Gỡ nút thắt về chính sách để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng

Thùy Linh

Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng toàn cầu, việc thu hút khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam. Đây là nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam” diễn ra vào chiều ngày 18/2.

Toàn cảnh Hội thảo “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam”
Toàn cảnh Hội thảo “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam”

Tại Hội thảo, ông Lê Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng với mức tăng trưởng hai con số. Để đạt được mục tiêu này, nhu cầu phát triển năng lượng là điều tất yếu, trong đó khu vực kinh tế tư nhân cần được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia.

Theo ông Philip Timothy Rose – Giám đốc Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS), tổng vốn đầu tư cần thiết cho phát triển điện năng tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 ước tính lên tới 134 tỷ USD. Do đó, việc huy động nguồn vốn tư nhân đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành năng lượng.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện nay khu vực tư nhân vẫn gặp nhiều rào cản khi đầu tư vào năng lượng. Những rào cản này liên quan đến chính sách thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng năng lượng, thủ tục hành chính phức tạp và hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn. Ông cho rằng đầu tư vào năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian hoàn vốn dài, nhưng các doanh nghiệp tư nhân lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay do lãi suất cao trong nước và yêu cầu bảo lãnh từ Chính phủ khi vay vốn nước ngoài.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho khu vực tư nhân. Một trong những giải pháp quan trọng là cải thiện cơ chế tài chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính và có chính sách bảo lãnh phù hợp để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Thực tế, Việt Nam đã có những bước đi quan trọng nhằm khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng. Tháng 2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nhấn mạnh rằng bảo đảm an ninh năng lượng là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân, tham gia đầu tư vào năng lượng.

Nhằm hiện thực hoá mục tiêu trên, Dự án “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam” cũng được triển khai nhằm hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Chương trình này tập trung nghiên cứu các mô hình huy động vốn tư nhân hiệu quả trên thế giới, đánh giá thực trạng của Việt Nam và đề xuất các giải pháp phù hợp để thu hút đầu tư tư nhân vào năng lượng.

Theo các chuyên gia, việc khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào năng lượng không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện ngày càng gia tăng mà còn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững. Trong bối cảnh quốc tế đang đẩy mạnh các cam kết về giảm phát thải và phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cũng cần có chiến lược rõ ràng để thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, tận dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và công nghệ hiện đại nhằm bảo đảm an ninh năng lượng lâu dài.