Sửa đổi Luật Dầu khí: Tạo đột phá cho sự phát triển của ngành Dầu khí
Theo các chuyên gia, Luật Dầu khí ra đời năm 1993 là mốc quan trọng đánh dấu sự hình thành của hệ thống các văn bản pháp lý về dầu khí, đã được bổ sung, sửa đổi vào năm 2000 và năm 2008. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành Dầu khí, đòi hỏi phải hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực này để tạo đột phá cho sự phát triển của Ngành, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Khó tận dụng lợi thế của thị trường
Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định chưa phù hợp, chưa đồng bộ trong Luật Dầu khí và các văn bản hướng dẫn đã khiến hoạt động của các doanh nghiệp dầu khí cũng như công tác quản lý nhà nước gặp không ít vướng mắc, lúng túng.
Đơn cử như trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu khí đang dần suy giảm, một trong những nhiệm vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là tăng cường các giải pháp, nhằm tối đa tận thu tài nguyên tại các lô/mỏ. Phần lớn các mỏ dầu khí đang khai thác ở nước ta đều được đưa vào khai thác trong giai đoạn từ 1986 - 2015.
Nhiều mỏ đóng góp sản lượng lớn đã khai thác được 15 - 35 năm, đang ở giai đoạn cuối đời mỏ với độ ngập nước trung bình ở mức 50 - 90%, dẫn đến sản lượng suy giảm tự nhiên khoảng 15 - 25%/năm. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, ký kết các hợp đồng dầu khí mới, PVN đã tập trung tăng cường các giải pháp nhằm tối đa việc tận khai thác dầu khí tại các lô/mỏ hiện hữu.
Hiện tại, một số lô/diện tích hết hạn hợp đồng hoặc chấm dứt sớm được giao cho PVN điều hành để tận thu tài nguyên như các Lô 01&02, Lô 01/97&02/97, mỏ Sông Đốc (Lô 46/13). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, PVN đã tiếp quản và duy trì hoạt động khai thác tại các lô/diện tích này nhưng chưa có khung pháp lý phù hợp để đạt được mục tiêu tối đa tận thu tài nguyên.
Bởi Luật Dầu khí hiện hành chưa có quy định phù hợp cho hoạt động tận khai thác dầu khí sau khi nhà thầu chuyển giao tài sản và hoạt động khai thác cho Việt Nam vào thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí hoặc chấm dứt sớm hợp đồng vì lý do kinh tế.
Việc duy trì hoạt động dầu khí trong điều kiện thiếu quy định cụ thể, dẫn đến hoạt động khai thác luôn trong tình trạng thụ động, không tận dụng được những lợi thế của thị trường do không xác định được khoảng thời gian duy trì hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của hoạt động khai thác. Do đó, cần có một cơ chế phù hợp được luật hóa để doanh nghiệp nhà nước tiếp nhận các dự án tận khai thác một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Giới hạn hoạt động dầu khí
Luật Dầu khí hiện tại chỉ quy định giới hạn hoạt động dầu khí ở các khâu tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí. Đối với các hoạt động khác như vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu, hoặc liên quan đến công tác mua sắm vật tư thiết bị, thuê dịch vụ phục vụ các hoạt động trên… hầu như không được đề cập, hoặc quy định chưa rõ ràng.
Thực tế đòi hỏi, cần có quy định rõ ràng, cụ thể, chi tiết hơn đối với hoạt động dầu khí tại tất cả các khâu, hoạt động, nhằm tăng tính khả thi, hiệu quả khi thực hiện, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.
Mặt khác, Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật chưa có quy định điều chỉnh đối với đối tượng dầu khí phi truyền thống (như khí sét, băng cháy...); chưa có quy định về các dự án khai thác dầu khí có hệ thống thiết bị được xây dựng ngoài diện tích hợp đồng đã được xác định ban đầu hoặc triển khai theo chuỗi. Quy định về thời hạn hợp đồng, gia hạn của hợp đồng dầu khí chưa linh hoạt để khuyến khích, ưu tiên cho nhà thầu hiện hữu đầu tư lâu dài hơn (hợp đồng có thời hạn dài hơn hoặc theo đời mỏ).
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, các quy định về ưu đãi đầu tư đối với lô, mỏ dầu khí được ban hành từ lâu (năm 2005), đến nay một số tiêu chí không còn phù hợp với tình hình thực tế; chưa có quy định, chưa có chính sách ưu đãi đầu tư đối với mỏ nhỏ, cận biên, tận thu dầu khí; quy định về quyết toán dự án phù hợp với đặc thù của hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí và thông lệ quốc tế chưa đầy đủ…
Việc sửa đổi Luật Dầu khí sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp trong Tập đoàn. Bởi, đây là việc làm cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với bối cảnh mới để loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.