thương mại. Do đó, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) phải thể hiện được tính đặc thù của ngành dầu khí.
Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công thương Trần Thanh Tùng cho biết, với đặc thù hoạt động trên biển, khi khoan 10 giếng, có khi chỉ 1 - 2 giếng phát hiện có dầu, khí. Vốn đầu tư lớn, rủi ro cao, cùng với những hạn chế liên quan đến hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC); thời hạn giai đoạn của tìm kiếm thăm dò; quy trình phê duyệt để khai thác sau khi có các phát hiện dầu khí; đặc biệt là cách tính thuế, dẫn đến lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí hiện nay khó thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Thực tế là trong hoạt động tìm kiếm thăm dò, nhà đầu tư cần cơ chế ưu đãi đầu tư để thu hồi chi phí. Đối với lô dầu khí bình thường, thuế tài nguyên hiện hành là 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp là 50%, thu hồi chi phí đến 50% doanh thu; lô khuyến khích là 7% và 32%, thu hồi chi phí là 70% doanh thu tương ứng.
Cho rằng một trong những nguyên nhân khiến hoạt động tìm kiếm thăm dò, tìm nguồn bổ sung vào khai thác hàng năm giảm nhiều so với giai đoạn trước là do khó khăn về cơ chế, chính sách, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập chia sẻ, dự báo từ năm 2022, sản lượng khai thác dầu khí trong nước sẽ sụt giảm mạnh nếu không kịp thời tăng cường tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí mới. Bên cạnh đó, hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí cũng gặp khó khăn bởi chưa xây dựng được cơ chế bao tiêu sản phẩm để nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào lĩnh vực đặc thù này.
Đơn giản hóa các thủ tục đầu tư
Vì hoạt động trên biển có quá nhiều đặc thù và rủi ro nên nhà đầu tư nước ngoài luôn cần hành lang pháp lý đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ. Chính vì vậy, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Đức Kiên cho rằng, sửa đổi Luật Dầu khí lần này phải hướng tới mục tiêu các nhà đầu tư trong và ngoài nước chỉ cần đọc và làm theo hướng dẫn là có thể yên tâm triển khai nhanh, hiệu quả các dự án dầu, khí.
Không ít ý kiến cho rằng, trong quá trình sửa đổi Luật Dầu khí, cần đơn giản hóa các thủ tục với các dự án dầu khí, nhằm phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế. Bởi thực tế, cả Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị gặp rất nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư dự án dầu khí do sự chồng chéo của pháp luật; sự dẫn chiếu qua lại giữa các Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Dầu khí hiện hành. Nếu không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư sẽ tạo nên khoảng trống rất lớn về vấn đề này đối với dự án dầu khí.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề cấp thiết là Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cần bổ sung quy định để áp dụng thống nhất cơ chế trình duyệt các vấn đề phát sinh trong đầu tư và triển khai dự án dầu khí, từ khâu hình thành đến kết thúc dự án, để có thể đáp ứng đồng thời tất cả các quy định của pháp luật có liên quan, nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng và môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp.
“Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cần có quy định rõ ràng cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện các hoạt động đầu tư và triển khai dự án dầu khí theo trình tự, thủ tục đầu tư và quản lý vốn được quy định tại Luật Dầu khí, tháo gỡ sự chồng chéo của các văn bản luật hiện hành và tập trung quản lý các vấn đề của dự án dầu khí tại một văn bản luật duy nhất” - Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập kiến nghị.
Trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Bộ Công thương đang đề xuất cơ chế mới đối với Lô đặc biệt ưu đãi đầu tư. Cụ thể, áp dụng mức thuế suất thuế tài nguyên như đối với các lô ưu đãi đầu tư dầu khí, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, lô thông thường thì ưu đãi là 50%, lô khuyến khích là 70%; lô đặc biệt khuyến khích là 80%. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đề xuất miễn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 50% thuế xuất khẩu dầu thô so với mức 10% trước đây.