Gỡ khó cho thanh quyết toán nguồn ngoài ngân sách huy động cho phòng, chống dịch COVID-19

Phạm Lan Phương

Đây là một trong những vấn đề thu hút được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong phiên thảo luận ngày 29/5 về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, tính đến 31/12/2022, tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khoảng 230 nghìn tỷ đồng; trên 11,6 nghìn tỷ đồng đã được huy động vào Quỹ Vắc-xin phòng COVID-19...

Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành. Trong đó, đã hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch; mua vắc-xin phòng COVID-19; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin phòng COVID-19; mua sắm kit xét nghiệm; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm; chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19; sàng lọc, thu dung, cách ly y tế; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị COVID-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến…

Tuy nhiên, Báo cáo của Đoàn Giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm.

Đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam. Nguồn: quochoi.vn
Đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam. Nguồn: quochoi.vn

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, hiện mới chỉ có đánh giá về nguồn ngân sách nhà nước, chưa có có đánh giá về việc thanh quyết toán kinh phí huy động từ nguồn lực ngoài ngân sách. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm báo cáo bổ sung, tổng hợp, nêu rõ kết quả quản lý, sử dụng và thanh quyết toán đối với nguồn lực huy động từ nguồn ngoài ngân sách. Đồng thời, cần có những giải pháp để tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc, đặc biệt là việc thanh quyết toán, xác lập giá trị tài sản, sở hữu toàn dân để nhanh chóng quản lý, tránh lãng phí các nguồn lực quý giá đã huy động được.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình cho rằng, báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết chưa đề cập đến công tác quyết toán, việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực, nhất là nguồn lực được huy động đóng góp bằng tiền mặt. Theo báo cáo kết quả quyết toán chi các nguồn lực huy động phục vụ công tác phòng, chống dịch chưa rõ ràng, đối với khoản tiền huy động từ nguồn ngoài ngân sách hiện cũng chưa có cơ chế để thực hiện quyết toán.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình. Nguồn: quochoi.vn 
Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình. Nguồn: quochoi.vn 

Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Chính phủ thực hiện quyết toán riêng toàn bộ số tiền huy động và sử dụng để phòng, chống dịch gồm cả nguồn ngân sách nhà nước và nguồn ngoài ngân sách, báo cáo Quốc hội khi quyết toán ngân sách nhà nước niên độ 2022. Đồng thời, giao Bộ Tài chính hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương quyết toán các khoản huy động ngoài ngân sách nhà nước, đề xuất phương án sử dụng số kinh phí huy động còn lại, đảm bảo người dân được giám sát và thực hiện đúng phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

ĐBQH Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị với Quốc hội đưa nội dung này vào Chương trình giám sát chuyên đề, quy định cho phép Chính phủ xây dựng văn bản thực hiện Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về thanh toán chi phí phòng, chống dịch theo chương trình, thủ tục rút gọn, có phân cấp cho địa phương quyết định một số nội dung thông qua Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. 

Đại biểu Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh. Nguồn: quochoi.vn 
Đại biểu Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh. Nguồn: quochoi.vn 

Cùng chung quan điển này, đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, giao quyền cho Hội đồng nhân dân các tỉnh căn cứ tình hình thực tế ở địa phương để quyết định giải quyết những vấn đề như thanh toán, quyết toán những vấn đề chi phí phục vụ công tác phòng chống dịch, thanh toán tiền ăn nghỉ cho nhân viên y tế tại cơ sở cách ly tự nguyện; giải quyết dứt điểm những chế độ, chính sách liên quan đến lực lượng tham gia phòng chống dịch tại cơ sở...

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng, dịch COVID-19 tạo ra những hoàn cảnh chưa có tiền lệ, nhiều vấn đề phát sinh chưa có quy định, hoặc nếu có sự hướng dẫn cũng chưa được thống nhất, đồng bộ… Do vậy, việc giải quyết tại thời điểm hiện tại cũng phải đặt trong bối cảnh này để có hướng xử lý sao cho phù hợp. Ví dụ ở địa phương trong quá trình phòng, chống dịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ có nhiều văn bản hướng dẫn việc sử dụng nguồn kinh phí vận động, trong đó có cho phép đối với các tỉnh có dịch bệnh phức tạp thì ưu tiên kinh phí vận động cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương, chỉ ngoại trừ nguồn ủng hộ có ghi rõ mua vaccine và sau đó sẽ nộp số tiền còn lại về cho Quỹ vắc xin phòng, chống dịch COVID- 19 của Trung ương. Do vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã sử dụng nguồn kinh phí vận động này để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương và từng nội dung sử dụng. Việc phân bổ kinh phí phòng, chống dịch đều có báo cáo xin ý kiến và trình cho Thường trực Tỉnh ủy để phê duyệt.

Tuy nhiên, kết luận của Kiểm toán Nhà nước lại yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phải nộp về Quỹ vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 Trung ương toàn bộ số tiền theo mức 80% tổng số tiền vận động cho công tác phòng, chống dịch. Trong khi nguồn kinh phí vận động này của tỉnh đã chi cho công tác phòng, chống dịch hiện chỉ còn ít cũng không thể nộp đủ theo đề nghị của Kiểm toán nhà nước. Hiện nay, nhiều tỉnh khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, gặp khó khăn trong vấn đề này. Do vậy, đại biểu này đề nghị Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tổng hợp tình hình chung của các địa phương để phối hợp cùng với Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn này.