Gỡ “nút thắt cổ chai” thu hút FDI trong bối cảnh 4.0

Theo Ngọc Hà/enternews.vn

Thủ tục hành chính, ưu tiên doanh nghiệp Nhà nước, cơ sở vật chất và công nghệ chưa hoàn thiện… đó là những thách thức trong thu hút FDI được chỉ ra mới đây.

Môi trường kinh doanh thân thiện, lành mạnh là điều “bắt buộc” để Việt Nam tận dụng các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại và hội nhập quốc tế thông qua các FTA. Nguồn: Internet
Môi trường kinh doanh thân thiện, lành mạnh là điều “bắt buộc” để Việt Nam tận dụng các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại và hội nhập quốc tế thông qua các FTA. Nguồn: Internet

Đó là chia sẻ của bà Lindsey Ice, chuyên gia kinh tế tại FocusEconomic - một trong những đơn vị phân tích và dự báo kinh tế cho hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm châu Mỹ, EU, châu Á và châu Phi.

Thách thức từ môi trường đầu tư

Bà Lindsey Ice, chuyên gia kinh tế tại FocusEconomic.
Bà Lindsey Ice, chuyên gia kinh tế tại FocusEconomic.

Bà Lindsey Ice đã chỉ ra rằng, gánh nặng thủ tục hành chính có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh, đầu tư... thực hiện các nhiệm vụ hành chính khác.

Theo đó, hàng loạt những thách thức khác cũng đã được chỉ ra, trong đó có thể kể đến như các doanh nghiệp thường gặp phải tình trạng mỗi cơ quan hiểu, giải thích thủ tục theo những cách khác nhau cho dù cùng một quy định hoặc các doanh nghiệp cũng “phải” kiểm tra định kỳ số lượng lớn.

Ngoài ra, bà Lindsey Icecũng cho biết thêm rằng, các báo cáo cho thấy các doanh nghiệp FDI chọn cách “tránh” hệ thống tòa án Việt Nam do lo ngại về hối lộ, và họ tin rằng tòa án không phải là các tổ chức độc lập cũng như không hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp.

Thêm nữa, các công ty quan tâm đến đầu tư vào Việt Nam cũng đánh giá đến yếu tố rủi ro tham nhũng. Bởi, điều này có thể ngăn cản các doanh nghiệp thiết lập cửa hàng hoặc tham gia vào các hình thức đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp, chẳng hạn như sáp nhập và mua lại (M&A), để tham gia vào thị trường Việt Nam.

Với những tiềm năng để trở thành điểm đến cho các chuỗi cung ứng do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ Trung kéo dài, cũng là một trong những lợi thế để Việt Nam có thể tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, những cơ hội này sẽ trở thành thách thức nếu môi trường đầu tư kinh doanh không được khuyến khích, thay đổi.

Mặc dù, “chủ trương của Chính phủ là từng bước cắt giảm thủ tục, hành chính và kiểm tra chuyên ngành tuy nhiên những thực tế vừa kể ra đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa để thu hút được vốn FDI và đăng ký kinh doanh mới”, bà Lindsey Ice cho biết.

Gỡ nút thắt

Môi trường kinh doanh thân thiện, lành mạnh là điều “bắt buộc” để Việt Nam tận dụng các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại và hội nhập quốc tế thông qua các FTA.

Điều quan trọng trước tiên, theo bà Lindsey Ice, mặc dù cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể tuy nhiên, cơ sở hạ tầng năng lượng, giao thông… vẫn còn yếu.

Vì vậy, “các dự án cơ sở hạ tầng giao thông cần tập trung vào việc kết nối các ngành công nghiệp đang phát triển và giảm bớt tắc nghẽn giao thông và ùn tắc giao thông. Hơn nữa, các nỗ lực cần tập trung vào việc củng cố cơ sở hạ tầng điện và đa dạng hóa các nguồn năng lượng khỏi sự phụ thuộc quá nhiều vào thủy điện”, bà Lindsey Icek huyến nghị.

Bà Lindsey Icek cho rằng, cơ sở hạ tầng truyền thông và CNTT cũng cần được cải thiện, đặc biệt vì phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn hạn chế trong việc tiếp cận các công nghệ mới. Quan hệ đối tác công-tư có thể là một phương pháp xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi các công ty tư nhân có kinh nghiệm có thể là trụ cột trong việc tích hợp công nghệ và đào tạo nhân viên trong các công nghệ mới.

Việt Nam có rất nhiều lý do để tiếp tục “nuôi dưỡng” một môi trường kinh doanh thân thiện, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam là một nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại, vì vậy, nền kinh tế dễ bị “tổn thương” nếu xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, suy thoái trong lĩnh vực công nghệ cũng có thể kéo theo sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế, do tầm quan trọng của chất bán dẫn và xuất khẩu linh kiện điện tử.

Do đó, đa dạng hóa nền kinh tế cũng như các nguồn vốn FDI sẽ rất quan trọng đối với Việt Nam để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Hiện nay, nhà đầu tư Samsung Hàn Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong nước và chiếm hơn 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu, phản ánh sự phụ thuộc quá mức của đất nước vào ngành công nghiệp điện tử để tăng trưởng.

Mặc dù Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên, vẫn bị chi phối bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp trong nước hầu như không tham gia được vào chuỗi cung ứng này. Vì vậy, bài toán đặt ra đó là liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ tư nhân trong nước vào các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ là điều bắt buộc để duy trì tăng trưởng kinh tế và tránh bẫy thu nhập trung bình.

“Giải quyết những thiếu sót này sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh và thu hút FDI, và đảm bảo rằng Việt Nam được hưởng lợi từ sự xuất hiện của công nghiệp 4.0”, bà Lindsey Ice khẳng định.